Thứ Năm, 14/08/2014 10:02

Kinh doanh khởi sắc, những “đứa con” của VICEM vẫn bị nợ đè

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết 6 tháng đầu năm lượng tiêu thụ xi măng đạt 33 triệu tấn, tăng 10% cùng kỳ, tín hiệu tích cực sau 3 năm giảm liên tiếp. Vậy các doanh nghiệp niêm yết của VICEM liệu có được sự khởi sắc cùng với toàn ngành trong 6 tháng qua?

* Cuộc "lộn vòng" ngoạn mục của cổ phiếu HT1

Hiện Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) có 24 đơn vị thành viên, trong đó có 5 công ty sản xuất xi măng niêm yết trên sàn chứng khoán.

VICEM hiện nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 6 công ty con, 10 công ty VICEM nắm giữ cổ phần chi phối và 8 công ty liên doanh, liên kết. Trong đó có 8/24 công ty sản xuất xi măng và trong số này có được 5 đơn vị đang niêm yết trên sàn.

BCTC của 5 doanh nghiệp (DN) trên cho thấy doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 đạt 8,348 tỷ đồng, tăng 11% cùng kỳ, tương đương với mức gia tăng sản lượng của toàn ngành xi măng. Đáng chú ý, tổng lợi nhuận đạt 241 tỷ đồng, gấp đến 4.7 lần. Điều này có thể cho thấy phần nào hiệu quả của các đơn vị trong việc quản lý các chi phí kinh doanh tốt hơn cùng kỳ.

Doanh thu và lợi nhuận 6T/2014 các DN sản xuất xi măng thuộc VICEM

Cụ thể, 6 tháng qua VICEM Hải Vân (HNX: HVX), đơn vị mà VICEM sở hữu 76.55% vốn điều lệ, có mức tăng doanh thu và lợi nhuận cao nhất. Tuy doanh thu không đứng đầu nhưng với con số 479 tỷ đồng, HVX đã tăng trưởng 33% cùng kỳ nhờ vào sản lượng xi măng gia tăng và đạt 74% kế hoạch năm. Bên cạnh đó chi phí lãi vay giảm bớt giúp lãi ròng đạt 11.7 tỷ đồng, tăng đến 58% cùng kỳ.

Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) sau khi cấn trừ được 1,200 tỷ đồng công nợ cho VICEM thì hoạt động kinh doanh đã có phần khởi sắc khi doanh thu tăng 9%, đạt 3,306 tỷ đồng trong 6 tháng; lãi ròng theo đó cũng tăng được 7%, đạt 13.3 tỷ đồng và thực hiện được 63% kế hoạch năm.

Nổi bật là VICEM Hoàng Mai (HNX: HOM)VICEM Bút Sơn (HNX: BTS) đã thoát lỗ so với 6 tháng cùng kỳ. HOM đạt doanh thu 855 tỷ đồng, tăng 17%, tương đương 55% kế hoạch năm; lãi ròng 24.2 tỷ đồng, tập trung phần lớn vào quý 2 với 23.5 tỷ đồng. HOM cho biết riêng quý 2 sản lượng sản xuất clinker tăng 55%, xi măng tiêu thụ tăng 49% trong khi tiêu hao nhiên liệu than và điện giảm đã góp phần tích cực cho gia tăng lợi nhuận. Năm 2013 vừa qua là năm lợi nhuận của HOM ở mức thấp nhất với vỏn vẹn 1.5 tỷ đồng, nhiều năm liền trước đều trên 100 tỷ đồng. Năm nay HOM đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 37.5 tỷ đồng.

Còn BTS, 6 tháng đạt ngưỡng doanh thu 1,361 tỷ đồng, nhích nhẹ 3%. Nhờ doanh thu xi măng, clinker tăng trong khi chiết khấu thương mại và chi phí lãi vay giảm nên lãi ròng đạt 8.8 tỷ đồng, cùng kỳ chịu lỗ 33.3 tỷ đồng. Cũng như HOM, lãi ròng 6 tháng của BTS tập trung phần lớn vào quý 2 với hơn 8.6 tỷ đồng. Tuy nhiên với việc lỗ liên tiếp trong năm 2012 và 2013 khiến hết quý 2 lỗ lũy kế của BTS vẫn còn đến 251 tỷ đồng.

Xét về con số tuyệt đối của lãi ròng thì phải kể đến VICEM Hoàng Thạch, đơn vị vốn là Công ty TNHH MTV do VICEM nắm giữ 100% vốn điều lệ. Doanh thu 6 tháng ghi nhận 2,347 tỷ đồng, không phải mức cao nhất nhưng lãi ròng tạo ra đến 183 tỷ đồng, cao nhất trong các doanh nghiệp họ VICEM đã công bố báo cáo tài chính quý 2. So với cùng kỳ doanh thu và lãi ròng tăng lần lượt 11% và 1%.

Cơ cấu lợi nhuận 6T/2014 các DN sản xuất xi măng thuộc VICEM


Nguồn số liệu: VietstockFinance.

Gồng mình với áp lực nợ vay

Nhắc đến các DN của VICEM không thể bỏ qua vấn đề về nợ, đặc biệt là nợ vay và công nợ. Đến cuối quý 2/2014, tín hiệu tích cực là hầu hết các DN xi măng VICEM đều có tồn kho, nợ phải trả giảm so với đầu năm. Đây cũng là một lý giải cho việc lợi nhuận được cải thiện hơn cùng kỳ.

Tồn kho, phải thu và phải trả các DN xi măng thuộc VICEM tại 30/06/2014

Sơ bộ tổng nợ của các DN giảm hơn 6% còn 17,237 tỷ đồng. Gần như toàn bộ các doanh nghiệp đầu có nợ cao hơn vốn chủ sở hữu, trung bình là nợ gấp đôi vốn này. Đặc biệt là nợ vay chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ, có những đơn vị như HOM, VICEM Hoàng Thạch có tỷ trọng vay ngắn hạn rất cao, trên 200%; còn HT1, VICEM Bút Sơn có vay ngắn hạn cả hơn 1,500 tỷ đồng.

Các chỉ số về nguồn vốn của DN xi măng VICEM niêm yết tại 30/06/2014

Một vấn đề mấu chốt nữa là các khoản phải thu và phải trả giữa các công ty con, liên kết và VICEM có thể xem như một dàn “ma trận” mà nhà đầu tư khó có thể nắm rõ được bản chất của sự luân chuyển dòng tiền. Giữa các đơn vị xi măng thuộc VICEM phát sinh các khoản thu chi nội bộ một phần do quy trình sản xuất có liên quan đến nhau (sản phẩm của đơn vị này là nguồn vật liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác như clinker cho các trạm nghiền…). Chỉ riêng 5 DN niêm yết trên sàn có thể thấy có rất nhiều khoản phải thu và phải trả phát sinh giữa các bên. Hết quý 2, tổng phải thu ngắn hạn của 5 DN là 1,852 tỷ đồng, cao hơn 40% so với đầu năm.

Khoản phải thu và phải trả của các DN xi măng VICEM niêm yết tại 30/06/2014

Nguồn: Người viết tổng hợp số liệu từ BCTC quý 2/2014 của HVX, HT1, HOM và BTS. Riêng BCC chưa công bố BCTC quý 2 nên sơ đồ dựa trên các DN còn lại.

Giao dịch mua bán thường xuyên với nhau khiến cho các doanh nghiệp vừa đóng vai trò “con nợ” vừa là “chủ nợ” của nhau. “Chủ nợ” lớn nhất là Công ty mẹ VICEM. BTS cũng có khoản phải trả lớn nhất cho VICEM với 141.4 tỷ đồng và cho BCC 18.3 tỷ đồng. Chủ yếu là khoản phải trả từ việc mua thạch cao 93 tỷ đồng, phí tư vấn 24.4 tỷ đồng và một số khác.

Trần Hạnh

Các tin tức khác

>   SII: BCTC CTY MẸ Q2-2014 kèm GT (13/08/2014)

>   SII: Nhận cổ tức được chia từ ngành nước, quý 2 lãi gần 5 tỷ đồng (14/08/2014)

>   SEC: BCTC Q2-2014 kèm GT (13/08/2014)

>   SEC: Lãi ròng quý 2 cao gấp đôi, tỷ suất lãi gộp 19% (15/08/2014)

>   PTK: Quý 2 tiếp tục lãi “còi” 147 triệu đồng (14/08/2014)

>   PTK: BCTC CTY MẸ Q2-2014 (13/08/2014)

>   PNC: BCTC CTY MẸ Q2-2014 (13/08/2014)

>   PNC: 7 quý liên tiếp thua lỗ, giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh (14/08/2014)

>   KHP: BCTC CTY MẸ Q2-2014 (13/08/2014)

>   KHP: BCTC HN Q2-2014 (13/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật