Khi hợp đồng xây dựng quá “dễ vỡ”
Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng vừa sửa đổi có giúp hạn chế được các tranh chấp trong hoạt động xây dựng do những khiếm khuyết cố hữu của hợp đồng?
Hợp đồng “dễ vỡ”
Tại “Hội thảo về Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng sửa đổi và các tranh chấp trong hoạt động xây dựng” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hôm 14-8-2014, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đã mổ xẻ khá cặn kẽ khuyết điểm dẫn đến tranh chấp của các bên khi ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng.
Theo ông Hiệp, khuyết điểm thường gặp của chủ đầu tư, nhất là chủ đầu tư sử dụng vốn nhà nước, là: “Họ quá đơn giản trong suy nghĩ và trong thực hiện trách nhiệm khi lập hợp đồng. Họ thường không quan tâm đến việc thuê tư vấn pháp lý, mua bảo hiểm công trình... Và, khi thực hiện hợp đồng thì hành xử không công bằng với nhà thầu - như thanh toán chậm, không chịu bù thêm tiền cho việc điều chỉnh thiết kế - khiến nhà thầu bức xúc”.
Trong hợp đồng xây dựng, chủ đầu tư cũng thường mắc các khuyết điểm như không nêu rõ cách xác định xuất xứ thiết bị, trượt giá ngoại tệ (nhất là các dự án ODA... nên rất dễ xảy ra tranh chấp khi “đụng chuyện”. “Đó là chưa kể điệp khúc giải phóng mặt bằng chậm, chọn nhà thầu sân sau...”, ông Hiệp nói.
Ông kể, có một nhà thầu nước ngoài khi ký hợp đồng xây dựng với một chủ đầu tư Việt Nam đã “hứa” đưa máy móc thiết bị, vật liệu, chuyên gia từ nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện công trình (chi phí cao). Tuy nhiên, sau khi trúng thầu họ lại sử dụng nguồn trong nước (chi phí thấp). Khi chủ đầu tư “có ý kiến” thì họ lấy quy định của Nhà nước về ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước, nhân lực trong nước ra để chống chế!
Nhưng, nhà thầu cũng có những khuyết điểm cố hữu của họ. Đó là, khi phát sinh sự cố phức tạp (như khi thực hiện hợp đồng có sự thay đổi “xấu hơn” so với hồ sơ dự thầu về nhân sự, thiết bị, mặt bằng, vốn, tiến độ, chất lượng) thì họ thường đùn đẩy trách nhiệm. “Thực tế có nhiều nhà thầu không khiển được thầu phụ của mình cũng vì hợp đồng không rõ ràng, nhất là với hợp đồng tổng thầu EPC - hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình”, ông Hiệp nói.
Luật sư Châu Huy Quang, trọng tài viên VIAC, kể: có công ty xây dựng A. trúng gói thầu xây dựng một nhà máy dược ở Bình Dương với giá 18 triệu đô la Mỹ nhưng sau đó đã không thực hiện vì giá bỏ thầu quá thấp so với thực tế (27 triệu đô la Mỹ) và vụ tranh chấp được đưa ra trọng tài...
Ông Quang cho rằng, có không ít nhà thầu (như A) sử dụng “chiêu” bỏ thầu giá thấp để trúng thầu rồi sau đó tìm cách nâng giá trị hợp đồng (như cách mà các nhà thầu Trung Quốc hay làm). Tuy nhiên, trong trường hợp kể trên, sau nhiều lần viện ra đủ các lý do để đề nghị tăng giá trị hợp đồng nhưng không được chủ đầu tư chấp thuận thì A “buông” nên bị chủ đầu tư kiện.
Dựa vào... pháp luật
Khi hợp đồng xây dựng có quá nhiều yếu tố tiềm tàng có thể dẫn đến tranh chấp như thế, thì cách an toàn nhất, theo ông Trần Trịnh Tường, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, là “chủ đầu tư và nhà thầu phải thận trọng ngay từ khâu đấu thầu”, phải theo... luật.
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng vừa được sửa đổi vẫn có khiếm khuyết. Ông Hiệp cho rằng luật chưa quy định về năng lực của chủ đầu tư là một thiếu sót. “Vì thực tế hiện nay có không ít chủ đầu tư giữ hàng ngàn tỉ đồng tiền nhà nước nhưng năng lực không đáp ứng được yêu cầu nên... rất nguy hiểm”, ông Hiệp nói.
Tại hội thảo, giới chuyên gia trong lĩnh lực đấu thầu, xây dựng cũng “than” đến nay vẫn chưa có quy định về quản lý nhà nước đối với chất lượng công trình xây dựng của các dự án PPP, BOT, TB, BTO...; chưa có các quy định chi tiết khi thay nhà thầu, các quy định chi tiết về tổng thầu, thầu phụ, bán thầu; chưa có quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phi vật chất khi có sự cố...
Dù vậy, theo ông Hiệp, các quy định về hợp đồng của Luật Xây dựng sửa đổi đã tiến dần đến các quy định của FIDIC (Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn). Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng đều có mẫu hợp đồng xây dựng... đảm bảo nguyên tắc không xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của người khác”.
Những hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài thường được các luật sư chuyên ngành tư vấn rất kỹ. “Thông thường một hợp đồng xây dựng có độ dày khoảng 200-300 trang”, ông Quang nói. Còn các hợp đồng xây dựng giữa các doanh nghiệp Việt Nam thường không quá 10 trang A4.
Theo ông Hiệp, các chủ đầu tư và nhà thầu nên thuê luật sư, chuyên gia pháp luật chuyên ngành để vận dụng các quy định pháp luật nhằm hạn chế tranh chấp, cũng như bảo vệ được lợi ích khi có tranh chấp phát sinh.
Quang Chung
tbktsg
|