Gian lận thương mại diễn biến phức tạp
Phát hiện 22 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm với số thuế ước tính hơn 1.000 tỉ đồng
Trước diễn biến phức tạp của việc lợi dụng hoàn thuế GTGT thông qua xuất khẩu hàng hóa tại một số địa bàn trọng điểm như: An Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tập trung các giải pháp đấu tranh ngăn chặn tình trạng này.
Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp gian lận trong việc hoàn thuế GTGT
|
Trốn thuế GTGT 1.000 tỉ đồng
Tổng cục Hải quan cho biết trong năm 2014, đơn vị này tăng cường thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tại các địa bàn, sàng lọc đối tượng, xác định trọng điểm, sử dụng hiệu quả cơ sở bí mật để xác lập và đấu tranh với một số chuyên án gian lận hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu. Kết quả đã phát hiện 22 doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu vi phạm với số thuế ước tính hơn 1.000 tỉ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 3 vụ và chuyển 8 vụ cho cơ quan điều tra tiếp tục xử lý.
Để thực hiện gian lận hoàn thuế GTGT, các đối tượng sử dụng các thủ đoạn ngày càng tinh vi như: Lợi dụng sự thông thoáng trong việc thành lập, giải thể DN để tiến hành thành lập DN, thuê kho bãi, mua hàng hóa (tượng trưng) để tạo vỏ bọc cho hoạt động vi phạm và thường có địa chỉ không rõ ràng, trụ sở tạm bợ hoặc năng lực không phù hợp với quy mô hoạt động. Các đối tượng cũng thành lập nhiều công ty cho những người thân trong gia đình đứng tên đại diện pháp luật tham gia hoàn thuế GTGT, hoạt động một thời gian ngắn rồi giải thể.
Nhằm hợp thức hóa các lô hàng xuất khẩu, DN thực hiện thu gom hóa đơn ở nhiều địa bàn, nhiều DN khác nhau để làm chứng từ đầu vào, hợp thức hóa nguồn gốc các lô hàng xuất khẩu. Hành vi phổ biến nữa là lợi dụng quy định của ngân hàng cho phép người nước ngoài mở tài khoản vãng lai để thanh toán tiền hàng hóa xuất nhập khẩu bằng VNĐ. Bên cạnh đó còn có hình thức khai sai chủng loại, khai khống số lượng hàng hóa để tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu được hoàn thuế GTGT.
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế phải tăng cường kiểm tra chặt chẽ chi hoàn thuế GTGT, trong đó giao chỉ tiêu cho ngành thuế không được hoàn thuế GTGT vượt quá số tiền quy định trong từng quý để cả năm không vượt chỉ tiêu dự toán dành cho quỹ hoàn thuế GTGT là 71.213 tỉ đồng.
Phòng chống buôn lậu còn hạn chế
Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay cũng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 8.917 vụ việc vi phạm trị giá ước tính gần 146 tỉ đồng, xử lý khởi tố hình sự 33 vụ. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là xăng dầu, ngà voi, sừng tê giác, cocain, thuốc lá... và nhiều mặt hàng bách hóa khác với số tiền thuế gian lận chênh lệch đến 400 triệu đồng/container 40 feet.
Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cho biết qua hoạt động điều tra, đã phát hiện một số DN lợi dụng các chính sách ưu đãi về thuế, thương mại, đầu tư, du lịch để buôn lậu. Cụ thể là chính sách quản lý tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn miễn thuế với hàng hóa cư dân biên giới, kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chính sách ưu đãi đối với khu kinh tế cửa khẩu...
Mặt khác, do cơ quan hải quan không được thực hiện hoạt động điều tra, khởi tố đối với các loại tội phạm về ma túy, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí, vi phạm sở hữu trí tuệ, trốn thuế, vi phạm môi trường... nên hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu còn hạn chế.
Từ năm 2015, những bất cập này sẽ được khắc phục khi Luật Hải quan (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Theo đó, thẩm quyền của cơ quan hải quan trong phòng chống buôn lậu được mở rộng, tăng cường, khi quy định lực lượng hải quan được quyền tạm dừng phương tiện vận tải và mở rộng quyền truy đuổi phương tiện chở hàng hóa vi phạm ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan giúp cho quá trình truy đuổi, trấn áp tội phạm của cơ quan hải quan được thực hiện liên tục, hiệu quả hơn.
Hà Linh
người lao động
|