Giám đốc lại “biến mất”
Giám đốc cả 2 công ty cùng mất dạng với số tiền nợ lương công nhân hàng tỉ đồng
Bức xúc vì giám đốc thất hứa, không trả lương như đã hẹn, sáng 18-8, hàng trăm công nhân (CN) Công ty TNHH Kiên Tường (207/60 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM) tiếp tục tập trung trước cổng doanh nghiệp chờ giám đốc đến giải quyết. Một số CN quá hạn trả tiền thuê phòng, bị chủ nhà đòi lại phòng trọ phải mang theo cả hành lý đến công ty để chờ lương. Song, giám đốc công ty không xuất hiện, CN cũng không liên lạc được.
* Chủ doanh nghiệp ngoại lại bỏ trốn
Khốn đốn vì mất việc, mất lương
CN cho biết chiều 6-8 là ngày phát lương như thường lệ. Thay vì được nhận lương tháng 7, CN lại đột ngột nhận được thông báo từ ông Nguyễn Tự Trị, giám đốc điều hành, rằng công ty không còn khả năng chi trả lương nên sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 8-2014.
Công nhân đứng trước cổng công ty giữa trưa nắng để chờ tin giám đốc.
|
Sau buổi thương lượng với CN có sự tham gia của các cơ quan chức năng quận Bình Tân, ngày 7-8, ban giám đốc ra thông báo sẽ trả lương tháng 7 vào ngày 15-8, còn lương tháng 8 sẽ trả 2 đợt: trả 30% vào ngày 15-9 và 70% vào ngày 30-9. Công ty cũng sẽ trả lại tiền BHXH tháng 7 đã thu, đồng thời truy nộp BHXH tháng 5, 6-2014 và chốt sổ kèm theo quyết định nghỉ việc vào ngày 30-8.
Thế nhưng, đến hẹn, ngày 15-8, công ty vẫn không thực hiện cam kết. Bà Lâm Thị Hạnh, người đại diện theo pháp luật và ông Nguyễn Tự Trị (chồng bà Hạnh, quốc tịch Đức), người được ủy quyền, đều bặt vô âm tín. Nóng lòng, một số CN đã chạy đến nhà riêng của giám đốc tại quận 9, TP HCM để tìm nhưng vẫn không thấy.
Tính tới thời điểm này, ngoài tiền lương của CN khoảng 1,8 tỉ đồng, công ty còn nợ tiền BHXH từ tháng 5-2014 đến nay. Việc bị nợ lương và BHXH cùng lúc khiến CN vô cùng khốn đốn.
Vợ chồng anh N.V.N đều làm tại Công ty Kiên Tường. Vài ngày trước, vợ anh sinh nhưng không có BHYT, lại không có tiền đóng viện phí nên bị bệnh viện giữ lại, không cho xuất viện. “Công ty trừ lương CN để đóng BHXH không thiếu tháng nào, vậy mà giờ vợ tôi sinh con không được hưởng BHYT và chế độ thai sản. Tôi phải chạy vạy khắp nơi mới có tiền đóng viện phí cho vợ. Giờ vợ chồng tôi đồng loạt mất việc, mất lương, rồi gia đình phải sống sao đây?” - anh N. ứa nước mắt.
Thiệt hại “kép”
Điều đáng nói là có khá nhiều CN từng làm việc tại Công ty Bách Hợp (quận 6, TP HCM) mới được chuyển về làm tại Công ty Kiên Tường đầu tháng 6-2014 khi chi nhánh ở quận 12 của Bách Hợp giải thể (giám đốc Công ty Bách Hợp sau đó cũng “biến mất” cùng khoản nợ gần 1 tỉ đồng tiền lương và BHXH vào ngày 1-8). Số CN này bị thiệt hại “kép” bởi họ chưa được Công ty Bách Hợp trả trợ cấp thôi việc và sổ BHXH.
Không chỉ CN, ông Nguyễn Tự Trị cũng có mối liên hệ khá đặc biệt với Công ty Bách Hợp. Trước đây, ông Trị tuy chỉ là giám đốc sản xuất nhưng điều hành mọi hoạt động của Bách Hợp vì ông Harald Biebl, giám đốc công ty, ít khi xuất hiện.
“Điều chúng tôi thấy lạ là khi ông Trị chuyển sang Kiên Tường, hàng loạt đơn hàng và máy móc từ Bách Hợp cũng theo chân ông sang đây mà không thấy phía Bách Hợp phản ứng gì. Phải chăng hai công ty Kiên Tường và Bách Hợp có mối liên quan nào đó?” - anh T., một CN, nghi ngờ.
Sự nghi ngờ càng tăng khi đến thời điểm này, CN đều không tin rằng công ty ngừng hoạt động vì sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Theo chị N., nhân viên bộ phận đặt hàng, Kiên Tường còn rất nhiều đơn hàng nhưng không thực hiện mà chuyển hết cho Công ty T.H.G (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM) gia công.
“Ngoài việc chuyển giao các đơn hàng, ngay cả phế liệu, họ cũng bán sạch, xe tải được dời đi, hợp đồng thuê xưởng cũng hết hạn vào cuối tháng 8-2014. Dường như việc “biến mất” của vợ chồng giám đốc đã được tính toán kỹ lưỡng” - chị N. nhận định.
Niêm phong chờ hướng xử lý
Bà Nguyễn Thị Thanh Dân, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết để bảo vệ quyền lợi CN và ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản, ngày 18-8, đoàn công tác của quận đã tiến hành niêm phong cửa ra vào công ty tại địa chỉ 207/60 Hồ Học Lãm và 2 kho tại địa chỉ 58 Hồ Học Lãm chờ hướng xử lý trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho CN đi tìm việc làm mới, LĐLĐ quận Bình Tân đã đề nghị BHXH quận chốt sổ cho CN theo nguyên tắc đóng đến đâu chốt đến đó. LĐLĐ quận cũng đã đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM phối hợp với quận để nhanh chóng giải quyết tình hình.
|
Mai Chi
Người lao động
|