Chủ Nhật, 17/08/2014 21:50

Giải pháp “hai trong một”

Tạm gọi giải pháp này là giải pháp “hai trong một” - quy định đồng thời nội dung và chế tài trong một văn bản.

Đến hẹn lại lên, mỗi năm, hàng chục nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể khác nhau lại được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Đơn cử như năm 2013 vừa rồi, có đến 49 nghị định về xử lý vi phạm hành chính (ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung) trong tổng số 222 nghị định mà Chính phủ đã ban hành.

Số lượng rất lớn các nghị định xử lý vi phạm hành chính được ban hành thường niên một mặt là để “chạy theo” các quy định của luật nội dung tương ứng đã được thay đổi trước đó, nhưng mặt khác cũng là để tăng mức phạt - vốn rất nhanh bị lạc hậu do trượt giá.

Việc xây dựng các nghị định về xử phạt rõ ràng chiếm một thời lượng không nhỏ trong chương trình nghị sự của Chính phủ, các bộ, ngành hàng năm và do đó tạo ra một gánh nặng đáng kể về thời gian và nguồn lực cho bộ máy nhà nước.

Có cách nào giảm được gánh nặng này?

Trước hết, Luật Xử lý vi phạm hành chính giao cho Chính phủ thẩm quyền quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Như một thông lệ lập pháp, Chính phủ ban hành các các nghị định riêng về xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Các nghị định này thường được thiết kế theo cách thức sao chép các hành vi vi phạm được quy định ở luật nội dung đồng thời quy định cách thức, thẩm quyền xử lý cũng như áp mức phạt tương ứng.

Thông lệ lập pháp này bộc lộ nhiều bất cập lớn mà việc hao tổn nguồn lực để xây dựng văn bản chỉ là một trong số đó. Nghiêm trọng hơn, do ban hành dưới hình thức các nghị định riêng biệt, nên các quy định về xử lý vi phạm hành chính thường có “độ trễ” nhất định, nhiều khi lên đến hàng năm, so với các quy định của luật nội dung. Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng cơ quan nhà nước nhiều khi thiếu cơ sở để xử lý một số hành vi vi phạm do chưa kịp có quy định về các biện pháp chế tài tương ứng.

Vậy nên, cần tính đến cách tiếp cận theo hướng thiết kế trực tiếp các quy định về xử lý và xử phạt hành chính vào các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thay vì phải ban hành các nghị định riêng.

Theo cách tiếp cận này, một mặt, số lượng các nghị định Chính phủ phải ban hành hàng năm sẽ giảm đáng kể, mặt khác “độ trễ” trong ban hành văn bản xử lý vi phạm như đề cập ở trên sẽ hoàn toàn được khắc phục. Ngoài ra, từ góc độ quy trình lập pháp, việc đưa luôn các quy phạm chế tài vào các văn bản pháp luật nội dung là rất hợp lý vì hơn ai hết, người soạn thảo quy phạm nội dung là người hiểu sâu sắc nhất tinh thần của văn bản luật nên rất phù hợp để đồng thời thiết kế các biện pháp chế tài. Thực tiễn, do việc xây dựng quy phạm nội dung và chế tài được thực hiện bởi hai nhóm soạn thảo khác nhau, nên có tình trạng các văn bản xử lý vi phạm hành chính khi được ban hành đã “bỏ quên” một số hành vi vi phạm mà luật nội dung đã có quy định.

Ngoài ra, giải pháp “hai trong một”, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cơ quan nhà nước trong việc tra cứu, tìm hiểu và áp dụng pháp luật. Không thể phủ nhận, một văn bản quy định đầy đủ, thống nhất quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp cùng các hình thức chế tài tương ứng sẽ nâng cao tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho hoạt động thực thi pháp luật so với cách quy định riêng rẽ như hiện nay.

Liên quan đến mức phạt tiền, các nghị định về xử lý vi phạm hành chính hiện nay quy định các mức phạt tiền cố định và do đó rất nhanh chóng bị lạc hậu do trượt giá. Để tránh tình trạng này, có lẽ cần xây dựng cơ chế cho phép mức phạt tiền tự động tăng tỷ lệ thuận tương ứng với mức tăng của lương tối thiểu hoặc một chỉ số tương tự khác phản ánh mức độ trượt giá như một số nước trên thế giới đã và đang áp dụng. Cách này, nếu được áp dụng, một mặt sẽ giúp tự động cập nhật các mức phạt mà không cần sửa nghị định, mặt khác, tránh trường hợp cơ quan nhà nước ấn định các mức phạt một cách tùy tiện trong các nghị định về xử phạt.

Nếu áp dụng đồng thời cả hai giải pháp như phân tích ở trên, có thể tin rằng các bất cập trong hệ thống pháp luật về chế tài hành chính sẽ được giải quyết một cách đáng kể. Không chỉ giảm bớt gánh nặng xây dựng pháp luật, tiết kiệm nguồn lực cho cơ quan nhà nước, các giải pháp này còn góp phần lớn nâng cao tính thống nhất, minh bạch và đảm bảo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cập nhật hơn với cuộc sống và do đó cũng đem lại lợi ích tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Ngô Chí Hòa

TBKTSG/(*) Công ty Luật Russin & Vecchi

Các tin tức khác

>   Cháy tầng hầm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (16/08/2014)

>   Thế giới phải mất 6 tháng để kiểm soát dịch Ebola, 1.145 người đã chết (16/08/2014)

>   Hộ kinh doanh điêu đứng khi TPHCM rào đường làm metro (16/08/2014)

>   Bắt cóc con chủ tịch CTCK Phượng Hoàng, đòi chuộc hơn 7 tỷ (16/08/2014)

>   Sẽ thay thế bằng các nhà thầu có năng lực (16/08/2014)

>   Phó chủ tịch Quốc hội lo kết luận kiểm toán bị 'mặc cả' (15/08/2014)

>   Bắt hai người đã rút tiền từ bốn tài khoản của hành khách MH370 (15/08/2014)

>   Trung Quốc sắp tung hạm đội ‘nhà máy lọc dầu trên biển’ ra biển Đông (15/08/2014)

>   Sẽ tuyển cán bộ, công chức đi nghĩa vụ quân sự (15/08/2014)

>   VSH: Nhà thầu Trung Quốc bỏ thủy điện vì vòi thêm không được (15/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật