Đầu tư mạo hiểm: Còn nhiều tiềm năng
Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ điền đầy khoảng trống giữa nguồn tài chính cung cấp bởi các ngân hàng và bởi TTCK. Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBCKNN trao đổi với phóng viên TBNH.
Theo ông, Việt Nam có khả năng thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư vốn cổ phần (Private Equity - PE), hay đầu tư mạo hiểm (Venture Capital - VC)?
Tại Việt Nam, đầu tư mạo hiểm là hình thức đầu tư còn khá mới mẻ. Ngoài một số quỹ nước ngoài đang hoạt động thì chúng ta vẫn chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước.
Ông Nguyễn Thành Long
|
Lịch sử phát triển các quỹ đầu tư PE/VC tại Mỹ cho thấy, có hai thời kỳ mà các quỹ này đóng vai trò trọng yếu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Thời kỳ thứ nhất là giai đoạn bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ cao tại Mỹ vào những năm 1970, cùng với sự phát triển vượt bậc của “Thung lũng Silicon” dựa trên ba trụ cột: sáng kiến và tài năng cá nhân; vận dụng hiệu quả nghiên cứu khoa học; và vốn. Thời kỳ thứ hai là vào những năm 80, khi các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) DN phát triển. Rất nhiều công ty lớn của Mỹ với phương pháp quản lý không hiệu quả đã phải thanh lý, phá sản, giải phóng một lượng lớn tài sản và vốn ứ đọng vào tay các quỹ đầu tư.
Với những điều kiện, hoàn cảnh tương đồng, Việt Nam đã và đang hội tụ đầy đủ những yếu tố để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của các quỹ đầu tư PE/VC. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lượng các DN theo đăng ký kinh doanh đến nay là trên 600.000 DN, trong đó khoảng 350.000 DN đang hoạt động. Trong đó, một số lượng khá lớn các DNNN đã ít nhiều có thương hiệu và vị trí sẽ được sắp xếp, cải tổ lại. Con số này cho thấy nhu cầu vốn để chuyển giao sở hữu, cổ phần hóa là rất lớn và sẽ chỉ có một số lượng nhất định trong số vốn này có thể tiếp cận được qua kênh ngân hàng hoặc từ TTCK.
Đầu tư mạo hiểm là kênh tài chính bổ sung cho nguồn tín dụng và huy động vốn trên TTCK
Vậy, có rào cản nào đối với DN khi muốn tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ PE/VC?
Ở phía DN với tư cách người nhận vốn, rào cản đầu tiên để tiếp cận vốn thông thường đến từ việc ý tưởng kinh doanh bị cho là cóp nhặt từ một số các mô hình kinh doanh đã thành công của các nước khác, nhưng không được phân tích và áp dụng đầy đủ cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Lý do thứ hai là các DN có thể có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng lại thiếu kỹ năng quản trị kinh doanh bài bản. Từ đó dẫn đến việc kết quả hoạt động kinh doanh thiếu khả quan ngay cả khi đã vượt qua giai đoạn “gieo mầm”.
Lý do thứ ba là việc quản trị tài chính và cơ cấu nhân sự yếu. Đặc biệt, trong báo cáo tài chính, số liệu chứng minh cho việc kinh doanh không đầy đủ, có sai sót và bị đánh giá là không đáng tin cậy dẫn đến NĐT dè dặt trong việc rót vốn vào DN.
Ngoài lĩnh vực truyền thống như công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ cao... các quỹ PE/VC có thể mở rộng sang lĩnh vực nào ở Việt Nam?
Các quỹ đầu tư PE/VC trước hết có thể tập trung vào hàng trăm DNNN đang trong quá trình sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc. Thứ hai là các DN tư nhân mới thành lập. Theo báo cáo về thị trường vốn cổ phần khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ernst&Young năm 2013, lựa chọn của các quỹ PE/VC sắp tới có thể kể đến lĩnh vực năng lượng, khai khoáng; công nghiệp và hóa chất; công nghệ và truyền thông; dịch vụ tài chính; hóa sinh; và y tế.
Các quỹ mạo hiểm quốc tế đã có mặt ở Việt Nam, nhưng tới giờ chúng ta vẫn chưa có quỹ PE/VC trong nước. Vậy, lý do là gì?
Điểm khác biệt giữa các quỹ PE/VC và các quỹ đầu tư thông thường chủ yếu tập trung ở các định hướng chính sách và ưu đãi dành cho quỹ này. Các cơ quan quản lý nhìn nhận như một kênh tài chính bổ sung cho kênh tín dụng ngân hàng và kênh huy động vốn trên TTCK. Tuy nhiên, do tính chất rủi ro, thường cần cơ chế ưu đãi để khuyến khích các quỹ PE/VC dành vốn cho phát triển khu vực tư nhân hoặc các đối tượng không thể tiếp cận được với nguồn vốn trên hai thị trường trên.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã có quy định về quỹ thành viên với thủ tục thành lập, hoạt động rất gọn nhẹ. Nhưng, việc chưa có các quy định về khái niệm, định nghĩa, định hướng chính sách hay điều kiện hưởng ưu đãi có thể là nguyên nhân khiến chúng ta chưa có các quỹ PE/VC rõ ràng theo thông lệ quốc tế.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thí điểm xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm để thực hiện Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon. Quỹ này chủ yếu là đóng góp từ DN, tổ chức cá nhân, không phải từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ để tạo dựng quỹ đi đầu trong việc đầu tư vào khoa học công nghệ và hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các NĐT.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Khanh
thời báo ngân hàng
|