Thứ Sáu, 01/08/2014 22:38

Chứng khoán Tuần 28/07 – 01/08: NĐT dè dặt thông tin trái chiều

Giao dịch thị trường diễn ra giằng co trong tuần qua khi các chỉ số thị trường tăng giảm xen kẽ trong các phiên giao dịch. Đây cũng là diễn biến giao dịch của hầu hết các nhóm cổ phiếu trên thị trường. Việc xuất hiện các thông tin trái chiều được xem là nguyên nhân chính khiến giao dịch khá ảm đạm trong tuần qua.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 28/07 – 01/08/2014

Giao dịch: Thận trọng tăng cao. Thị trường chìm trong sắc đỏ khi kết thúc tuần này, cụ thể, VN-Index giảm 1.04% về 593.9 điểm, HNX-Index tiếp tục giảm thêm 0.52%% xuống 79.01 điểm. VS 100 giảm 1.68% chốt tại 99.35 điểm, còn VN30 giảm 1.08% về 635.01 điểm.

Các nhóm Market Cap cùng giảm điểm, trong đó VS-Large Cap giảm 0.99%, VS-Mid Cap giảm 1.83%, VS-Micro Cap giảm 2.22%, VS-Small Cap giảm 2.25%.

Thanh khoản lại giảm trên hai sàn trong tuần này. Cụ thể, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm 17.4% trên sàn HOSE và đạt 361.2 triệu đơn vị, trên sàn HNX, khối lượng giao dịch giảm 15.1% chỉ khớp 174.7 triệu đơn vị. Thanh khoản trên hai sàn đang thực sự ở mức báo động trong các tuần này.

Hai chỉ số thị trường có giao dịch khá đồng điệu trong tuần qua. Theo đó, phiên đầu tuần chứng kiến sự giảm điểm khá mạnh trên cả hai sàn khi lực bán tháo diễn ra trên diện rộng (ngoại trừ nhóm Sản xuất Thủy sản vẫn giữ được sắc xanh) mặc dù phiên này đón nhận thông tin tích cực về giá xăng giảm. Ngoài ra, lo sợ hoạt động call margin có thể xảy ra hay việc Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ cũng có thể là nguyên nhân khiến nhà đầu tư “thanh lý” cổ phiếu mạnh tay hơn.

Phiên tiếp theo, cả hai chỉ số xanh nhẹ vào phút chót nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, đà bán tháo vẫn còn duy trì khiến sắc đỏ vẫn hiện diện trên hơn nữa số nhóm ngành cổ phiếu, trong đó có các nhóm ngành cổ phiếu nóng như Ngân hàng, Khai khoáng, Chứng khoán và Xây dựng. Điều lo ngại khác là thị trường thiếu vắng lực cầu nên thanh khoản giảm mạnh.

Thông tin tích cực về việc Moody's nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm đối với số trái phiếu và nhà phát hành của Việt Nam đã không nhận được sự hưởng ứng của nhà đầu tư khi giao dịch phiên giữa tuần vẫn diễn ra khá ảm đạm với việc thị trường đi ngang và thanh khoản vẫn ở mức thấp mặc dù có cải thiện nhẹ.

Sắc xanh bất ngờ xuất hiện với diện rộng trên hai sàn, trong đó có một loạt các cổ phiếu bluechip đã ảnh hưởng tích cực lên hai chỉ số thị trường phiên hôm sau khiến các chỉ số này bật tăng khá. Các nhóm cổ phiếu nóng đều tăng điểm nhưng vẫn không kéo được giao dịch sôi động trở lại. Do đó, thanh khoản, đặc biệt trên sàn HNX liên tục rớt xuống mức thấp “kỷ lục”.

Phiên cuối tuần lại tiếp tục giao dịch trong ảm đạm và các chỉ số thị trường đều mang sắc đỏ, Giao dịch vẫn tiếp tục trầm lắng khi các thông tin hỗ trợ vẫn đang thiếu vắng trên thị trường.

Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng hơn 92 tỷ đồng, sau khi đã loại trừ giá trị bán ròng 475 tỷ đồng của VIC (do chủ yếu giao dịch thỏa thuận). Giao dịch mua bán của họ trên sàn ở các cổ phiếu vốn hóa lớn khá thấp và rải rác ở số ít mã nên mức độ ảnh hưởng tới chỉ số thị trường chưa nhiều.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng gần 58 tỷ đồng (đã loại trừ giao dịch thỏa thuận của VIC). Họ tập trung mua mạnh nhất ở HPG (26.3 tỷ đồng), SAM (23 tỷ đồng), MWG (17.4 tỷ đồng), PVD (14.1 tỷ đồng), BVH (12.5 tỷ đồng), GAS (12 tỷ đồng)... trong khi bán ròng nhiều nhất ở VIC (467.8 tỷ đồng) (bao gồm giao dịch thỏa thuận), DPM (44.1 tỷ đồng), MSN (35.2 tỷ đồng), CSM (21.7 tỷ đồng), ...

Trên sàn HNX, khối ngoại chuyển sang mua ròng trở lại với 34.5 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở PVS (18.6 tỷ đồng), LAS (9.2 tỷ đồng), VCG (5.0 tỷ đồng)... và bán ròng chủ yếu ở KLS (11.2 tỷ đồng) và TCT (3.2 tỷ đồng).

Khối tự doanh CTCK: Bán ròng nhẹ 15.4 tỷ đồng. Tính tới phiên ngày Thứ Năm (31/07), khối tự doanh các CTCK tuy mua ròng khối lượng với gần 99.3 ngàn đơn vị nhưng lại bán ròng 15.4 tỷ đồng theo giá trị.

Tuần này, khối tự doanh các CTCK mua bán ròng luân phiên các ngày. Theo đó, họ mua ròng phiên đầu tuần và giữa tuần, trong khi bán ròng 2 phiên còn lại. Điểm chú ý là họ mua ròng mạnh trong phiên đầu tuần giảm điểm khá, sau đó lại bán ròng mạnh nhất trong phiên hồi phục tích cực vào thứ Năm. Giá mua bán bình quân đều ở mức cao tương ứng với 33,300 đồng – 40,000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, sau ba tuần mua ròng trước đó, khối tự doanh các CTCK bắt đầu chốt lời các mã bluechip.

Cổ phiếu đáng chú ý: Trong tuần này, số nhóm tăng điểm chỉ có vỏn vẹn 4 nhóm gồm Sản xuất Thủy sản (6.3%), Khai khoáng (1.05%), Chứng chỉ quỹ (1.02%), Sản xuất Tôn Thép (0.01%), trong khi số nhóm giảm điểm là 20 nhóm và nhóm giảm điểm nhiều nhất thuộc về Chứng khoán (-4.45%), Tiện ích công (-4.09%), Dịch vụ Lưu trú và Giải trí (-3.96%), Sản xuất Nhựa – Hóa chất (-3.67%), Xây dựng (-3.01%),...

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VHC tăng 16%, LAF tăng 9.6%, trên sàn HNX là KSQ tăng 18%, PVB tăng 12.8%

VHC tăng 16%. Thông tin về kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong nửa đầu năm nhiều khả năng đã thu hút dòng tiền đổ mạnh vào các công ty xuất khẩu thủy sản với kỳ vọng KQKD 6 tháng đầu năm tích cực. VHC là một công ty có giá trị xuất khẩu thủy sản lớn nên việc VHC tăng giá mạnh là điều dễ hiểu, đặc biệt cổ phiếu này đã đi ngang trong suốt tháng 7 qua.

LAF tăng 9.6%. Không có thông tin gì nổi bật về LAF trong tuần qua, cũng như KQKD 6 tháng đầu năm 2014 của LAF giảm sút mạnh so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.9 tỷ đồng LNST nên việc tăng giá của cổ phiếu LAF nhiều khả năng được hưởng lợi từ dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu Sản xuất Nông sản khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng khá trong 6 tháng đầu năm.

KSQ tăng 18%. Cổ phiếu này tăng mạnh trong hai phiên đầu tuần nhưng sau đó đã chựng lại trong những phiên còn lại. Nhiều khả năng KQKD quý 2/2014 tích cực tiếp tục là động lực thu hút mạnh dòng tiền vào cổ phiếu này.

PVB tăng 12.8%. PVB tiếp tục đà tăng từ tuần trước sau khi chựng lại phiên cuối tuần. Sự tăng điểm của mã này còn do dòng tiền đầu cơ vẫn đang hoạt động tích cực trên nhóm cổ phiếu họ “P” trong tuần qua khi KQKD quý 2/2014 của nhóm cổ phiếu này hầu hết đều khả quan.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HNX là S99 giảm 16.8%, trên sàn HOSE không có mã nào đáng chú ý trong các cổ phiếu giảm điểm

S99 giảm 17.8%. Tuy S99 thông báo KQKD quý 2/2014 vào giữa tuần trước với LNST đạt 7.5 tỷ đồng nhưng hiện tại vẫn không ngăn được đà giảm của S99 từ gần giữa tháng 7. Khả năng giảm điểm của S99 có thể xuất phát từ hoạt động chốt lời của nhà đầu tư do đã tăng điểm.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

 
 
 
 
 
 
 
 

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật