Thứ Hai, 18/08/2014 10:27

Các tổ chức tài chính-ngân hàng Thụy Sĩ bắt đầu trở lại Mỹ

Sau khi xảy ra tranh chấp thuế với Mỹ, hầu hết các ngân hàng Thụy Sĩ đã rút khỏi thị trường này.

Logo của Ngân hàng UBS Thụy Sĩ tại Manhattan, thành phố New York.

Tuy nhiên, gần đây một số tổ chức tài chính-ngân hàng Thụy Sĩ đã bắt đầu trở lại Mỹ. Tài sản thuộc quyền quản lý (AUM) của những ngân hàng này đang gia tăng một cách ngoạn mục.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS - từng bị phạt 780 triệu USD năm 2009 trong vụ tranh chấp với Mỹ, có số AUM tăng 41% trong vòng năm năm qua. UBS-Swiss Financial Advisors (UBS-SFA), chi nhánh của ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ nói trên, đang hướng mục tiêu tới thị trường Mỹ. Các băng hình quảng cáo của UBS-SFA đều cổ vũ cho sự tuân thủ luật pháp.

René Marty, Giám đốc điều hành UBS-SFA, khẳng định: "Chúng tôi chỉ chấp nhận những khách hàng đã khai báo toàn bộ tài sản."

Kể từ khi thành lập năm 2004, UBS-SFA duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số mỗi năm. Riêng từ năm 2009 đến năm 2013, số tài sản của UBS-SFA đã tăng 41% lên 4,8 tỷ franc. UBS-SFA sử dụng khoảng 63 nhân viên ở Thụy Sĩ, chi phối một thị trường nhạy cảm và đã đăng ký với cơ quan thuế Mỹ cũng như cơ quan giám sát các thị trường tài chính Mỹ SEC.

Stephen Wall, chuyên gia từ nhóm nghiên cứu tài chính Aite, cho biết một số tổ chức tài chính Thụy Sĩ đã lựa chọn việc trở lại thị trường Mỹ thay vì bỏ đi.

Trong báo cáo được thu thập và công bố vào mùa Thu năm 2013, ông Wall đã phân tích 34 cơ sở tài chính (bảy trong số này là các ngân hàng, số còn lại là các cơ sở quản lý tài sản độc lập).

Tính đến cuối năm 2012, họ đã quản lý số tài sản trị giá trên 14 tỷ USD (gần 13 tỷ franc). UBS-SFA dẫn đầu thị trường này với việc quản lý 4,7 tỷ USD, tiếp theo là Pictet North America Advisors với 2,6 tỷ USD và Vontobel Swiss Wealth Advisors với 1,3 tỷ USD. Ba cơ sở hàng đầu nói trên chiếm tới 61% phân khúc thị trường này.

Các cơ sở tài chính-ngân hàng khác bao gồm Banque SYZ, Kaiser Ritter và chi nhánh Thụy Sĩ của Ngân hàng Canada cùng với các tổ chức quản lý tài sản độc lập khác như Lugano Financial Advisors, Capitalia, Marcuard Family Office, Quanta Finance hoặc Swisspartners Advisors. Tính đến cuối năm 2012, họ đã quản lý tài sản trị giá từ 133 triệu đến 700 triệu USD.

Số lượng các tổ chức tài chính-ngân hàng Thụy Sĩ trở lại Mỹ gần đây đã tăng vọt, từ chỗ chỉ có bốn tổ chức được thành lập vào năm 2007 đã tăng lên con số 34 vào năm ngoái.

Được thành lập vào năm 2010, Vontobel Swiss Wealth Advisors với 20 nhân viên đã trở thành một đơn vị được đánh giá là tích cực nhất. Ông Wall cho hay Vontobel là ngân hàng Thụy Sĩ đầu tiên đăng ký với SEC với tư cách là một tư vấn đầu tư nhằm tạo lập sự hiện diện trên đất Mỹ thông qua việc mở một chi nhánh tại Dallas vào năm 2012.

Phát ngôn viên Rebecca Garcia giải thích: "Chúng tôi đã xác định đây là một thị trường đầy hứa hẹn với sự giàu có mới luôn được tạo ra với tốc độ bùng nổ. Tài sản của chi nhánh Vontobel đã tăng 27% lên 1,6 tỷ USD trong năm ngoái."

Một sự tăng ngoạn mục khác thuộc về Marcuard Family Office khi mà số tài sản AUM đã tăng hơn 6 lần lên trên 3 tỷ USD riêng trong năm 2013.

Số lượng lớn tiền gửi của các công dân Mỹ ở Thụy Sĩ chính là động lực thúc đẩy các tổ chức tín dụng, cho dù một số vẫn còn chưa giải quyết được tất cả các tranh chấp của họ với chính quyền Mỹ. Trong tương lai, hệ thống tư pháp Mỹ cũng sẽ quan tâm đến những khách hàng nắm giữ tài khoản ngân hàng không khai báo, kéo theo những rủi ro ở các thị trường khác như trong vùng biển Caribbean, Panama, quần đảo Channel, Singapore hoặc Hong Kong. Đến lúc đó, Thụy Sĩ đã gây dựng được một vị trí rất tốt để tận dụng lợi thế.

Ông Wall nhận xét kể từ khi Thụy Sĩ là nước đầu tiên mà Mỹ nhắm đến để tập trung các nỗ lực chống trốn thuế, những ngân hàng nước này đã đạt được một bước trong khía cạnh cạnh tranh với các đối thủ của họ, khi bắt đầu tham gia vào thị trường ở nước ngoài một cách hợp pháp.

Nhìn chung, các tổ chức tài chính Thụy Sĩ được lựa chọn khi tham gia vào các thị trường nước ngoài tại Mỹ, nhất là khi tính thiếu chắc chắn về mức độ nợ nần cùng với sự yếu kém của các quỹ tài chính công tại Mỹ sẽ khuyến khích các cá nhân giàu có tránh những rủi ro bằng việc đầu tư một phần tài sản của họ ra các ngân hàng bên ngoài thị trường nội địa. Ông Wall ước tính trong trung hạn các cơ sở tài chính, ngân hàng Thụy Sĩ có thể thu hút khoảng 50 tỷ USD và lên đến 100 tỷ USD trong giai đoạn dài hạn, nếu như họ có thể tối đa hóa các cơ hội.

Tuy nhiên, tất cả mọi thứ không phải đều màu hồng. Các chi phí liên quan đến sự thâm nhập thị trường Mỹ cùng với quá trình triển khai luật tiếp tục gia tăng. Thỏa thuận tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài (FATCA) có hiệu lực vào đầu tháng Bảy và yêu cầu minh bạch mới sẽ được bổ sung thêm.

Cuộc chiến của các tổ chức tài chính-ngân hàng Thụy Sĩ nhằm thu hút khách hàng Mỹ sẽ còn ở phía trước. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu tài chính Aite, không chỉ riêng 34 tổ chức tài chính-ngân hàng Thụy Sĩ cung cấp các dịch vụ tuân thủ pháp lý trên thị trường Mỹ, nó còn bao gồm 135 tổ chức tài chính từ 24 quốc gia.

Cho đến nay, đối thủ cạnh tranh chính của Thụy Sĩ là Canada - nước đứng đầu danh sách với 50 tổ chức tài chính. Ngoài ra, còn có nước Anh với 16 tổ chức tài chính tín dụng. Ba quốc gia Canada, Thụy Sĩ và Anh đang thống trị 3/4 thị trường Mỹ. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác bao gồm Hong Kong (4), Quần đảo Virgin thuộc nước Anh (3) Hàn Quốc (3) và Ấn Độ (3).

Liên quan đến số tài sản quản lý tính đến cuối năm 2013, UBS-SFA của Thụy Sĩ chỉ đứng thứ 15 và Pictet North America Advisors đứng thứ 20. Vị trí đầu tiên thuộc về Jarislowski Fraser của Canada với số quỹ quản lý trị giá 35 tỷ USD./.

Tố Uyên

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   APEC nhất trí khởi động thành lập khu thương mại tự do (17/08/2014)

>   Vàng lùi gần 10 USD về sát 1,305 USD/oz (16/08/2014)

>   Tập đoàn Rosneft vay Chính phủ Nga 42 tỷ USD do cấm vận (16/08/2014)

>   Nga, Ukraine, EU nhất trí đàm phán về tranh chấp khí đốt (15/08/2014)

>   Putin bắn tín hiệu hòa giải đến phương Tây (15/08/2014)

>   Vàng tăng liên tiếp 3 phiên sau số liệu việc làm Mỹ và nhận định của Tổng thống Nga (15/08/2014)

>   ECB dự báo kinh tế Eurozone tăng trưởng khả quan trong tương lai (15/08/2014)

>   Nợ công của Tây Ban Nha tăng mạnh lên tới 98,5% GDP (15/08/2014)

>   Thấm đòn trừng phạt từ Nga, các đầu tàu kinh tế Eurozone “hụt hơi” (14/08/2014)

>   Trung Quốc và rủi ro từ hệ thống ngân hàng ngầm (14/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật