Bộ Công thương nói gì về việc Metro báo lỗ 12 năm?
"Kết quả kinh doanh của họ từng nơi lãi, nhưng vốn đầu tư của họ vào những trung tâm mới thì lại tạo ra lỗ... Người ta hoàn toàn dựa vào pháp luật, làm đúng theo quy định", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết như vậy khi trả lời câu hỏi về việc Metro liên tục báo lỗ trong suốt 12 năm qua.
* Bán cho BJC, Metro có phải đóng thuế chuyển nhượng?
* Kiểm tra tính hợp pháp của việc chuyển nhượng Metro
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Metro là DN 100% vốn nước ngoài vào Việt Nam từ 2001, đến nay đã thành lập 19 trung tâm Metro trên toàn quốc (trong đó Hà Nội có 3, TP.HCM 3, 13 trung tâm còn lại nằm tại 13 tỉnh, thành phố trên toàn quốc).
"Chúng tôi kiểm tra, có lúc tới 90% hàng hóa bán trong Metro là hàng của Việt Nam sản xuất và bán ra tại Việt Nam, chủ yếu cho người Việt Nam. Như vậy, họ làm rất tốt, giúp người Việt Nam tiêu thụ sản phẩm của mình ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, Metro cũng đã làm được một số việc, như tổ chức các khóa đào tạo cho người nông dân, kể cả các hộ kinh doanh và một số tổ chức DN... Metro từ lúc thành lập đã tạo ra việc làm cho hơn 5.000 lao động, đây là những đóng góp rất tốt của Metro", Thứ trưởng Hải nói.
Liên quan đến câu hỏi của báo giới về việc Metro luôn báo lỗ trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Hải, nên nhìn nhận họ đã làm được gì và hiện nay lỗ hổng trong quản lý của chúng ta là gì.
"Ví dụ việc báo lỗ, trong vòng 12 năm qua họ báo lỗ, vì lỗ nên họ không nộp thuế thu nhập DN. Nhưng chúng tôi cũng có con số là từ lúc thành lập tới nay, họ đã nộp 921 tỷ đồng các loại thuế, trừ thuế thu nhập DN do bị lỗ", Thứ trưởng Hải Thông tin và giải thích thêm: Còn việc hiện nay họ lập rất nhiều điểm mới, trung tâm mới và chính những trung tâm này gây cho họ lỗ, chúng tôi đã kiểm tra. Kết quả kinh doanh của họ từng nơi lãi, nhưng vốn đầu tư của họ vào những trung tâm mới thì lại tạo ra lỗ của họ. Đấy là vấn đề... "Chúng tôi khẳng định rằng, người ta hoàn toàn dựa vào pháp luật, làm đúng theo quy định", ông Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến việc hiện nay, có 1 tập đoàn Thái Lan quyết định đàm phán mua của Metro 19 trung tâm và dự kiến đến giữa 2015 sẽ kết thúc, mặc dù nhìn nhận là một DN mới luôn mong muốn sự ưu đãi trong đầu tư, tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, Bộ KHĐT cần xem xét kỹ việc này. Bởi khi Metro vào Việt Nam đã được ưu đãi hết sức vì trước khi Việt Nam gia nhập WTO, sự ưu đãi còn lớn hơn nữa.
"Quan điểm của chúng tôi có 2 cách. Một là Metro được ưu đãi bao nhiêu năm tháng thì chúng ta chấm dứt ở đó, dù ai là chủ mới cũng chỉ dừng ở đó thôi. Thứ hai, liên quan tới lỗ lãi và vấn đề chuyển giá chẳng hạn, thực sự họ có lỗi hay không thì Chính phủ, mà ở đây trực tiếp là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, phải vào cuộc để kiểm tra trong 12 năm thực sự có lỗ hay không, lỗ như thế nào...", ông Hải đề xuất.
Về phía Bộ Công Thương, ông Hải cho biết, khi DN này yêu cầu hoặc xin giấy phép tổ chức phân phối tại Việt Nam, qua ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét có cho phép họ tiếp tục được phân phối không, phân phối theo phương thức nào theo đúng quy định của pháp luật.
thời báo ngân hàng
|