Từ vụ vợ tỷ phú Trung Quốc ăn cắp hạt giống ngô của Mỹ: Mánh khóe làm giàu trái phép
Vợ của một tỷ phú hàng đầu Trung Quốc, vừa bị bắt giữ ở Mỹ vì tội ăn cắp hạt giống ngô trên những cánh đồng ở bang Iowa. Báo Mỹ CNN ngày 4.7 đã đặt câu hỏi “Vì sao vợ tỷ phú Trung Quốc ăn cắp hạt giống ngô của Mỹ?
* Mỹ: Bắt vợ tỷ phú Trung Quốc ăn cắp bắp giống
Bới đất trộm hạt giống
Thực tế, ăn cắp hạt giống là một kế hoạch rất quy mô và có hệ thống ở Trung Quốc. Vụ bắt giữ bà Mạc Vân (Mo Yun)- vợ của tỷ phú Trung Quốc Thiệu Căn Hòa, là trường hợp mới nhất liên quan đến đường dây ăn cắp hạt giống ngô ở Mỹ và cũng là trường hợp mới nhất trong hàng loạt các vụ bắt giữ công dân Trung Quốc liên quan đến gián điệp kinh tế và khoa học công nghệ.
Bà Mạc Vân bị bắt ngày 1.7 tại Los Angeles. Theo CNN, 3 năm trước, một nhân viên bảo vệ làm việc cho Công ty Hạt giống Pioneer Hi-Bred đã tình cờ phát hiện ra một cái gì đó không bình thường trên một con đường ở Iowa.
Nhân viên bảo vệ nhìn thấy một người đàn ông quỳ gối xuống vệ đường và đào bới những mô đất mới được gieo hạt. Khi bị phát hiện, người đàn ông Trung Quốc có tên là Mạc Hải Long (Mo Hailong) đã thách thức bảo vệ và tuyên bố rằng mình là nhân viên của Trường Đại học Iowa, đang trên đường tới một cuộc họp gần đó.
Ông này sau đó đã nhanh chóng bước vào xe và phóng đi. Thực tế, Mạc Hải Long vốn là giám đốc kinh doanh quốc tế của Tập đoàn Kỹ thuật nông nghiệp Đại Bắc Bắc Kinh (DBN Group). Nhà chức trách Mỹ sau đó đã điều tra và bắt giữ Hải Long ở Miami, cùng với 5 công dân Trung Quốc khác.
Cả 6 người này là nhân viên của DBN Group do tỷ phú Thiệu Căn Hòa giữ chức chủ tịch, cũng với cáo buộc ăn cắp hạt giống bắp trên những cánh đồng ở bang Iowa và Illinois hồi tháng 12.2013. Nhóm người này sau đó tuồn số hạt giống này về Trung Quốc để tái sản xuất những loại giống này.
Ngụy trang trong những hộp bỏng ngô
Bảng cáo trạng của tòa án thành phố Des Moine, bang Iowa cho biết, bà Mạc Vân từng đảm trách vai trò lãnh đạo nhóm quản lý dự án nghiên cứu của DBN Group từ tháng 8.2001 đến tháng 3.2009. Mạc Vân cũng là chị gái của Mạc Hải Long. Giới chức Mỹ cáo buộc nhóm nhân viên của DBN đã chuyển các lô hạt giống ăn cắp từ Mỹ đến nhiều địa điểm khác nhau trước khi chuyển về Trung Quốc, trong đó có cả Hongkong và nhà của Mạc Hải Long ở Florida.
Mánh khóe của những người này là giấu hàng trăm hạt giống trong các hộp bỏng ngô Orville Redenbacher và trong các gói khăn ăn.
Theo công tố viên Klinefeldt, tổn thất về quyền sở hữu về hạt giống của một nhà sản xuất hạt giống của Mỹ từ những vụ ăn cắp này tối thiểu là từ 30 triệu USD đến 40 triệu USD và họ phải mất từ 5 năm đến 8 năm nghiên cứu.
Khi trở về Trung Quốc, những hạt giống này được trồng thử nghiệm, nhân giống lai và sau đó bán lại cho nông dân. Kỹ thuật lai tạo giống được bảo vệ bí mật. Công ty này cũng chi hàng chục triệu đô để đầu tư vào nghiên cứu ra các chủng giống tăng sản lượng và có khả năng chịu hạn hán, côn trùng.
Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu ngô lớn trong những năm gần đây, và các công nghệ bị đánh cắp có thể đã đóng một vai trò trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đặc vụ FBI Thomas Metz cho biết, ăn cắp bí mật thương mại và thông tin an ninh quốc gia là 2 trong số những ưu tiên hàng đầu của Mỹ, xếp sau khủng bố.
Tập đoàn Kỹ thuật nông nghiệp Đại Bắc Bắc Kinh (DBN Group) đã từ chối bình luận về vụ việc mới nhất này. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc sử dụng gián điệp kinh tế là những nỗ lực để hiện đại hóa đất nước trong những thập kỷ gần đây.
Việc mua lại những công nghệ bất hợp pháp đã giúp Trung Quốc đẩy nhanh quá trình này, bỏ qua các vấn đề mà nếu không sẽ đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu để giải quyết. Đây cũng là một vấn đề thu hút được sự chú ý của Nhà Trắng.
Tổng thống Obama đã nêu vấn đề với người đồng cấp Trung Quốc của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, cho đến nay, những bất đồng và cáo buộc qua lại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa được giải quyết.
Mai Tiến Dũng
dân việt
|