Trên sàn niêm yết có bao nhiêu... "con bò"?
Với kế hoạch mở rộng thêm trang trại nuôi bò sữa của Vinamilk, dự án chăn nuôi bò sữa của Hanoimilk và HAG (cả bò thịt) hay Vinacafe đang ngấm ngầm nhảy vào ngành sữa đều là những tín hiệu cho thấy cuộc chiến ngành sữa đang ngày càng khốc liệt.
Trong khi 3 doanh nghiệp sữa nội trên sàn niêm yết là Vinamilk (VNM) và Nutifood (hợp tác với HAG) đã và đang công bố những kế hoạch chăn nuôi bò sữa hoành tráng thì Hanoimilk (HNM) cũng âm thầm với mục tiêu hơn 61ha diện tích nuôi bò tại Mê Linh. Đó là chưa kể những cái tên ngoài sàn như TH True Milk, Mộc Châu Milk, Ba Vì Milk hay Long Thành Milk…
Bên cạnh đó, còn có một “mầm mống” khác đang lên kế hoạch nhảy vào ngành sữa là Vinacafe (VCF) với tiềm lực đứng sau rất đáng gườm là Masan (MSN).
Rõ ràng, cuộc chiến giành thị phần ngành sữa giữa các doanh nghiệp nội đang rất gay gắt hơn lúc nào hết.
Vinamilk - “đại gia” đã có thâm niên nuôi bò sữa
VNM hiện chiếm 50% thị phần trong ngành sữa Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng doanh số, lợi nhuận trước thuế và vốn chủ sở hữu bình quân trong 5 năm gần nhất đều quanh ngưỡng 30%. Hiện VNM sở hữu 5 trang trại lớn trên cả nước với khoảng 46,000 con đáp ứng 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu. Chưa dừng lại ở đó, VNM cho biết sẽ đầu tư thêm nhiều trang trại đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiếp tục nhập hơn 5,000 bò giống từ các nước Úc và Mỹ trong năm nay và 2015. Trong vòng 5-10 năm nữa, VNM sẽ tự túc 50-60% nhu cầu nguyên liệu.
Ban lãnh đạo VNM cho biết, so với các doanh nghiệp khác, VNM không đi vay để đầu tư vùng nguyên liệu bởi nông nghiệp là đường trường, dùng vốn vay rất nguy hiểm. VNM cũng là doanh nghiệp hợp tác cùng nông dân phát triển chăn nuôi bò sữa với vùng nguyên liệu đa dạng từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng đến Tây Ninh…
Với việc đầu tư 2 nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương, VNM tiếp tục đầu tư vào Nhà máy sữa Miraka ở New Zealand, Công ty Driftwood tại Mỹ, và sẽ mở thêm một nhà máy ở Phnom Penh (Campuchia). Bởi thế, VNM đặt mục tiêu tổng doanh số 3 tỷ USD và đứng vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.
Thực lực của VNM rõ ràng không có gì để bàn cãi bởi bằng chứng cụ thể là từ con số lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm.
Một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của VNM qua các năm
Nguồn: VietstockFinance
Hoàng Anh Gia Lai với kế hoạch nuôi bò trên đất Lào, Campuchia
Để chứng minh những phát biểu của mình không phải chuyện chơi, ngay sau ĐHĐCĐ 2014, HAG chính thức ký hợp tác với Nutifood để mở rộng thị phần trong lĩnh vực sản phẩm sữa tươi. Theo đó, Nutifood sẽ là đối tác bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa từ trang trại rộng trên 4,000 ha với 20,000 con bò của HAG.
Trước mắt, phía Nutifood sẽ đầu tư một nhà máy chế biến sữa riêng với tổng vốn đầu tư 5,000 tỷ đồng, công suất 500 triệu lít sữa tươi/năm. Còn HAG sẽ đầu tư trên 16,138 tỷ đồng vào nhà máy sữa và khu chăn nuôi tại Khu Công nghiệp Trà Đa (Gia Lai) trước khi mở rộng nuôi bò trên đất Lào, Campuchia.
Riêng dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt do HAG làm chủ đầu tư có số vốn khoảng 6,300 tỷ đồng, khi hoàn thành vào năm 2015, sẽ có tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236,000 con (120,000 con bò sữa và 116,000 con bò thịt).
Phát biểu tại ĐHĐCĐ 2014 hồi tháng 4, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết, ngành chăn nuôi thức ăn chiếm 70% chi phí thức ăn mà điều này thì HAG có đủ (có cọ dầu, đường, bắp). “Như vậy nếu HAG tổ chức nuôi bò thì chắc chắn sẽ không một nơi nào trên thế giới này bằng”.
Việc đổi hướng từ kinh doanh bất động sản sang nông nghiệp liệu có lấy lại cho HAG những con số “đẹp” trong báo cáo tài chính như thời vàng son của bất động sản.
Một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của HAG qua các năm
Nguồn: VietstockFinance
Hanoimilk: “Lấn sân” với 61ha diện tích nuôi bò
Mặc dù từ trước đến nay HNM chưa có kế hoạch theo đuổi phân khúc sữa tươi, nhưng ĐHĐCĐ 2014 vừa qua của doanh nghiệp này đã quyết định lấn sân với dự án chăn nuôi bò sữa tại Mê Linh với tổng diện tích 61.4ha có thể phát triển trang trại có quy mô từ 1-2 ngàn con bò sữa. Diện tích dự án nằm trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của huyện Mê Linh nên ít nhiều được ưu đãi.
Tại Đại hội, vị Chủ tịch của HNM cho biết công ty đã mua bò giống gửi thuê chăn nuôi ở Tuyên Quang nhằm thử nghiệm và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa từ các chuyên gia nước ngoài. Vì thế, nguồn sữa tươi của trang trại mới chỉ đủ cung cấp một phần sữa tươi của công ty nên dự án được đảm bảo về đầu ra. Công suất nhà máy HNM tại thời điểm này là 80 triệu lít/năm và có thể mở rộng đến 160 triệu lít/năm. Với 4.5 triệu lít/năm (giai đoạn 1) và 9 triệu lít/năm (giai đoạn 2) thì nhà máy thừa khả năng sản xuất.
Lãnh đạo HNM cũng phân tích thêm, làm nông nghiệp có 3 rủi ro là thời tiết, dịch bệnh và thị trường. Đối với thời tiết, Việt Nam rất nóng không thuận tiện nuôi bò như nước ngoài, nhưng công ty đã nuôi thử nghiệm thành công tại Tuyên Quang. Còn để đối phó với dịch bệnh, HNM hạn chế bằng cách chia chuồng trại thành nhiều “modul” vừa và nhỏ chứ không nuôi tập trung với quy mô quá lớn.
Với dự án này, HNM dự chi lên tới 288 tỷ đồng nguồn chủ yếu từ phát hành trái phiếu không chuyển đổi. Bởi hoạt động kinh doanh những năm gần đây của HNM khá èo uột nhưng ban lãnh đạo công ty khẳng định rằng “chăn nuôi bò sữa là có lãi”.
Một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của HNM qua các năm
Nguồn: VietstockFinance
Thêm một quan ngại khi có Vinacafe?
Đối với Vinacafe, trước khi chính thức lấn sân ngành sữa thì doanh nghiệp này cũng đã có sản phẩm ngũ cốc, ít nhiều liên quan đến sản phẩm sữa. Nhưng một khi đã bước vào ngành này “với sự trợ giúp của công ty mẹ MSN, nếu có chiến lược tốt thì hoàn toàn có thể thành công” – chuyên gia kinh tế độc lập Hồ Bá Tình nhận định. Hơn nữa, MSN lại là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong mảng hàng tiêu dùng thì họ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn. Và với hơn 705 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối quý 1/2014 thì việc mở rộng ngành nghề kinh doanh của VCF không hẳn là quá khó.
Một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của VCF qua các năm
Nguồn: VietstockFinance
Cũng theo ông Tình, số doanh nghiệp sữa đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay rất ít. Có thể xem đây là ngành có độc quyền nhóm. Đối với phân khúc sữa tươi và sữa hoàn nguyên, sữa chua, Vinamilk chiếm thị phần rất cao. Ngoài ra, chỉ có một vài doanh nghiệp có thị phần đáng kể khác như TH True Milk, Cô Gái Hà Lan, Nutifood… Như vậy, chắc chắn Vinamilk vẫn giữ vị trí độc tôn. Các doanh nghiệp khác muốn chiếm thị phần của Vinamilk cũng không dễ dàng. Nhưng chiếc bánh còn lớn nên ai cũng có thể có phần!
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, để thành công trong lĩnh vực này trước tiên phải có một nguồn vốn rất lớn. Và rủi ro sẽ cao hơn nếu doanh nghiệp chỉ tham gia thị trường này một cách nửa vời.
Theo số liệu thống kê, năm 2013 bình quân tiêu thụ sữa ở Việt Nam chỉ là 15 lít/đầu người/năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (35 lít), Singapore (45 lít) hay các nước phát triển. Với sự phát triển của nền kinh tế thì nhu cầu tiêu thụ sữa của người dân Việt Nam ngày càng cao. Trong những năm vừa qua ngành sữa ở Việt Nam tăng trưởng 15-20%/năm. Tốc độ này được dự báo là có thể tiếp tục duy trì trong một số năm tới và khả năng năm 2020, tổng đàn bò toàn quốc sẽ vào khoảng 500,000 con. |
Thanh Nụ
|