TP.Hồ Chí Minh: DN không “ngại” khi quan hệ thương mại với Trung Quốc xấu đi
Ngày 9.7, kỳ họp HĐND TP khóa VIII bước vào ngày làm việc thứ 2. Các vấn đề về cải cách hành chính (CCHC), quan hệ kinh tế của DN TP với Trung Quốc được các đại biểu quan tâm.
Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng cải cách hành chính chưa tương xứng với thành phố
|
Tổng số thủ tục hành chính hiện nay là 2.192
Theo báo cáo giám sát CCHC của ban Pháp chế HĐND TPHCM, tổng số thủ tục hành chính hiện nay là 2.192 thủ tục. Trong đó, số thủ tục áp dụng tại sở - ban - ngành là 1.597 thủ tục; áp dụng tại UBND quận - huyện là 471 thủ tục; áp dụng tại UBND phường - xã, thị trấn là 124 thủ tục.
Theo đó, công tác CCHC có những thành công bước đầu song vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục. Cụ thể, việc niêm yết bộ thủ tục ở một số đơn vị thực hiện chưa đúng quy định. Cụ thể như niêm yết thiếu hoặc chưa cập nhật đầy đủ, thậm chí có đơn vị còn nhầm lẫn giữa niêm yết Bộ thủ tục hành chính và thủ tục thực hiện ISO; công tác sao y chứng thực, đối chiếu lưu hồ sơ cũng còn sai sót.
Trong công tác cải cách thể chế thì trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật một số văn bản chưa được đảm bảo và thực hiện đầy đủ như việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi được thông qua, ký ban hành; thực hiện việc lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đánh giá về công tác CCHC, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chưa tương xứng với vị trí, vai trò của TP, tính chuyên nghiệp của nền hành chính chưa cao, còn gây phiền hà người dân.
DN không “ngại” khi quan hệ thương mại Việt – Trung xấu đi
Về quan hệ xuất nhập khẩu giữa TP và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2014, báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc sở Công thương TPHCM cho biết, kim ngạch xuất khẩu của DN TP vào Trung Quốc đạt 1,04 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu vào Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm điện tử, linh kiện, gạo, hàng rau quả tươi…
Kim ngạch nhập khẩu từ DN TP từ Trung Quốc đạt 3,04 USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ yếu là vải, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sắt, thép các loại, nguyên phụ liệu giày da…
Theo ông Lê Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM thì trước thực trạng quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc có khả năng diễn biến theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước, trong ngắn hạn hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ bị ảnh hưởng. “Tuy nhiên về lâu dài, đây là cơ hội để DN và TP tái cấu trúc lại thị trường xuất nhập khẩu, nâng cao nội lực, tăng cường khả năng cạnh tranh”.
Theo ông Khoa, trước tình hình này, DN và TP có cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, cơ hội chuyển đổi máy móc thiết bị tiên tiến. Trước đây, DN có mua phụ tùng, thiết bị từ Trung Quốc vì hai lý do: Máy móc Trung Quốc rẻ, phương thức mua bán giữa DN Việt Nam và DN Trung Quốc nhanh, linh hoạt. Nhưng cái không được thì lại rất lớn, máy móc rẻ mà không bền, dòng đời ngắn, tiêu hao nhiên liệu nhiều, sản phẩm làm ra có chất lượng thấp, xét về lâu dài, tính hiệu quả thấp.
Đại biểu Lê Văn Khoa cho rằng "DN không "ngại" khi quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc xấu đi"
|
Cũng theo ông Khoa, đây sẽ là cơ hội tăng cường nội lực, chủ động hơn về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, đẩy nhanh tiến trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. “Nhà nước phải xem xét để có chính sách hỗ trợ cho DN. Ví dụ chuyển đổi thị trường nhập nguyên phụ thì chi phí tăng từ 7-10%, giá thành cũng tăng, giảm sức cạnh tranh nên Nhà nước cũng phải xem xét giảm thuế suất cho DN” – ông Khoa trình bày.
Trước ý kiến của ông Khoa cho rằng hàng rau quả chế biến được xuất chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, đây cũng là cơ hội để các DN chuyển đổi thị trường, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị TP cần hỗ trợ cho các DN hoạt động trong các ngành chế biến hàng nông sản để xuất sang các thị trường khác.
Lê Tuyết
lao động
|