Thứ Tư, 16/07/2014 14:49

Tin tốt cho “bồ thóc” dự trữ ngoại hối quốc gia

Một ngày sau khi Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá mua vào ngoại tệ, thị trường đã có tiếng nói đồng thuận để phát đi một tín hiệu quan trọng.

* Ngân hàng Nhà nước chặn đà rơi tỷ giá USD/VNĐ

Với thị trường, tín hiệu nâng giá mua vào nói trên bắt đầu có tác động từ ngày 15/7; mức giá mua vào USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng từ 21.100 lên 21.200 VND.

Như VnEconomy đề cập ở bản tin trước, việc nâng giá nói trên cũng đồng nghĩa nhà điều hành tạo một chốt chặn, tỷ giá trên thị trường sẽ khó giảm sâu dưới mốc 21.200 VND đó. Các nhà xuất khẩu Việt Nam được hỗ trợ, như có được một “cam kết mềm”, gián tiếp hạn chế rủi ro từ sự mất giá của dòng ngoại tệ thu về, cũng như để ổn định giá hàng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Vấn đề là, thị trường có chấp nhận động thái đó của Ngân hàng Nhà nước hay không?

Dĩ nhiên, mức giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước được quyết định nâng lên trên cơ sở giá giao dịch thực tế trên thị trường, khá phù hợp với diễn biến tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Và nhà điều hành lập tức tìm được tiếng nói chung để giao dịch thành công.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, ngay trong ngày đầu tiên 15/7, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu mua vào khoảng trên 60 triệu USD, gần với mức bình quân tính theo mỗi ngày mua vào trong 5 tháng đầu năm nay (với tổng quy mô 10 tỷ USD).

Một mặt, kết quả trên bước đầu phản ánh một nguồn cung ngoại tệ lớn trên thị trường, hay thanh khoản ngoại tệ tốt. Điều này cũng góp phần phản ánh nhu cầu chuyển đổi, dịch chuyển của dòng vốn trong nền kinh tế, từ ngoại tệ sang VND gắn với tính toán lợi ích tốt hơn.

Nói cách khác, nhìn triển vọng từ nay đến cuối năm, với sự ổn định của lãi suất, kỳ vọng lạm phát kiềm chế ở mức thấp, thì giá trị VND vẫn được khẳng định.

Mặt khác, kết quả mua vào trong ngày 15/7 đánh dấu sự nối lại hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia có triển vọng sẽ tiếp tục tăng lên, sau khi đạt con số kỷ lục 35 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2014.

Như một bài viết cuối năm 2012 trên VnEconomy, dự trữ ngoại hối giống như “bồ thóc” trong mỗi nhà; mức độ vơi đầy phản ánh tiềm lực tài chính của quốc gia đó. Từ khoảng trên dưới 10 tỷ USD tăng lên 35 tỷ USD trong vòng ba năm qua, rõ ràng khả năng chống đỡ với rủi ro của Việt Nam xét ở nguồn lực này là đã cải thiện đáng kể.

“Bồ thóc” đầy hơn, vị thế của quốc gia đó trên thế giới cũng sẽ được cải thiện.

Một lợi ích cụ thể và sát sườn là đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Nguồn lực dự trữ ngoại hối tốt lên là một cơ sở quan trọng để họ có đánh giá hạng mức tín nhiệm quốc gia tốt hơn. Khi có được đánh giá tốt hơn, nếu Chính phủ hoặc doanh nghiệp Việt Nam gọi vốn ở nước ngoài, khả năng thành công sẽ cao hơn, lãi suất có thể dễ chịu hơn so với khi có một “bồ thóc” còn “đói nghèo”.

Với riêng việc điều hành chính sách tiền tệ, khi có quỹ dự trữ ngoại hối dày hơn, nhà điều hành càng có thêm điều kiện để triển khai các giải pháp can thiệp thị trường khi có biến động. Ít nhất, tiếng nói của Ngân hàng Nhà nước khi sở hữu nguồn lực ngoại tệ lớn hơn thì sẽ có trọng lượng hơn, thuyết phục hơn đối với thị trường.

Khi có thêm nguồn lực, định hướng giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra càng có thêm cơ sở. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vừa trải qua thử thách nhất định từ sự kiện biển Đông. Bởi lẽ, ngoài môi trường chung, một trong những điểm mà nhà đầu tư nước ngoài quan ngại nhất là bất ổn tỷ giá.

Hay nói cách khác, sau khi gián đoạn từ đầu tháng 5/2014 đến nay, việc nối lại hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trong ngày 15/7 với quy mô khá lớn như vậy có thể xem là một tín hiệu quan trọng: một mặt gián tiếp cho thấy xu hướng chuyển đổi vốn và niềm tin vào giá trị VND, một mặt hé mở khả năng “bồ thóc” dự trữ ngoại hối quốc gia có triển vọng tiếp tục đầy lên - một yếu tố để góp phần củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài khi làm ăn tại Việt Nam.

Minh Đức

vneconomy

Các tin tức khác

>   NamABank đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu (16/07/2014)

>   Sacombank đạt lãi trước thuế 6 tháng đầu năm hơn 1,530 tỷ đồng (16/07/2014)

>   Sacombank đạt danh hiệu “Hàng Việt tốt – Dịch vụ hoàn hảo” năm 2014 (16/07/2014)

>   Sacombank khuyến mại “Internet Banking – Tiện ích vượt trội” (15/07/2014)

>   BIDV chuyển nhượng toàn bộ vốn từ VID Public sang Public Bank Berhad (15/07/2014)

>   Ngân hàng phải có lãi năm liền kề mới được cấp phép hoạt động ngoại hối (15/07/2014)

>   Viglacera được vay tái cấp vốn hơn 320 tỷ đồng từ gói hỗ trợ nhà ở (15/07/2014)

>   NHNN sẽ quyết định việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam (15/07/2014)

>   BIDV góp vốn lập Công ty bảo hiểm nhân thọ BIDV-Metlife (15/07/2014)

>   Chuyển chủ sở hữu và đổi tên Công ty Tài chính PPF Việt Nam thành Home Credit (15/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật