Thị trường trái phiếu Chính phủ: Chèn ép kinh tế dân doanh
Tăng trưởng tín dụng khó khăn dù lãi suất đã giảm khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) mạnh tay hơn trong việc mua trái phiếu chính phủ (TPCP), đặc biệt trên thị trường sơ cấp. Việc dòng tiền đổ vào TPCP càng dấy lên những lo ngại về sự phục hồi thiếu bền vững của nền kinh tế khi khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn.
Các NHTM bao thầu
Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm đến nay HNX đã tổ chức hơn 80 phiên đấu thầu TPCP, với khối lượng gọi thầu lên tới gần 200,000 tỷ đồng, huy động được khoảng 130,500 tỷ đồng, đạt trên 65%.
Đáng chú ý, trong nhiều phiên khối lượng đăng ký mua thường gấp 1-2 lần khối lượng gọi thầu, đặc biệt ở các kỳ hạn 2, 3 năm dù lãi suất trúng thầu có xu hướng giảm dần. Sự sôi động trên thị trường TP là lý do chính giúp Kho bạc Nhà nước chỉ trong 6 tháng đã hoàn thành hơn 66% kế hoạch huy động cả năm 2014. Các thành viên tham gia đấu thầu TPCP năm 2014 gồm 23 thành viên (năm 2013 là 36), trong đó có 17 NHTM.
Điều đó cho thấy các NH vẫn là thành viên đông đảo nhất tham gia đấu thầu và thực tế khối lượng TP trúng thầu cũng chủ yếu là NHTM (năm 2013 mua gần 90% TPCP). Diễn biến này đã diễn ra vài năm gần đây khi quy mô huy động vốn TPCP luôn đạt những kỷ lục mới. Cụ thể, năm 2013, thị trường TPCP huy động cao kỷ lục với 195,000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012; năm 2012 đạt gần 160,000 tỷ đồng, gần gấp 2 lần so với cả năm 2011…
So với đầu năm, lãi suất trúng thầu ở các kỳ hạn 2, 3, 5, 10 năm đã giảm nhiều, lần lượt ở mức 5.64-5.75%/năm, 6.1-6.25%/năm, 7.15-7.23%/năm và 8.7%/năm (giảm 1-3%).
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc HNX, trên thị trường sơ cấp đã hình thành thị trường đấu thầu có tính cạnh tranh tương đối cao. Lãi suất huy động được luôn thấp hơn lãi suất huy động của các NHTM 1-1.5%. So với 2009, quy mô niêm yết trên thị trường này tăng lên 275% vào năm 2013; giá trị giao dịch phiên bình quân năm 2010 là 370 tỷ đồng đến nay đã đạt hơn 2.700 tỷ đồng.
NHTM huy động vốn đáng ra phải cho doanh nghiệp vay để tập trung vào sản xuất lại đi mua TPCP. Còn Kho bạc Nhà nước huy động được TPCP lại đem tiền cho khu vực công chi tiêu, đầu tư thì làm gì còn vốn cho doanh nghiệp dân doanh. Vì thế cần hạn chế đầu tư công bằng các nguồn vốn đầu tư từ phát hành TPCP; đồng thời không nên phát hành quá nhiều TPCP, bởi sẽ hút hết nguồn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân.
TS. Trần Du Lịch,
chuyên gia kinh tế
|
Tính thanh khoản của thị trường tăng mạnh đã kéo theo giá trị giao dịch có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, từ tháng 2 đến hết tháng 06/2014, giá trị giao dịch mua của nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức outright (giao dịch TPCP trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu TPCP cho một bên khác, không cam kết mua lại) đạt hơn 34,400 tỷ đồng, trong khi bán ra khoảng 35,000 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam (VBMA), dù tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổng thể giá trị thị trường TP Việt Nam chưa cao nhưng xu hướng là tích cực. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục thực hiện chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, TP Việt Nam sẽ trở thành thị thường đầu tư hấp dẫn.
Quan ngại nợ công
Theo kế hoạch, năm 2014 Bộ Tài chính sẽ phát hành 100,000 tỷ đồng vốn TPCP cho đầu tư, 224,000 tỷ đồng để bù đắp bội chi và 70,000 tỷ đồng để đảo nợ. Với số lượng phát hành gần 400,000 tỷ đồng, tổng số phải huy động trong năm 2014 tăng gần 100,000 tỷ đồng so với năm trước. Cũng theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư giải ngân từ nguồn TPCP đạt khoảng 49% kế hoạch (cùng kỳ đạt 44% kế hoạch). Đây cũng tín hiệu tích cực cho việc giải ngân nguồn vốn này.
Tuy nhiên, để sử dụng vốn có hiệu quả cần có sự giám sát chặt chẽ, đặc biệt trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Bởi thực tế đã thấy việc giải ngân, sử dụng nguồn vốn này đã từng bộc lộ nhiều tồn tại.
Việc 6 tháng đầu năm 2014 lạm phát được duy trì ở mức 1,38% và kỳ vọng tiếp tục ổn định trong 6 tháng cuối năm (dự báo 5-5,5% cho cả năm), là yếu tố tích cực thúc đẩy, kích thích sự tham gia của các nhà đầu tư vào thị trường TP. Cùng với đó, thị trường ngoại hối có tính thanh khoản cao và ổn định, nên các nhà đầu tư nước ngoài tích cưc tham gia thị trường TP là điều dễ hiểu.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh,
Tổng thư ký VBMA
|
Chẳng hạn, kết quả do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố sau khi kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2010-2012, đã chỉ ra những yếu kém, hạn chế, như phân bổ vốn cho dự án chưa có quyết định đầu tư; bố trí vốn cho dự án không thuộc danh mục được phê duyệt… Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Chính phủ thu hồi về ngân sách số vốn TPCP đã phân bổ và thanh toán sai quy định hơn 290 tỷ đồng.
Việc giám sát chặt chẽ nguồn vốn này càng trở nên quan trọng khi từ nay đến năm 2016, bình quân mức huy động vốn TPCP khoảng 400,000 tỷ đồng/năm. TPCP là khoản vay phải trả cả gốc và lãi sau thời gian nhất định, nên vấn đề quan tâm nhất là việc huy động phải sử dụng như thế nào để không bị tồn đọng; đầu tư vào những lĩnh vực hiệu quả, bảo đảm khả năng trả nợ gốc và lãi sau này… Bên cạnh đó, nguồn vốn đã huy động được phải được giải ngân nhanh chóng, bởi giải ngân chậm sẽ khiến ngân sách thiệt đơn, thiệt kép khi đồng vốn không được đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi.
NHTM là khu vực cung cấp phần lớn nguồn vốn cho đầu tư của nền kinh tế và cũng là nguồn cầu chủ yếu đối với TP. Mục tiêu mua TP, đặc biệt TPCP của các NHTM, là tối ưu hóa rủi ro thanh khoản. Tuy nhiên, với việc người mua TPCP vẫn chủ yếu là các tổ chức tín dụng, sau đó các tổ chức tín dụng lại bán lại cho NHNN, đã làm giảm tác dụng chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn Quốc hội cho phép, nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý. Trước đây, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, khi Chính phủ trình ra Quốc hội việc bổ sung huy động thêm 170,000 tỷ đồng TPCP giai đoạn 2014-2016, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã bày tỏ sự quan ngại khi việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như NHTM (chiếm 86%) cùng các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, chứng khoán, có thể dẫn đến dòng tiền tập trung vào TPCP, thu hẹp đầu tư vào sản xuất.
Gọi vốn cho doanh nghiệp - Khó!
Việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh mua TPCP trong những tháng đầu năm do nhu cầu thanh khoản dòng tiền huy động đang bị ứ đọng làm chi phí vốn và mặt bằng lãi suất có xu hướng cao hơn những thời điểm khác trong năm. Khi thị trường TPCP có sự phát triển mạnh mẽ, thị trường TP doanh nghiệp (TPDN) đang bộc lộ nhiều hạn chế. Theo tính toán từ HNX, hiện TPDN chỉ chiếm khoảng 14% quy mô toàn thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, nguyên nhân do thị trường TP của Việt Nam vẫn còn non trẻ. Vì vậy, trước mắt cần tập trung phát triển thị trường TPCP, coi đây là chuẩn để từ đó phát triển thị trường TPDN. Nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp khó phát hành TPDN do còn thiếu nhiều yếu tố, như điều kiện để doanh nghiệp phát hành tương đối chặt chẽ, chi phí phát hành cao nên doanh nghiệp phải cân nhắc, tuân thủ các tiêu chí công bố thông tin về tình hình tài chính và dự án, thiếu cơ quan đánh giá định mức tín nhiệm doanh nghiệp…
Nguồn vốn ngân hàng chảy vào TPCP, đưa vào DNNN,
trong khi doanh nghiệp dân doanh thiếu vốn.
|
Theo VBMA, với thị trường TP ở các nước phát triển, doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường phải là những tổ chức có bề dày hoạt động, đã hình thành được tên tuổi, uy tín, hình ảnh thương hiệu tốt trên thị trường mới có khả năng phát hành TP.
Thông thường thị trường TP giống như một thị trường cho vay, đồng tài trợ và có thể phát hành ra công chúng từ nhiều thành phần đa dạng trên thị trường. Thực tế trong thời gian qua, chỉ có các doanh nghiệp lớn của tập đoàn nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân lớn hình thành quy mô, mức độ, uy tín, tên tuổi mới có thể phát hành thành công TP trên thị trường.
Do vậy, để phát triển thị trường này, đối với các cơ quan nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt cần các cơ chế, chính sách bắt buộc đối với doanh nghiệp trong việc nâng cao tính minh bạch và giám sát việc minh bạch hóa thông tin để đảm bảo niềm tin cho nhà đầu tư.
Quang Minh
Sài gòn đầu tư
|