Nhật thiếu nhân công
Đối với một số ngành công nghiệp chủ chốt ở Nhật, tình trạng thiếu hụt nhân công đã gần ở mức khủng hoảng khiến nhiều công ty phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Khủng hoảng nhân công ở Nhật bắt đầu xảy ra với ngành xây dựng trước nhu cầu tái thiết sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011, cộng với sự chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Gần đây, thiếu hụt nhân công đã lan sang ngành dịch vụ.
Theo Reuters, các ngành như hàng không, bán lẻ, vận tải và các chuỗi nhà hàng đã buộc phải xem lại các kế hoạch mở rộng quy mô. Tệ hơn, một số công ty phải đóng cửa bớt cửa hàng vì không thể thuê người.
Nút thắt cổ chai tăng trưởng
Mananu Sasaki, một chuyên viên quan hệ đầu tư tại Công ty nội thất Komeri, than thở: “Việc thiếu công nhân đã đẩy giá xây dựng cửa hàng mới lên 20-30% từ năm ngoái. Chúng tôi đành phải giảm chi phí bằng cách thay đổi thiết kế và vật liệu”. Nhiều công ty khác buộc phải mở ít cửa hàng lại vì chi phí xây dựng tăng cao.
Chủ tịch Công ty xây dựng Watanabe Kensetsu, ông Hiroyuki Watanabe, cũng chẳng vui vẻ gì. Ông kể với báo Japan Times: “Hết dự án này đến dự án khác bị trì hoãn vì thiếu lao động. Đôi khi chúng tôi đành phải trả lại đơn đặt hàng”. Có công ty xây dựng đang rao cần thuê hàng chục công nhân mới, bất kể quốc tịch.
Reuters cho biết ngành vận tải cũng nếm mùi đau thương. Vì thiếu tài xế, Công ty vận tải Taiho có đội xe tải khoảng 400 chiếc ở trung tâm công nghiệp Nagoya đã phải cho ngưng 1/10 đội xe. Một báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho thấy 55% các công ty xe tải gặp tình cảnh thiếu nhân công trong quý đầu.
Hãng hàng không Peach Aviation cho biết đã phải hủy hơn 2.000 chuyến bay trong năm nay, tức 16% số chuyến bay đã lên lịch. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Japan và Vanilla Air cũng hủy hàng trăm chuyến bay mùa hè này. Người phát ngôn của Peach Aviation, Hironori Sakagami, thừa nhận: “Chúng tôi không có đủ cơ trưởng và việc đào tạo một người như vậy cần thời gian và tiền bạc. Chúng tôi muốn tăng số chuyến bay lắm chứ nhưng đành hoãn lại”.
Theo Reuters, có một vấn đề lớn hơn mà nền kinh tế đang già đi này phải đối mặt: trước quyết tâm cải tổ kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe sau thập kỷ giảm phát, nhiều công ty Nhật đang loay hoay để đảm bảo nguồn nhân lực do những hạn chế về luật lao động nhập cư, các luật thuê mướn lao động không linh hoạt và dân số ở độ tuổi lao động được dự báo sẽ tụt xuống 13 triệu người vào năm 2030.
Kinh tế gia kỳ cựu Yasuo Yamamoto thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho nhận xét rằng “tình trạng thiếu hụt lao động sẽ gây ra nút thắt cổ chai tăng trưởng, đặc biệt khi thị trường lao động đứng yên”. Theo ông, phải có chính sách linh động để điều tiết nhân công từ ngành “nhàn rỗi” sang các ngành đang tăng trưởng và phải mạnh dạn tính đến lao động nhập cư.
Dân số già
Số liệu của chính phủ cho thấy vào tháng 5 cứ 100 người tìm việc thì có 109 việc tìm người. Tỉ lệ này đã tăng 18 lần liên tiếp. Sự thiếu hụt nhân công đang ngày càng trầm trọng được đánh giá không gây ngạc nhiên khi đề cập đến dân số già đi nhanh chóng của Nhật. Vừa qua Nhật đã tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách kêu gọi mở rộng cửa đối với lao động nhập cư và bỏ các giới hạn trong luật thuê lao động.
Tuy nhiên theo Reuters, một đề xuất được các cố vấn của ông Abe đưa ra là nâng số lao động nhập cư lên 200.000 người/năm vào năm 2050 gần đây đã bị bác. Thay vào đó, trong chiến lược tăng trưởng của ông Abe được công bố hồi tháng 6, ông đã mở rộng chương trình tập sự dành cho người nước ngoài chỉ chiếm 0,3% lao động ở Nhật.
Theo The Japan Times, cách đây không lâu, Phòng thương mại và công nghiệp Tokyo đã tổ chức một hội chợ việc làm cho sinh viên nước ngoài chuẩn bị tốt nghiệp từ các trường đại học và trường nghề ở Nhật Bản vào mùa xuân năm sau. Ông Abe cũng khuyến khích người già và phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhưng các ý kiến chỉ trích nói những biện pháp này không bao giờ là đủ.
Nhân công sợ trách nhiệm
Nhiều công ty đã thay đổi điều kiện làm việc để níu kéo nhân viên nhưng dường như không ăn thua. Chẳng hạn hồi tháng 4, Công ty bán lẻ Fast lập ra một hệ thống nhân viên mới có điều kiện làm việc thoải mái hơn, ít giờ làm hơn.
Fast dự tính chuyển 16.000 trong số 30.000 nhân viên bán thời gian thành nhân viên chính thức trong những năm tới. Tuy nhiên trong tháng 6 vừa qua, họ chỉ chuyển được 200 nhân viên sang chính thức. Vấn đề ở chỗ khi được tuyển chính thức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn nhưng nhiều người lại do dự vì lo ngại bị đòi hỏi gánh nhiều trách nhiệm hơn và giờ làm việc ít linh động hơn.
|
Việt Phương
tuổi trẻ
|