Mỹ trừng phạt nhiều thực thể vi phạm lệnh cấm vận kinh tế
Ngày 9/7, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt một công ty của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) vào danh sách trừng phạt vì đã buôn bán với chính phủ Syria.
Theo bộ trên, từ năm 2012, công ty Pangates có trụ sở tại sân bay quốc tế Sharjah của UAE đã phân phối nhiên liệu hàng không và nhiên liệu phụ gia cho Systrol, một công ty dầu mỏ quốc doanh Syria nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng mặc dù Pangates bán các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ cả cho mục đích dân sự và quân sự, song "các mặt hàng giao thương giữa hai bên thường không được sử dụng theo mục đích dân sự ở Syria."
Trong động thái nhằm tăng cường sức ép lên chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, bộ trên cũng đã tiến hành trừng phạt 2 công ty vỏ bọc của Trung tâm nghiên cứu khoa học Syria (SSRC) là Expert Partners và Megatrade.
Chính quyền Mỹ cho rằng SSRC đang phát triển và sản xuất vũ khí phi thông thường và tên lửa đạn đạo cho các lực lượng của chính phủ Syria.
Lệnh trừng phạt của Mỹ phong tỏa tất cả tài sản của các công ty trên trong lãnh thổ Mỹ và cấm mọi công dân làm ăn buôn bán với các công ty này.
Cùng ngày, ngân hàng lớn nhất nước Pháp BNP Paribas thừa nhận đã vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào một số nước.
Theo công tố viên của Mỹ, trong giai đoạn 2004-2012, BNP Paribas đã "lách" lệnh cấm vận của Mỹ khi đứng ra làm trung gian cho một số khách hàng để giao dịch bằng USD với những quốc gia bị Washington trừng phạt kinh tế như Iran, Cuba và Sudan.
Trong vòng 7 năm, ngân hàng này đã che giấu các khoản giao dịch ước tính lên đến 30 tỷ USD với các nước kể trên. Hành động này của BNP Paribas vi phạm Đạo luật tình trạng khẩn cấp quốc tế đối với kinh tế và Đạo luật kinh doanh với kẻ thù của Mỹ.
Lời thú tội của BNP Paribas được đưa ra một tuần sau khi ban giám đốc ngân hàng tại Paris thống nhất chấp thuận nộp phạt 8,9 tỷ USD để dàn xếp những cáo buộc hình sự liên quan đến vụ việc trên.
Đây là số tiền phạt kỷ lục nhắm vào một tập đoàn ngoại quốc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Trong đó, 8,83 tỷ USD là số tiền thu nhập phi pháp phải nộp lại và 140 triệu USD là tiền phạt.
Ngân hàng BNP Paribas cũng sẽ sa thải 13 nhân viên liên đới trong vụ việc với 5 người trong đó thuộc hàng quản lý cấp cao. Theo kế hoạch, một phiên điều trần cuối cùng để thảo luận chi tiết về mức phạt sẽ được tổ chức vào ngày 3/10./.
vietnam+
|