Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại
So với các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện, nâng cao tính cạnh tranh và trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư hơn.
Đó là nhận định của ông Askhay Kulkarni, Giám đốc Dịch vụ tư vấn bất động sản khách sạn - nghỉ dưỡng, Cushman & Wakefield Nam và Đông Nam Á trả lời khi chia sẻ với báo giới về thị trường này.
Ông đánh giá thế nào về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản khách sạn hiện nay tại Việt Nam?
- Về bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam cũng phát triển hơn theo thời gian. Xét về nguồn cung tại Việt Nam, khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp chiếm một số lượng lớn, sau đó là 3 sao và 4 sao. Xét trên góc độ khu vực, thì số lượng khu du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn tại hai thành phố Hà Nội và TP HCM vẫn còn ít hơn rất nhiều so với các thành phố khác tại Châu Á như Jakarta, Kualar Lumpua, Singapore… Nói tóm lại, dự kiến số lượng bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ tăng lên nhiều hơn, nhưng loại hình phát triển dẫn đầu sẽ là 3 sao thay vì hạng sang 5 sao như hiện tại.
Về khách sạn thì cụ thể như nguồn cung tại TP HCM, tổng số phòng khách sạn của cả ba hạng 3 sao, 4 sao và 5 sao đạt 13.000 phòng, trong khi đó tại Bangkok, con số này là 56.000 phòng. Các thành phố như Đà Lạt, Đà Nẵng hay một số thành phố ven biển vốn thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch và số lượng khách tăng dần lên theo từng năm.
Song song với lượng khách ngày một gia tăng này, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn cũng phải ngày một nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của đa dạng nhiều du khách. Tâm lý khách du lịch, họ luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới. Một gia đình thường xuyên đi du lịch thì hàng năm sẽ tìm cho mình những khu du lịch nghỉ dưỡng mới.
Tiềm năng phát triển của du lịch không chỉ phụ thuộc vào quy mô dự án bất động sản mà phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng?
- Đúng nhưng chưa đủ. Mục đích của du lịch là trải nghiệm. TP HCM, tôi có thể ở lại đây năm ngày. Đến Đà Nẵng, tôi không biết làm gì cho hết khoảng thời gian ba ngày. Xung quanh khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng không có nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Thêm vào đó, bước ra khỏi một khu nghỉ dưỡng hạng sang, khách du lịch không có nhiều lựa chọn thích hợp với nhu cầu của họ. Không có cửa hàng bán lẻ tiện tích, không có shop thời trang hàng hiệu, xung quanh các khu nghỉ dưỡng hạng sang tại Đà Nẵng là những hàng quán của người dân địa phương. Sự kết hợp này không tương thích và hoàn toàn lãng phí tiềm năng du lịch.
Ở Bali, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn, hoạt động du lịch đa dạng với vô vàn những lựa chọn cho khách du lịch. Tôi có thể đến Bali bốn lần trong năm mà vẫn có nhiều những trải nghiệm mới. Nói về tiềm năng phát triển du lịch, điều quan trọng nhất chính là cung cấp sự trải nghiệm thích thú cho du khách, điều này sẽ mang họ quay trở lại.
Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam?
- Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khách sạn. Tuy nhiên, điều phần lớn các nhà đầu tư băn khoăn chính là khả năng hòa vốn, thu lợi của dự án, giá đất. Khi xem xét đầu tư, nhà đầu tư bao giờ cũng chú ý đến hai tiêu chí: Mức độ rủi ro của dự án đầu tư và môi trường kinh doanh.
Tôi thấy có khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hiện xem xét khả năng đầu tư tại Việt Nam vì họ thấy được tiềm năng, họ nhìn vào điều gì? Họ nhìn vào tiềm năng tăng trưởng, tiềm năng phát triển của thị trường. Nếu như tiềm năng phát triển tăng, nhu cầu tăng, tỉ lệ hấp thụ tăng, thời gian hoàn vốn ngắn thì đương nhiên khả năng dự án được đầu tư sẽ rất cao.
Tuy nhiên khó khăn hiện nay chính là môi trường kinh doanh ở Việt Nam, vì đang là thị trường mới nổi, chưa phát triển nên phần lớn chính sách, quy trình vẫn thường xuyên được thay đổi và chưa mang tính thống nhất, rõ ràng và minh bạch như những gì các nhà đầu tư kỳ vọng.
Bạn cũng biết là hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư đang triển khai dự án, cụ thể như Rockefeller mới đầu tư 2,5 tỷ đô vào dự án tại Vũng Rô - Phú Yên, nhà tỷ phú Israel Igal Ahouvi với dự án Alma Resort tại Bãi Rồng – Cam Ranh trị giá 300 triệu USD cho thấy các nhà đầu tư đã thấy được tiềm năng phát triển và mạnh dạn đầu tư.
Nếu như Việt Nam có thể giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng như quy trình đăng ký kinh doanh, chất lượng cơ sở hạ tầng… Việt Nam sẽ còn thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa.
Hiện nay, ngoài các nhà đầu tư khu vực châu Á, đã xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Israel, Nga… Liệu đây có phải là một làn sóng đầu tư mới không?
- Là một nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi, tôi có thể xem xét đầu tư tại Việt Nam, Singapore, Myanmar, Malaysia, Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Những quốc gia này đều là những điểm đến đầu tư của khu vực châu Á. Tuy nhiên, khi tôi phân tích và so sánh môi trường đầu tư tại Việt Nam với môi trường đầu tư tại Indonesia hay Malaysia, tôi cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn hơn.
Việt Nam không thể so sánh được với Singapore hay Trung Quốc vì những khác biệt rõ ràng về quá trình phát triển và quy mô đầu tư. Nhưng so với các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện, nâng cao tính cạnh tranh và trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư hơn.
Việt Nam có tiềm năng phát triển dài hạn, tuy nhiên, đất nước này vẫn đang trong giai đoạn tìm đường phát triển. Môi trường đầu tư không chỉ bị ảnh hưởng bởi chính sách, hệ thống chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định mà còn phụ thuộc vào tính minh bạch và nhận thức của từng thành phần tham gia vào môi trường đầu tư đó. Nếu có thêm thông tin về môi trường và cách thức kinh doanh tại Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn khi tiếp cận thị trường này.
Một khi các nhà đầu tư bắt đầu khởi động dự án, họ phải tự tin về quyết định đầu tư và tin tưởng tiềm năng lợi nhuận dự án mang về đủ lớn để họ mạo hiểm đầu tư. Trong tương lai, nhiều nhà đầu tư đến từ các châu lục khác sẽ xem xét thị trường Việt Nam. Nhưng khi nào họ chính thức thâm nhập và đầu tư vào thị trường này thì vẫn còn là vấn đề thời gian.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của các nhà quản lý đối với dự án nghỉ dưỡng, khách sạn tại Việt Nam?
- Tại một dự án lớn do một chủ đầu tư có uy tín xây dựng, sự có mặt của một đơn vị quản lý chuyên nghiệp sẽ nâng cao chất lượng của dịch vụ cũng như khả năng sinh lời của dự án. Những đơn vị quản lý chuyên nghiệp có kinh nghiệm hơn 10 năm, 20 năm trong quản lý bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn – đương nhiên sẽ có cách thức làm việc hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng hay không?
- Nếu tôi có thể khuyến nghị, tôi đề xuất 3 điều sau: Một là việc phổ cập và minh bạch chính sách cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài không hiểu về luật pháp và chính sách đầu tư tại Việt Nam.
Thứ hai, về phương diện bất động sản, các nhà đầu tư rất nghi ngại về giá trị đất. Giá đất quá cao cũng là một yếu tố bất lợi cho Việt Nam trong quá trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Dù có kinh doanh vận hành tốt đến đâu thì cũng phải một thời gian rất dài mới có thể khấu hao được.
Thứ ba, Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh, sinh sống tại Việt Nam nhưng điều kiện và thủ tục để tiếp cận những hỗ trợ này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài không biết tìm thông tin ở đâu. Khắc phục được những điều cơ bản này, Việt Nam sẽ cải thiện được môi trường đầu tư và trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn.
Trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Ninh Toàn
xây dựng
|