Mía đường: Doanh nghiệp bao tiêu mà nông dân không được lợi
Vụ mía 2014-2015, nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm; tuy nhiên bà con nông dân cho biết không được lợi gì từ việc bao tiêu này.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, vụ mía 2014-2015 địa phương đã xuống giống được khoảng 16.000 héc ta và có 100% diện tích mía của bà con nông dân được doanh nghiệp bao tiêu thụ.
Thông tin từ Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) - đơn vị bao tiêu mía nguyên liệu cho nông dân ở Hậu Giang - mức giá thu mua mía cho nông dân của Casuco là 830 đồng/kg, loại 10 chữ đường (CCS), giao tại cầu cảng nhà máy.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đua, nông dân trồng mía tại ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, cho biết nông dân không được lợi từ hợp đồng bao tiêu này. Theo ông Đua, lý do là đa số nông dân bán mía tại ruộng cho thương lái, trong khi quy định của hợp đồng bao tiêu là nông dân phải giao mía tại cầu cảng của nhà máy, nghĩa là nông dân phải chịu chi phí vận chuyển mía từ ruộng đến cảng. “Đó là chưa kể mức giá doanh nghiệp bao tiêu quá thấp so với mức đầu tư chúng tôi bỏ ra”, ông Đua nói.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, cũng cho biết: “Thống kê sơ bộ của chúng tôi, thì giá thành sản xuất vụ mía này khoảng 760 đồng/kg, trong khi giá bao tiêu là 830 đồng/kg, cho nên nếu nông dân phải chịu chi phí chuyển mía đến nhà máy, thì tính ra họ không có lãi”.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng, tính đến nay, có khoảng 700 héc ta trên tổng số hơn 2.400 héc ta mía đã xuống giống của huyện được Công ty mía đường Long Mỹ Phát bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Tâm, hình thức bao tiêu mía là Công ty mía đường Long Mỹ Phát "mua xô" tại ruộng với giá 700 đồng/kg. “Tuy nhiên, với mức giá bao tiêu này nông dân sẽ không có lãi bởi nó thấp hơn giá thành sản xuất”, ông Tâm cho biết.
Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn một số tỉnh ĐBSCL, từ giữa tháng 9-2014 tới, một số địa phương như Hậu Giang, Sóc Trăng…, nông dân sẽ bắt đầu bước vào thu hoạch vụ mía 2014-2015.
Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết vụ mía 2013-2014 vừa qua, cả nước đã xuống giống được trên 289.000 héc ta, lượng đường sản xuất ra đạt trên 1,58 triệu tấn các loại.
Trung Chánh
tbktsg
|