Máy bay thương mại đầu tiên của Honda cất cánh tại Mỹ
HondaJet - chiếc máy bay thương mại đầu tiên trị giá 4,5 triệu USD của hãng ôtô Nhật Bản Honda đã chính thức cất cánh trình làng cuối tuần qua - đánh dấu bước ngoặt Honda sẽ tấn công khai thác thị trường hàng không có khả năng tạo ra 23 tỉ USD/năm.
Ngày 27-6, HondaJet đã bay thử chuyến đầu tiên kéo dài 84 phút từ trụ sở Honda Aircraft - công ty hàng không thuộc tập đoàn mẹ Honda - tại Greensboro, bang North Carolina, Mỹ.
Một cuộc cách mạng
"Với chuyến bay đầu tiên này, dự án HondaJet sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn thú vị khi chúng tôi chuẩn bị giao hàng cho khách đặt trước", chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Honda Aircraft Michimasa Fujino nói. "Sự kiện bay thử hôm nay sẽ đại diện cho đỉnh cao của kỹ thuật chuyên sâu và nỗ lực sản xuất của chúng tôi. Và đó cũng là một thành tựu quan trọng của thị trường hàng không khi được tiếp nhận một chiếc máy bay phản lực tiên tiến nhất thế giới".
HondaJet hiện đang được chào bán ở Bắc Mỹ và châu Âu thông qua hệ thống bán lẻ HondaJet. Chiếc máy bay 5 chỗ có thể bay tối đa 777km/h và ở độ cao tối đa 13.106km. Truyền thông Nhật Bản cho biết khách hàng mục tiêu của HondaJet là giới thượng lưu và các doanh nghiệp lớn.
Với giá bán 4,5 triệu USD, đến nay Honda Aircraft đã nhận được hơn 100 đơn đặt hàng.
Honda là nhà sản xuất ôtô lớn của Nhật Bản nổi tiếng với các dòng xe vừa tiền, an toàn, thiết thực, tiết kiệm nhiên liệu nhưng cũng không kém thời trang. Đây cũng là nhà sản xuất xe môtô hiệu năng cao đồng thời còn là nhà chế tạo ra robot Asimo nổi tiếng thường xuất hiện tại các hội chợ thương mại.
Dù vậy, con đường để Honda cho ra đời chiếc máy bay đầu tiên HondaJet không hề dễ dàng, với vô số lần lỗi hẹn vì lý do trục trặc động cơ trong quá trình thử nghiệm. Nhưng hãng cho biết đang nỗ lực để HondaJet lấy được bằng chứng nhận Cục Quản lý hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trong quý đầu tiên năm 2015.
Năm 2006 Honda đã công bố kế hoạch thương mại hóa máy bay phản lực do hãng sản xuất. Trước đó từ cuối những năm 1980, Honda đã âm thầm nghiên cứu mô hình máy bay cỡ nhỏ và ra mắt bản thử nghiệm HondaJet trị giá hàng triệu USD trong năm 2003.
Máy bay thật với ngoại hình "viễn tưởng"
Điều làm cho HondaJet trở nên dị thường chính là động cơ có một không hai giúp tạo nên thương hiệu riêng cho nó. Nếu hầu hết các mẫu máy bay phản lực cùng kích thước sử dụng động cơ gắn ở 2 bên phía sau thân máy bay, thì cũng ngay tại vị trí đó, HondaJet lại lắp các turbofan HF120 đặc biệt, do liên doanh Honda - General Electric thiết kế riêng, trên bệ nhô ra từ 2 bên cánh.
Honda cho biết việc đặt động cơ trên cánh máy bay giúp tạo lợi thế giải phóng không gian đáng kể bên trong cabin, bằng cách loại bỏ cấu trúc thượng tầng cần thiết nhằm hỗ trợ cho động cơ. Thêm vào đó, ngoại hình của HondaJet cũng hết sức "viễn tưởng" khi không sử dụng chất liệu aluminum như thông thường, mà là vật liệu hỗn hợp cực kỳ hiếm thấy trong ngành công nghiệp hàng không.
Với khả năng phân tán tiếng ồn động cơ ra xa thân máy bay, HondaJet sẽ giúp hành khách tránh tiếng ồn đinh tai nhức óc giống như khi ngồi ở những hàng kế cuối trên máy bay gắn động cơ phía sau. Nội thất của HondaJet cũng được trang bị màn hình cảm ứng với bộ 3 màn hình 14" và hệ thống điện tử Garmin G3000.
Khi đi vào sản xuất, HondaJet sẽ phải cạnh tranh với một số model có sẵn trong phân khúc máy bay siêu nhẹ như Embraer Phenom 100 và Cessna Citation Mustang.
C.Luân (Theo AFP, Business Insider)
tuổi trẻ
|