“Làm thân” thương hiệu ngoại
Hàng trăm tỷ đồng đã được các ngân hàng và DN lớn trong nước cam kết chi cho các đội bóng cũng như các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Ồ ạt bắt tay với bóng đá
Đầu tháng 7/2014, NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ký thỏa thuận hợp tác với Câu lạc bộ bóng đá Manchester City (Man City - Anh). Giá trị hợp đồng này không được công bố, nhưng theo thỏa thuận, SHB sẽ được sử dụng thương hiệu của Man City trong hoạt động kinh doanh của mình, cụ thể là phát hành thẻ visa. Các khách hàng của SHB cũng sẽ có cơ hội được sang Anh xem Man City thi đấu. Bên cạnh đó, SHB cũng lên kế hoạch sẽ mời đội bóng đương kim vô địch Premier League này sang Việt Nam du đấu vào mùa hè 2015.
Đàn bò thương hiệu Kobe của TTC Group
|
Việc ký kết hợp tác nêu trên chắc chắn sẽ giúp cho SHB có nhiều cơ hội mở rộng thị trường các loại thẻ đồng thương hiệu, bởi trong những năm qua Man City đã trở thành một “thế lực” lớn của giải bóng đá Ngoại hạng Anh với trên 200 triệu cổ động viên trên khắp thế giới. Việc bắt tay với Man City cũng sẽ giúp SHB có cơ hội để tăng cường quảng bá hình ảnh tại Lào và Campuchia - hai thị trường SHB đã mở rộng hoạt động.
Trước SHB, năm 2013, BIDV (BID) là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc hợp tác với Câu lạc bộ bóng đá Manchester United (MU - Anh) để phát triển thẻ đồng hương hiệu BIDV - MU. Cũng giống như Man City, MU đến thị trường Việt Nam với khoảng 26,5 triệu người hâm mộ. Chính vì thế, sau hơn một năm bắt tay hợp tác, hai bên đã cho ra mắt hai dòng sản phẩm thẻ quốc tế đồng thương hiệu BIDV - MU, gồm thẻ tín dụng (tháng 4/2013) và thẻ ghi nợ quốc tế (tháng 9/2013). BIDV và MU cũng đã tổ chức thành công giải bóng đá “BIDV Manchester United Cup 2013” theo thể thức đường phố để kết nối Câu lạc bộ bóng đá MU với người hâm mộ tại Việt Nam. Giải đấu này tiếp tục diễn ra vào tháng 9/2014.
Không chỉ lĩnh vực ngân hàng, từ 7-8 năm trở lại đây việc hợp tác với các Câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới cũng đã thu hút nhiều tập đoàn DN lớn trong nước. Tiêu biểu có thể kể đến sự hợp tác của Công ty Điện tử Samsung và CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) với các câu lạc bộ bóng đá lớn của Anh như Chelsea và Arsenal. Thực tế cho thấy, sau khi hợp tác với Chelsea vào năm 2005, Samsung đã gặt hái được thành công lớn thông qua hoạt động quảng bá hình ảnh và bán sản phẩm.
Chương trình “Trại hè Samsung - Chelsea” mà DN này tổ chức nhiều năm nay thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự. Những con số doanh thu và lợi nhuận từ thương vụ này không được tiết lộ, nhưng việc Samsung tiếp tục gia hạn hợp đồng hợp tác với Chelsea đến năm 2015 với giá trị hợp đồng lên tới 18 triệu bảng Anh/năm (tương đương khoảng 651,6 tỷ đồng/năm), chứng tỏ hiệu quả kinh tế của sự hợp tác này là cực lớn.
Tương tự, năm 2008, sau khi nhận thấy sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê Moment yếu hơn các sản phẩm cà phê hòa tan khác trên thị trường, Vinamilk đã bỏ ra chi phí khoảng 2 triệu USD để ký kết hợp tác với Câu lạc bộ bóng đá Chelsea nhằm đưa thương hiệu, hình ảnh Câu lạc bộ này vào bao bì sản phẩm để gia tăng sức bán. Mặc dù đến thời điểm hiện nay, Vinamilk đã ngưng sản phẩm cà phê Moment để tập trung vào các sản phẩm chính là sữa thì việc hợp tác với Chelsea để quảng bá cho thương hiệu cà phê hòa tan của DN này trong suốt 3 năm (2008-2010) cũng chứng tỏ sức hút lớn từ các thương hiệu bóng đá quốc tế đối với chiến lược marketing của các DN trong nước, đặc biệt là các “ông lớn”.
Kéo “đặc sản” ngoại về thị trường nội
Cuối năm 2013, sau khi đã thành công lớn từ thương vụ nhận phân phối độc quyền xe du lịch Peugeot tại Việt Nam, CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) tiến sâu thêm một bước nữa là ký hợp tác với tập đoàn ô tô nổi tiếng của Pháp này để nhận chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất và lắp ráp mẫu xe Peugeot 3008. Với hợp đồng này, Thaco trở thành DN duy nhất tại Việt Nam sản xuất dòng crossover 5 chỗ ngồi với kiểu dáng sang trọng mang đẳng cấp châu Âu. Nhà máy của Thaco tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam) được đầu tư thêm hơn 230 tỷ đồng (trong quý I/2014) để trở thành công xưởng sản xuất các dòng xe mới, được xem là đặc sản của các thương hiệu ô tô quốc tế.
Từ những hợp tác phân phối độc quyền và nhận chuyển nhượng công nghệ sản xuất lắp ráp các mẫu xe đời mới mang thương hiệu lớn, tính đến hết năm 2013 tổng doanh thu của Thaco đã đạt mức 13.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.140 tỷ đồng, cao gấp 4,7 lần năm 2012. Chỉ tính riêng trong quý I/2014 doanh số bán xe của Thaco đã đạt 10.794 xe, dẫn đầu thị trường ô tô nội địa. Thaco dự kiến, đến cuối 2014 doanh thu của DN sẽ vượt mức 19.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 62%, tương đương 1.850 tỷ đồng.
Ở một lĩnh vực khác là nông nghiệp, mới đây Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) cũng khiến cho giới chăn nuôi bò thịt Việt Nam ngỡ ngàng với dự án hợp tác với Nhật Bản để sản xuất, nhân giống và nuôi thành công giống bò mang thương hiệu Kobe nổi tiếng thế giới tại tỉnh Lâm Đồng. Theo những thông tin mà TTC Group công bố, để có được trang trại bò Kobe gần 100 con (dòng F1) như hiện nay, từ nhiều năm trước DN đã phải thỏa thuận với đối tác Nhật Bản để có được hợp tác góp vốn thành lập CTCP Bò Kobe Việt Nam vào năm 2009 với tỷ lệ vốn 50/50.
Theo kế hoạch, cuối quý I/2015 lứa “bò Kobe Việt - Nhật” đầu tiên sẽ được xuất xưởng bán ra thị trường. Hiện bò Kobe tại Nhật Bản đang được bán với giá trung bình khoảng 170 USD/kg. TTC Group tính toán rằng, chỉ cần bán được 100 USD/kg tại thị trường nội địa thì mỗi con bò mang thương hiệu Kobe của DN này đã thu về cả tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa rằng, chiến lược “kéo đặc sản nước ngoài” về trong nước của TTC Group đang hứa hẹn mang về cho DN Việt hàng trăm ngàn tỷ đồng/năm.
Thạch Bình
Thời báo Ngân hàng
|