Thứ Năm, 24/07/2014 19:00

Kinh tế Nga, Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt

Lý do mà Mỹ và phương Tây đưa ra để biện minh cho các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga là "sự can thiệp của Nga vào nước láng giềng Ukraine” đã đẩy đôi bên vào thế đối đầu.

Thảm họa MH17 của hãng hàng không Malaysia ở Ukraine, mà Mỹ và Phương Tây đổ lỗi một phần cho Nga, càng đẩy căng thẳng lên một nấc thang mới, tiềm ẩn nhưng hậu quả khó lường đối với kinh tế đôi bên.

Đòn trừng phạt kép

Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hàng loạt thể chế và lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, từ các công ty năng lượng tới các ngân hàng và các công ty quốc phòng.

Các biện pháp trừng phạt được Nhà Trắng tuyên bố hôm 16/7 có phạm vi rất rộng, nhằm vào hai công ty năng lượng lớn, hai thể chế tài chính khổng lồ, tám công ty sản xuất vũ khí và bốn cá nhân. Hai công ty năng lượng lớn bị trừng phạt là Novatek - nhà sản xuất khí tự nhiên độc lập lớn nhất, và Rosneft, công ty dầu mỏ lớn nhất và là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ ba của Nga.

Hai thể chế tài chính hàng đầu của Nga nằm trong mục tiêu trừng phạt là Ngân hàng phát triển Vnesheconombank (VEB) và Ngân hàng Gazprombank - công ty con của Tập đoàn Khí đốt Gazprom. Các công ty nằm trong danh sách bị trừng phạt trên bị cấm tiếp cận thị trường vốn của Mỹ.

Trong danh sách trừng phạt các công ty sản xuất vũ khí Nga nổi lên là tập đoàn Kalashnikov, mà theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, là bị cấm bán các sản phẩm tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết các mục tiêu trừng phạt là có chọn lọc nhằm gây tác động tối đa đối với Nga trong khi hạn chế đến mức tối thiểu những ảnh hưởng đối với các công ty của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Ông Obama tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không có các biện pháp cụ thể để hạ nhiệt tình hình Ukraine.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra thận trọng hơn do lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của chính họ, bởi mối quan hệ tài chính mật thiết với Nga hơn Mỹ.

Sau Hội nghị thượng đỉnh hôm 16/7 tại Brussels, EU tuyên bố họ đã yêu cầu Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) không ký kết thêm bất kỳ thỏa thuận tài chính nào với Moskva. EU cũng đồng ý ngừng cấp vốn cho các hoạt động mới của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) ở Nga.

Tuy nhiên, sau thảm kịch máy bay Malaysia và trước sức ép của Hà Lan, nước có nhiều công dân thiệt mạng nhất, ngày 22/7, ngoại trưởng các nước EU đã nhất trí mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và xem xét áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn, nhằm vào cả lĩnh vực quốc phòng.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton cho biết các ngoại trưởng EU đã quyết định gấp rút thực hiện "các biện pháp mục tiêu đã nhất trí" tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần trước, với thời hạn chót là cuối tháng này.

Nga quyết liệt đáp trả

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/7 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới đưa quan hệ Nga-Mỹ vào ngõ cụt và cũng ảnh hưởng tới chính Mỹ. Động thái đó sẽ làm tổn hại các lợi ích quốc gia dài hạn của nước Mỹ và người dân Mỹ. Mỹ chỉ tự làm hại chính họ khi việc đẩy các công ty Mỹ đang muốn hoạt động ở Nga vào thế cạnh tranh đầy bất lợi, nhất là vị thế của các công ty năng lượng của họ.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào một số công ty công ty quốc phòng hàng đầu của Nga là bất hợp pháp và chỉ cho thấy tính cạnh tranh không lành mạnh của Mỹ trên thị trường vũ khí.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serguei Riabokov nhận định loạt trừng phạt mới này là không thể chấp nhận được, đồng thời đe dọa sẽ có hành động đáp trả bởi lẽ Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào hai công ty năng lượng Nga là Rosneft và OA Novatek có thể làm ngành năng lượng của Xứ sở Bạch dương thiệt hại ít nhất 150-200 tỷ USD.

Giám đốc điều hành Ngân hàng VTB lớn thứ hai ở Nga, Andrei Kostin, cho biết lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt chống Nga liên quan tới Ukraine là không thích hợp và cảnh báo về những hậu quả khôn lường có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Phản ứng trong lòng châu Âu và Mỹ

Trong khi đó, các nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt mới dù chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực, song sẽ vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều nước EU, nhất là nguồn cung khí đốt từ Nga. Các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng nhiều khả năng sẽ làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế mong manh ở châu Âu và thậm chí là có thể đẩy nền kinh tế của một số nước thành viên tới bờ vực suy thoái.

Một số nước EU phụ thuộc 100% vào nguồn khí đốt của Nga sẽ chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng bởi họ không có nhà cung cấp nào khác. Trong số đó, Đức và Italy là hai nước sẽ bị tác động nhiều nhất. Nếu năng lượng là một trong những lĩnh vực chịu lệnh trừng phạt, EU sẽ phải cân nhắc các biện pháp nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính.

Về phía Pháp, bất chấp sự phản đối từ Mỹ và Anh, Paris vẫn tiếp tục theo đuổi thương vụ bán hai tàu chiến lớp Mistral cho Nga trị giá 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD). Việc hủy bỏ hợp đồng sẽ tác động tiêu cực tới Paris nhiều hơn là Moskva.

Mặc dù nước Anh kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt "cấp độ 3" nhằm vào một số lĩnh vực kinh tế và lệnh cấm vận vũ khí đối với Nga, song có lẽ các thiệt hại mà London có thể sẽ phải đối mặt sẽ không nhỏ. London hiện là điểm đến quan trọng của giới kinh doanh Nga và nhiều đại gia Nga sở hữu những khối tài sản kếch sù tại Xứ sở Sương mù. Tập đoàn dầu mỏ BP của nước Anh đang hứng chịu nhiều thiệt hại sau khi Mỹ quyết định trừng phạt doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất của Nga là Rosneft mà BP sở hữu 20% cổ phần.

Chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng David Cameron chỉ trích Pháp bán vũ khí cho Nga, báo cáo của Ủy ban quản lý xuất khẩu vũ khí thuộc Hạ viện nước Anh công bố ngày 23/7 cho thấy còn tới 251 giấy phép có hiệu lực liên quan tới việc bán cho Nga các mặt hàng có kiểm soát, trị giá ít nhất 132 triệu bảng Anh (225 triệu USD).

Không chỉ châu Âu lo ngại, Tướng Joseph Dunford, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan, cũng cảnh báo rằng nỗ lực của Quốc hội nước này nhằm cấm giao dịch với nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga có nguy cơ trở thành "thảm họa" với quân đội Mỹ.

Có thể nói gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nga nói riêng và rộng hơn là nền kinh tế Nga, mà chính các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cũng bị vạ lây khi bỏ lỡ cơ hội tại thị trường Nga nhiều tiềm năng./.

Hoàng Hà

vietnam+

Ngân hàng Gazprombank - công ty con của Tập đoàn Khí đốt Gazprom. (Nguồn: kyivpost.com)
Các tin tức khác

>   Quỹ đầu tư Na Uy lo 8 tỷ USD kẹt tại Nga (24/07/2014)

>   Ngân hàng UBS bị điều tra vì giúp khách hàng trốn thuế (24/07/2014)

>   Dầu lên trên 103 USD/thùng trước lo ngại nguồn cung (24/07/2014)

>   IMF hạ dự báo tốc độ tăng GDP của kinh tế Mỹ xuống mức 1,7% (24/07/2014)

>   Mỹ trừng phạt những đại gia nào tại Nga? (24/07/2014)

>   Ngân hàng Trung ương Anh giữ nguyên lãi suất thấp kỷ lục (24/07/2014)

>   Vàng lùi bước trước đỉnh cao mọi thời đại của S&P 500 (24/07/2014)

>   Thị trường máy bay riêng phục hồi sau suy thoái kinh tế (23/07/2014)

>   Italy ký hợp đồng 1,4 tỷ euro thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (23/07/2014)

>   Tỷ giá euro/USD chạm mức thấp nhất trong 8 tháng qua (23/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật