Khó kìm giá xăng?
Theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu hiện hành, khi yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở biến đổi tăng 7%, DN được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Trong khi đó, theo dự thảo nghị định mới nhất vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng, biên độ 7% được rút xuống còn 3%...
Biểu đồ giá xăng dầu qua các đợt điều chỉnh từ đầu năm 2014 đến nay
|
Như vậy, một điều dễ nhận thấy là với cách tính mới, chắc chắn giá xăng sẽ thường xuyên được điều chỉnh hơn trước đây, nhất là khi giao quyền cho DN.
Chưa phù hợp với luật giá
Các chuyên gia cho rằng, biên độ 3% vẫn nhiều, với cơ chế tăng giá dễ dãi như trên sẽ rất khó để ghìm được giá xăng tăng. Thậm chí, với cách tính toán này dường như sẽ có lợi cho DN hơn là cho người tiêu dùng. Cụ thể ở 2 nấc đầu (3% và 7%), các DN xăng dầu sẽ chỉ cần kê khai giá tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước vài ngày. Ở nấc thứ 3, khi diễn biến giá xăng dầu tăng cao quá 7%, DN cần phải báo cáo lên Bộ quản lý trong 5 ngày để xem xét. Nếu quá thời hạn này, Bộ không có hồi âm, DN được phép tự tăng giá.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thậm chí còn cho rằng cách tính này chưa phù hợp với luật giá. Cụ thể, Luật này quy định rất rõ trường hợp nào Nhà nước định giá, trường hợp nào DN định giá. Trong khi đó, thị trường xăng dầu hiện nay đang là độc quyền nhóm. Nếu chỉ sửa mức tăng từ 7% xuống 3% sẽ khó nhận được sự đồng thuận của người dân và DN
Ngoài ra, việc đề xuất tính giá cơ sở dựa vào chu kỳ 15 ngày thay vì tính bình quân 30 ngày như hiện nay cũng chưa giải quyết được việc cạnh tranh giữa các DN đầu mối xăng dầu. Hơn nữa, biên độ 3% sẽ tương ứng với mức tăng giá khoảng 600 đồng/lít. Như vậy, dù tần suất điều hành giá từ 10 ngày lên 15 ngày thì mỗi tháng, DN vẫn có quyền tăng giá 2 lần, mỗi lần từ 400 – 600 đồng/lít. Tính chung mỗi tháng có thể tăng khoảng 1.200 đồng/lít theo biên độ biến động tương ứng và đây vẫn là mức tăng khá lớn.
Phá kỷ lục
Với việc tăng giá xăng liên tục như thời gian qua, dư luận đặt câu hỏi về khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng với các DN xăng dầu. |
Thực tế, sự lo ngại của các chuyên gia về khả năng giá xăng sẽ tăng liên tục không phải không có lý, bằng chứng là từ đầu năm tới nay giá xăng đã nhiều lần điều chỉnh với các mức tăng, giảm trên dưới 400 đồng/lít. Nếu như trước đây, giá xăng có những thời điểm tăng tới 2.000 đồng/lít nhưng rất hãn hữu, thì nay với cách tính mới, giá xăng mỗi lần tăng có thể chỉ vài trăm đồng nhưng sẽ tăng thành nhiều lần, thậm chí có tháng tăng 2 lần. Vì vậy, nếu làm phép tính cộng dồn có thể giá xăng vẫn “âm thầm” vượt xa các kỷ lục trước đây. Thậm chí, với việc tăng giá liên tục như vậy, dư luận cũng đặt ra câu hỏi về khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng với các DN.
Điều đáng nói, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối rất hay "kêu" lỗ do phải giữ ổn định giá bán. Tuy nhiên, kết quả công bố kinh doanh năm 2013 của Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) lại cho thấy, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đem lại 849 tỷ đồng lợi nhuận cho tập đoàn (tính chung cả Cty mẹ và 42 Cty con), tăng trưởng mạnh so với khoản lỗ 125 tỷ đồng trong năm 2012. So với khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất của toàn tập đoàn là 1.579 tỷ đồng thì con số lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu không hề nhỏ.
Trong khi đó, hiện nay, cách tính giá xăng cũng được dư luận đánh giá là mơ hồ và khó hiểu với người tiêu dùng. Ở những lần tăng giá xăng, các cơ quan quản lý và ngay cả Petrolimex thường chỉ giải thích chung chung rằng tăng do giá dầu thành phẩm thế giới tăng, phù hợp với luật quy định… Và cứ như vậy, mỗi lần tăng giá xăng dầu lại lập một kỷ lục mới, và thường thì lần sau bao giờ cũng cao hơn lần trước và sự giảm giá rất hãn hữu và ở mức “nhỏ giọt”. Vì vậy, với tinh thần trao quyền “tự chủ” cho DN và tinh thần điều hành giá của Bộ Công Thương lần này, nếu Nghị định mới được thông qua, các chuyên gia dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ thường xuyên “nhảy múa” lạc nhịp với thị trường. Thậm chí còn khiến sự lệch pha này nới rộng hơn bởi trong dự thảo mới này, chưa thấy điểm nào thể hiện việc Bộ chủ quản sẽ kiểm soát được tần suất tăng giá của DN.
Để DN xăng dầu tự quyết giá: Tăng quyền “độc quyền” ?
Với việc giá xăng tăng nhiều lần liên tiếp kể từ đầu năm, chưa có lần nào được điều chỉnh giảm, các chuyên gia càng lo ngại việc cho phép DN xăng dầu được tự quyết giá trong các phạm vi của dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới đây sẽ khiến tần suất tăng giá tăng lên.
Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex: Nước nào cũng để DN tự định giá
Việc điều chỉnh giá xăng dầu của chúng ta hiện nay vẫn do Liên bộ Tài Chính - Công Thương trực tiếp điều hành trên cơ sở biến động của giá xăng dầu thế giới. Giá xăng dầu đang được điều hành theo đúng các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, các mục tiêu kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa 3 lợi ích “Nhà nước - DN - người tiêu dùng”. Quan điểm của Petrolimex là luôn chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ, của các cơ quan Nhà nước và pháp luật. Do vậy, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu thời gian qua không phải do bản thân DN có thể tự quyết mà căn cứ trên đề xuất của DN, và cơ quan quản lý xem xét quyết định.
Việc giao quyền định giá cho DN kinh doanh xăng dầu là hướng mình phải tiến tới. Việc giao quyền này cũng đã có những cái “neo”, đó là chu kỳ giữa các đợt điều chỉnh giá phải là 10 ngày và biên độ tăng giảm không quá 7%. Cái “neo” này khiến DN không thể tự tung, tự tác được. Đấy là “cử chỉ” quản lý rõ ràng. DN được tự định giá nhưng trong kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Đây cũng là tiền đề để chúng ta tiến tới lộ trình thị trường hóa xăng dầu để người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi.
Và việc để DN định giá không ảnh hưởng đến độc quyền, mà chỉ là tiến dần đến việc theo cơ chế thị trường. Nước nào cũng để DN tự định giá, chứ không phải theo cơ chế cứng nhắc là Nhà nước định giá. Nhà nước chỉ định giá một vài mặt hàng nhưng vẫn phải đảm bảo cho DN hoạt động bình thường.
Ông Lê Vinh Quang - Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa: Đẩy DN vận tải đến bờ vực phá sản
Chỉ tính riêng năm 2013, xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh giá, trong đó 6 lần tăng. Từ đầu năm 2014 đến nay, xăng dầu đã 5 lần điều chỉnh tăng giá. Còn trong hai lần gần nhất, DN vận tải đã phải gánh thêm 740 đồng/lít xăng.
Hiện nay chúng tôi có 350 xe các loại. Tính trung bình mỗi ngày mỗi xe chạy 200 km và mất 20 lít xăng thì trong hai lần gần đây nhất mỗi tháng chúng tôi mất hơn 150 triệu. Trong trường hợp nếu được tăng giá cước thì chúng tôi cũng phải gánh thêm khó khăn bởi muốn điều chỉnh giá cước DN cần phải đề đơn xin tăng giá (khoảng 10 ngày); phải điều chỉnh đồng hồ, thay đổi bảng giá cước, hóa đơn tiếp đó, DN phải xin Cục Tiêu chuẩn đo lường của Sở Khoa học công nghệ đến dán tem và dừng toàn bộ xe để điều chỉnh cước đồng hồ. Khoảng thời gian này, DN vẫn phải hoạt động với giá cước cũ nên xe chạy thì sẽ có lỗ.
Trong khi đó, hiện nay, một ô tô đã phải gánh 9 loại thuế và phí, gồm: Thuế nhập khẩu ôtô; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế VAT; Phí trước bạ; Phí đăng ký cấp biển số; Phí xăng dầu (nay là thuế môi trường); Phí kiểm định; Phí bảo hiểm; Phí sử dụng đường bộ. Đó là một gánh nặng lớn lên các DN vận tải nói chung và toàn xã hội nói riêng bởi đây chính là một trong những lý do buộc các DN vận tải phải tăng giá cước và khi giá cước vận tải tăng sẽ có phản ứng dây chuyền như chỉ số giá tiêu dùng, giá cả dịch vụ tăng. Do vậy việc tăng giá xăng dầu cần phải có lộ trình nhất định, không thể tăng bất thường, sẽ đẩy các DN vận tải đến bờ vực phá sản.
|
Quốc Anh - Mai Thanh - N.Phước
Diễn đàn doanh nghiệp
|