Thứ Tư, 23/07/2014 20:00

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014: Lãi lỗ phân tranh

Theo thống kê từ Vietstock, kết thúc ngày 22/07 đã có hơn 280/600 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 2/2014. Hầu hết các đơn vị đều có kết quả kinh doanh có phần khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Những người dẫn đầu

Dẫn đầu danh sách lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014 là những doanh nghiệp khá quen thuộc, điển hình như Dược Hậu Giang (HOSE: DHG), Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG), Cao su Miền Nam (HOSE: CSM), Traphaco (HOSE: TRA), CNG Việt Nam (HOSE: CNG)…

“Quán quân” dẫn đầu là DHG với mức lãi ròng 6 tháng đầu năm đạt 272 tỷ đồng. Theo DHG, sở dĩ lợi nhuận tăng 12% so với cùng kỳ nhờ công ty đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo, truyền thông giới thiệu sản phẩm (chiếm 34 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ), theo đó đã tác động mạnh mẽ đến doanh số khiến lợi nhuận tăng đáng kể.

Đáng chú ý, nằm trong danh sách lãi to có đến hai doanh nghiệp ngành cao su là DRC và CSM. Kết quả kinh doanh quý 2 của DRC tuy có phần sụt giảm nhưng tính lũy kế 6 tháng thì DRC đã thu về được 237 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT), đạt 56% kế hoạch năm và lãi ròng đạt 184.9 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Còn CSM, công ty thu về 217 tỷ đồng LNTT qua 6 tháng đầu năm 2014, hoàn thành đến 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ 2013, doanh thu quý 2/2014 của CSM đã giảm 5%, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 10%. Ngoài ra, theo dự báo của CTCK Ngân hàng BIDV (BSI), có khả năng CSM sẽ chịu lỗ trong 2 quý còn lại của năm đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm radial do nhà máy radial sẽ bắt đầu ghi nhận khấu hao và lãi vay từ quý 3/2014 trong khi việc sản xuất mới chỉ bắt đầu.

Kế đến là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) - một đại gia về ngành thép, với mức ước lãi ròng 9 tháng đạt 281 tỷ đồng (niên độ 1/10/2014-31/3/2015), tức chỉ thực hiện được 47% so với kế hoạch lợi nhuận trong niên độ này. Được biết, nhờ công suất nhà máy tăng thêm và sản lượng tiêu thụ tăng 30% nên doanh thu HSG tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, do giá thép cán nóng liên tục giảm từ tháng 9/2013 đến nay đã khiến HSG không còn khoản lợi nhuận từ đầu cơ nguyên liệu như năm trước. Chính vì vậy, dù nằm trong top 5 doanh nghiệp có lãi to, nhưng nếu so với kết quả 6 tháng đầu niên độ kế toán của kỳ trước, lãi ròng trong kỳ này của HSG đã sụt giảm hơn một nửa.

Cùng với kế hoạch phát hành cổ phần, F.I.T (HNX: FIT) cũng công bố kết quả kinh doanh quý 2 đột biến, với lãi ròng trong quý và lũy kế 6 tháng cao gấp 15-20 lần cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ FIT có khoản lợi nhuận tăng vọt như vậy chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu tài chính hơn 88 tỷ đồng đồng thời giảm được gánh nặng chi phí lãi vay.

Một cổ phiếu khác là Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) chỉ mới niêm yết trên sàn vào cuối năm 2013 nhưng lãi ròng 6 tháng đầu năm lên gần 110 tỷ đồng và hiện đang đứng ở vị trí thứ 5 trong top doanh nghiệp lãi ròng 6 tháng cao nhất tính đến ngày 22/07. Sở dĩ PVB đạt được kết quả nổi bật như vậy chủ yếu do biên lợi nhuận gộp quý 2/2014 tăng mạnh lên 40% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 14%, là nhân tố chủ yếu khiến lãi ròng quý 2 tăng mạnh đột biến so với các quý trước. Theo đó, tính đến hết tháng 6, với lãi ròng đạt gần 109 tỷ đồng thì PVB đã vượt hơn 24% kế hoạch năm 2014 (87.6 tỷ đồng)

Tăng trưởng vượt bậc, bất động sản thoát bóng đêm?

Theo thống kê của Vietstock, chốt báo cáo được công bố đến ngày 22/07, 45% doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận 6 tháng ghi nhận sự tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trên dưới 42 đơn vị công bố tăng trưởng vượt bậc trên 100%.

Trên sàn HNX, xếp sau tốc độ tăng trưởng của FIT là ba đơn vị xây dựng – bất động sản, gồm Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (HNX: IDV), Sông Đà 10.1 (HNX: SNG) và Xây dựng số 2 (HNX: VC2). Cả ba doanh nghiệp đều có con số lãi ròng trong 6 tháng đầu năm gấp trên dưới 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý 3 (01/04/2014 đến 30/06/2014), lãi ròng của IDV đạt hơn 4.2 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, IDV thu về xấp xỉ 26 tỷ đồng lãi ròng, gấp 3.8 lần cùng kỳ.

Trong quý 2/2014, mặc dù doanh thu sụt giảm mạnh, tuy nhiên nhờ gánh nặng chi phí lãi vay trong kỳ được gỡ bỏ đáng kể nên lãi ròng VC2 ghi nhận hơn 7 tỷ đồng, gần 2.4 lần cùng kỳ năm trước. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm tính riêng cho LNTT là 21.4 tỷ đồng, đã vượt 6% cho kế hoạch cả năm; còn lãi ròng 6 tháng đạt 16.6 tỷ đồng, gấp 4.6 lần cùng kỳ năm trước.

Để ý rằng, trong số 20 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ thì đã có 6 đơn vị thuộc ngành xây dựng – bất động sản.

“Âm dương cách biệt”

Tính đến ngày 22/07, có khoảng 35 đơn vị công bố lỗ trong 6 tháng đầu năm 2014, tương đương gần 12% số doanh nghiệp đã công bố BCTC.

Nổi bật trong đó có những đơn vị có kết quả kinh doanh của kỳ trước và kỳ này nằm trên hai miền “âm dương cách biệt” nhau. Mức chênh lệch giữa “kẻ âm” và “người dương” càng lớn, càng đột biến cũng mang lại ít nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư hiện đang nắm giữ những cổ phiếu này.

Điển hình ở trường hợp này phải nói đến Hữu Liên Á Châu (HOSE: HLA). Trong niên độ tài chính quý 3 (01/04 -30/06/2014) doanh nghiệp này tiếp tục ghi nhận khoản lỗ lên đến 135 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 9 tháng đầu niên độ lên con số gần 413 tỷ đồng. Kết thúc 30/6/2014, vốn chủ sở hữu của HLA âm gần 105 tỷ đồng. Một lượng lớn hàng tồn kho bị ứ đọng, nợ vay lớn (tỷ lệ nợ/tổng tài sản của HLA lên đến 85%) khiến chi phí lãi vay “ăn mòn” dần kết quả kinh doanh của HLA.

Kế đến là trường hợp của Xây lắp Đường ống bể chứa Dầu khi (HOSE: PXT), do kinh doanh dưới giá vốn nên trong quý 2/2014 doanh nghiệp này lỗ đến gần 108 tỷ đồng, quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của PXT âm hơn 123 tỷ đồng, ngày càng cách xa kế hoạch lãi 9 tỷ đồng trong năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2013 Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE) đã ghi nhận lỗ gần 1.2 tỷ đồng. Kết thúc quý 2/2014, tình cảnh của VNE có phần “xát muối” hơn khi lỗ lũy kế lên gần 103 tỷ đồng. Được biết, VNE đã thoái hơn 27.7 triệu cp tại Hồi Xuân Vneco với giá bán 6,165 đồng/cp, thấp hơn giá mua 3,835 đồng/cp, khiến cho tổng lỗ thoái vốn lên tới 106 tỷ đồng. Chính việc thoái vốn này đã khiến chi phí tài chính tăng vọt lên 123 tỷ đồng, gấp 7.4 lần cùng kỳ.

Theo đó, hiện PXT và VNE “tranh nhau” trong Top 3 doanh nghiệp lỗ lũy kế 6 tháng lớn nhất.

Đức Phương

Các tin tức khác

>   VE4: Báo cáo tài chính quý 2/2014 (23/07/2014)

>   PVC: Được chia lợi nhuận 65 tỷ đồng, lãi công ty mẹ quý 2 tăng gấp 12 lần (24/07/2014)

>   VIG: Báo cáo tài chính quý 2/2014 (23/07/2014)

>   SBS: Lãi ròng 6 tháng đạt hơn 22.4 tỷ đồng (24/07/2014)

>   DQC: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2014 (23/07/2014)

>   MCG: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2014 (23/07/2014)

>   IMP: Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm Kế toán trưởng (23/07/2014)

>   BCI: Chọn đơn vị kiểm toán 2014 và tăng vốn góp tại Công ty con (23/07/2014)

>   CTI: Đính chính số liệu trong BCTC KT 2013 (23/07/2014)

>   CCL: BCTC Q2-2014 (23/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật