Hé lộ lý do Gamuda “bỏ cuộc chơi” khu B công viên Yên Sở
“Chi phí giải phóng mặt bằng khu B công viên Yên Sở lên tới 150 triệu USD nên Gamuda không thể tiếp tục ứng trước để thực hiện việc đầu tư dự án này”.
Khu A công viên Yên Sở đã mở cửa phục vụ người dân từ tháng 4/2014
|
Đó là khẳng định của ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Gamuda Land Vietnam khi trả lời VnEconomy về việc tại sao doanh nghiệp này đột ngột ra thông báo dừng xây dựng khu B Công viên Yên Sở - công viên lớn nhất Hà Nội vừa mở cửa hồi tháng 4/2014.
Ông Cheong Ho Kuan cho hay, dự án Gamuda City do tập đoàn Gamuda Berhad, Malaysia đầu tư bao gồm 4 hạng mục chính: công viên Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, khu đô thị Gamuda Gardens và Gamuda Lakes. Trong đó, công viên Yên Sở là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ba hạng mục còn lại là nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Khu đô thị Gamuda Gardens và Gamuda Lakes được xây dựng dưới hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Trong đó dự án công viên Yên Sở khu A - khu công viên văn hoá và công viên truyền thống khởi công từ tháng 1/2009 và đã mở cửa cho người dân sử dụng từ tháng 4/2014.
Riêng khu B công viên, theo văn bản số 140 ngày 8/7/2014 của UBND thành phố Hà Nội, thì Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã đồng ý với đề xuất của nhà đầu tư về việc dừng triển khai.
Bởi lẽ, theo ông Cheong Ho Kuan, để triển khai dự án, việc giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, cụ thể là UBND quận Hoàng Mai và Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai. Nhà đầu tư sẽ ứng trước tiền để thanh toán các chi phí đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ và sẽ được thanh toán số tiền đã ứng trước.
Đối với khu B thuộc dự án Công viên Yên Sở, do những thay đổi về luật đền bù, chi phí giải phóng mặt bằng tăng đột biến từ 20 triệu USD cho cả hai dự án khu A và khu lên đến khoảng 150 triệu USD chỉ riêng cho khu B tại thời điểm hiện tại. Do đó, nhà đầu tư không thể tiếp tục ứng trước chi phí này.
Hiện theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội thì khu B công viên Yên Sở sẽ được triển khai theo hình thức BT.
Tuy nhiên, ông Cheong Ho Kuan cho hay, đối với Gamuda, trong trường hợp chính quyền địa phương thực hiện xong việc đền bù giải phóng mặt bằng cho Khu B, Gamuda vẫn sẽ tiếp tục triển khai đầu tư vào dự án này.
Liên quan đến việc Hà Nội quyết định cho Gamuda được xây thêm hạng mục nhà ở trong khu công viên Yên Sở mới đây khiến dư luận không đồng thuận, Tổng giám đốc Cheong Ho Kuan khẳng định “Gamuda không đề xuất điều chỉnh quy hoạch công viên Yên Sở, mà chúng tôi đề xuất điều chỉnh chức năng sử dụng đất của khu chức năng đô thị, cụ thể là bổ sung thêm chức năng nhà ở thương mại”.
“Chúng tôi khẳng định, công viên Yên Sở với toàn bộ diện tích mặt hồ, cây xanh, đường dạo và các hạng mục công cộng khác vẫn giữ nguyên theo quy hoạch đã được duyệt và không hề bị tác động bởi sự điều chỉnh này”, ông Cheong Ho Kuan nói.
Được biết, dự án xây dựng công viên Yên Sở với diện tích 322,57ha với tổng vốn đầu tư khoảng 850 triệu USD, bao gồm khu A va khu B được phê duyệt từ tháng 12/2007, trong đó khu A là khu công viên văn hóa và công viên truyền thống rộng khoảng 31,6ha và khu chức năng đô thị và phần còn lại của khu công viên cây xanh phía Nam đường Vành đai 3 rộng khoảng 91,2ha. Khu B hiện vẫn chưa triển khai quy hoạch 1/500.
Bảo Anh
vneconomy
|