Giá xăng dầu vẫn cứ “lỗi nhịp”
Với cách tính giá trung bình 30 ngày hiện nay thì giá xăng còn "lỗi nhịp" dài so với thị trường thế giới.
Ngày 18-7 liên bộ Tài chính-Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) xăng dầu chỉ giảm giá dầu, còn giá xăng giữ nguyên. Tức là giá xăng trong nước sẽ vẫn ở ngưỡng cao kỷ lục là 25.640 đồng/lít. Thậm chí, người dân còn phải “gánh” thêm mức sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu từ 500 đồng/lít lên thành 670 đồng/lít để tránh lỗ cho DN. Trong khi thực tế, trên thị trường thế giới giá xăng lại giảm mạnh.
Giá thế giới giảm 3%, giá trong nước vẫn cao chót vót
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ngày 17-7, giá xăng thành phẩm A92 nhập tại thị trường Singapore được giao dịch ở mức 119,37 USD/thùng. Như vậy, so với 10 ngày trước đó, giá xăng thế giới đã giảm gần 3%. Thế nhưng giá xăng trong nước vẫn đứng yên và ở mức cao. Vì sao có sự lỗi nhịp này?
Lý giải về điều này, Bộ Tài chính cho biết: giá xăng thế giới có xu hướng giảm nhưng diễn biến phức tạp, bình quân 30 ngày vẫn ở mức cao. Do vậy để đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đồng thời để góp phần bình ổn giá, việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện hài hòa giữa việc sử dụng quỹ bình ổn giá và điều chỉnh giá bán lẻ phù hợp với mặt bằng giá cơ sở theo chu kỳ tính giá.
Cụ thể, giá bình quân 30 ngày mà Bộ Tài chính nhắc đến đó chính là con số 122,93 USD/thùng. Với mức giá này, DN còn lỗ 174 đồng/lít. Do đó, Bộ Tài chính đã quyết định chỉ giảm giá dầu, còn giá xăng vẫn giữ nguyên và cho phép DN được tăng mức sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu lên thành 670 đồng/lít.
Theo một chuyên gia xăng dầu, nếu xét theo cách tính giá cơ sở như hiện nay thì rõ ràng liên bộ điều hành đúng nguyên tắc. Vấn đề là chúng ta phải xem lại cách tính giá cơ sở.
Cụ thể: “Nếu cách tính giá này không hợp lý khiến giá thị trường trong nước luôn lạc nhịp so với thế giới thì cần phải thay đổi. Cơ quan quản lý nên sửa lại, thay vì tính giá 30 ngày thì rút ngắn xuống còn 10 hoặc 15 ngày để giá xăng trong nước sát với thị trường thế giới hơn” - chuyên gia xăng dầu này nhấn mạnh.
Cách tính giá gây thiệt hại cho dân
Rõ ràng hiện cách tính giá cơ sở là lấy giá bình quân của 30 ngày cộng lại nhưng điều đáng nói là các DN xăng dầu lại không nhập theo mức giá này.
Theo một trưởng phòng kinh doanh xăng dầu của một DN đầu mối, DN này đấu thầu theo từng lô hàng. Ví dụ, tháng 7 thì DN sẽ đấu thầu cho lô hàng của tháng 8. Và cứ như thế, tháng 8 đấu thầu cho lô hàng của tháng 9.
“Khi DN đấu thầu thì chỉ đấu thầu mức cước vận tải và một số chi phí. Còn khi nhận hàng về thì mới biết giá của lô hàng đó. Mức giá sẽ theo giá thế giới công bố thời điểm DN nhận hàng. Có hai công thức để DN lựa chọn với đối tác. Một là tính giá trung bình năm ngày hoặc là tính giá trung bình 11 ngày” - vị trưởng phòng này nói.
Như vậy, ví dụ nếu DN chọn với đối tác cách tính giá năm ngày thì khi DN nhận lô hàng 1.000 tấn vào đúng thời điểm ngày 1-7 thì lô hàng đó sẽ áp giá theo giá thế giới công bố của hai ngày trước và hai ngày sau cộng lại.
“Cách tính 30 ngày hiện nay Nhà nước đang áp dụng là do tính theo chu kỳ dự trữ của DN. Tuy nhiên, 30 ngày đó không phản ánh được thực tế mức giá DN nhập. Ví dụ, giá của tuần qua đang giảm nhưng giá 30 ngày lại cao thì DN không phải giảm giá. Và ngược lại cũng có trường hợp giá bảy ngày tăng cao nhưng giá 30 ngày thấp nên DN cũng không thể tăng giá. Như vậy, cách tính 30 ngày không có trùng khớp với giá thực tế DN nhập” - vị trưởng phòng này cho biết.
Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, rõ ràng khi Nhà nước đang điều hành giá xăng theo một giá “giả định”, không phải giá thực tế mà các DN nhập thì không thể coi là giá thị trường.
“Không ai đi lấy cách tính giá của 30 ngày quá khứ để tính giá cho hiện tại. Từ đây, Nhà nước cần có lộ trình rõ ràng để trả giá xăng về đúng với thị trường thuần túy. Nếu không dư luận còn bức xúc dài về việc trong nước cao còn thế giới thì giảm” - TS Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Rút ngắn còn 15 ngày
Mới đây, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 84 về quản lý và kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất rút ngắn cách tính giá cơ sở từ 30 ngày xuống còn 15 ngày. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia xăng dầu, việc tính trung bình giá vẫn chỉ là một cách tính “hành chính”, chưa giải quyết triệt để vấn đề thị trường xăng dầu đang gặp.
“Nếu tính giá bình quân 15 ngày thì mới chỉ giúp giá xăng trong nước tiệm cận hơn với thị trường thế giới” - một trưởng phòng kinh doanh xăng dầu nói.
Từ đây, về lâu dài nhiều người vẫn mong muốn xăng dầu sẽ được trả về thị trường đúng nghĩa. Để làm được điều đó, Nhà nước cần có lộ trình và giám sát được DN độc quyền.
|
Mai Phương
Pháp luật TPHCM
|