Fed sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng thế giới tiếp theo?
Vào khoảng cuối năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II bắt đầu lan rộng. Bắt nguồn từ sự suy thoái của thị trường bất động sản Mỹ, cuộc khủng hoảng lan sang thị trường tài chính và rồi biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Để cứu vãn nền kinh tế đứng đầu thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ tháng 11/2008 đã phải liên tục tung ra các gói kích thích. Và từ tháng 9/2012, Fed đã thực hiện chương trình mua lại trái phiếu để mỗi tháng bơm 85 tỷ USD vào nền kinh tế. Lãi suất cũng được duy trì ở mức thấp kỷ lục gần 0% nhiều năm nay. Nhìn vào những gì đã và đang diễn ra ở nền kinh tế Mỹ, kinh tế gia Stephen Roach đang cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kế tiếp mà chính Fed là người bóp cò.
Ông Stephen Roach, giảng viên của Đại học Yale, cựu Chủ tịch Morgan Stanley Asia và là một chuyên gia kỳ cựu về thị trường cảnh báo rằng với mức lãi suất siêu thấp thuộc dạng “cực kỳ nới lỏng” và chương trình mua trái phiếu của Fed có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mới.
Ông Stephen Roach nhận định trên CNBC rằng: “Việc kích thích tiền tệ, đến mức phớt lờ những căng thẳng liên quan đến sự bình ổn của hệ thống tài chính và ý nghĩa đối với các thị trường tài sản và thị trường tín dụng, là những điều cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc”.
Tính tới ngày thứ Tư (25/06), bảng cân đối của ngân hàng trung ương Mỹ đạt mức 4.33 ngàn tỷ USD, tăng gần 0.9 ngàn tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Bảng cân đối này liên tục phình to kể từ khi chương trình mua trái phiếu được tung ra nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007/2008.
Năm 2013, Fed đã thực hiện mua 85 tỷ USD chứng khoán thế chấp và trái phiếu kho bạc mỗi tháng trước khi tiến hành cắt giảm dần. Sau 5 lần cắt giảm liên tiếp thì đến tháng 7 này, mỗi tháng Fed chỉ còn mua vào 35 tỷ USD tài sản.
Ông Roach cho rằng: “Hiện nay chúng ta đang ở một cự ly tương tự như so với thời điểm đen tối nhất của các sự kiện sau vụ Lehman Brothers nên chúng ta cần phải nghĩ đến một cuộc khủng hoảng nữa”.
“Một khi Fed vẫn duy trì bảng cân đối trong phạm vi khá nới lỏng từ 4.25 ngàn tỷ USD đến 4.5 ngàn tỷ USD, thì đó sẽ là lý do hợp lý để chúng ta đặt câu hỏi liên quan đến cam kết bình ổn tài chính của Fed và đó cũng là lý do chính đáng để chúng ta tin rằng, trong một ngày không xa, chính chúng ta lại lâm vào mớ hỗn độn khác”.
Những lo ngại của ông Roach đã lặp lại mối lo của tỷ phú Mỹ Wilbur Ross, người từng lên tiếng cảnh báo rằng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn đã tạo ra bong bóng nợ công “căng cứng”.
Hồi đầu tuần trước (23/06), ông cũng bày tỏ trên CNBC rằng: “Khi nhìn lại cách đây vài năm, đôi lúc tôi cảm nhận rằng cái bong bóng căng cứng đó sẽ là món nợ công khủng đối với cả Mỹ và các nước khác bởi vì hướng đi của nó thấp hơn nhiều so với bất kỳ sự đảo chiều nào có ý nghĩa đối với lãi suất”.
Tuy những nhận định trên có phần không mấy lạc quan cho nền kinh tế Mỹ nhưng trong tuần đầu của tháng 7, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn được kỳ vọng sẽ nhận được những dữ liệu khả quan có tác dụng thúc đẩy đà tăng trưởng. Các dữ liệu từ sản xuất đến thị trường việc làm hay thâm hụt mậu dịch đều được dự báo đạt kết quả tốt hơn do với dự báo.
Đỗ Thảo (Theo CNBC, Bloomberg)
|