Đường ống dở chứng lần 9: Hà Nội "dọa" thay Vinaconex
Đường ống dẫn nước sạch sông Đà lại gặp sự cố tại km25, gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long (Thạch Thất, Hà Nội) khiến 70.000 hộ dân mất nước sinh hoạt.
Tiếp tục gặp sự cố
Khoảng 10h sáng 10/7, đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Thủ đô lại gặp sự cố tại km 25, gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) khiến 70.000 hộ dân mất nước sinh hoạt.
Thông tin trên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex - VCG cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo đường ống gặp sự cố, chúng tôi đã ngừng cung cấp nước và có thông báo tới khách hàng. Hiện tại, chúng tôi đang huy động khoảng 150 kỹ sư, máy cẩu xuống hiện trường khắc phục sự cố - ông Tốn nói.
“Hiện tại chưa thể xác định được đường ống bị rò rỉ hay bị vỡ, bởi đường ống nằm dưới lòng đất. Do vậy, phải chờ đến khi công nhân đào đất ở quanh khu vực đường ống ra mới biết chính xác.
Trong trường hợp đường ống bị rò rỉ ở đoạn đầu nối, chúng tôi sẽ khắc phục được ngay. Còn nếu đường ống vỡ, công nhân sẽ ép cọc sắt xung quanh và thay thế đường ống mới. Về thời gian khắc phục sự cố, chắc chắn sẽ phải mất vài tiếng, thậm chí nhiều hơn”, ông Tốn nói.
Sự cố gần đây nhất là chiều 17/6, cũng tại vị trí km 25 gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, đường ống nước sạch sông Đà về Thủ đô bị vỡ, khiến nhiều hộ dân mất nước sinh hoạt.
Như vậy tính theo báo cáo trước đó về tuyến ống truyền tải nhà máy nước Sông Đà, Vinaconex từng thừa nhận kể từ tháng 12/2012 đến tháng 4/2014 đã 7 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống nước (Lần 1 ngày 3/2/2012, lần 2 ngày 04/2/2012, lần 3 ngày 21/3/2013, lần 4 ngày 21/11/2013, lần 5 ngày 16/12/2013, lần 6 ngày 1/4/2014, lần 7 ngày 26/4/2014) thì sự việc hôm qua là lần thứ 9 đường ống dẫn nước này gặp sự cố.
Sự cố đường ống nước liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai....
Ông Nguyễn Văn Tốn từng tiết lộ "chất liệu và công nghệ của tuyến đường ống truyền tải từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội, là cốt sợi thủy tinh, công nghệ chế tạo do tổng công ty Vinaconex đưa từ Trung Quốc về".
Trong khi trước đó, Trung Quốc đã có cảnh báo về hệ thống nước không an toàn, chứa đầy mầm bệnh nguy hiểm, trong khi đó có khoảng 70.000 hộ dân tại các quận thuộc Hà Nội đang sử dụng nguồn nước từ công nghệ Trung Quốc.
Hà Nội sẽ tìm nhà đầu tư khác Vinaconex?
Cũng trong ngày hôm qua (10/7), trả lời chất vấn trước HĐND Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nếu Vinaconex không đủ năng lực, thành phố sẽ tìm nhà đầu tư khác.
Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đường ống nước sông Đà là công trình hết sức quan trọng nhưng như ông Nguyễn Quốc Hùng giải trình, là công trình của Bộ Xây dựng nên lâu nay thành phố chưa phối hợp đúng mức trong kiểm tra, giám sát các khâu từ thiết kế đến thi công.
"Sau các sự cố vỡ đường ống, thành phố đã yêu cầu Vinaconex có lực lượng trực sẵn sàng sửa chữa khắc phục trong vòng 24 giờ, Sở Xây dựng và các công ty nước sạch kịp thời điều phối các nguồn cấp nước khác, khai thác thêm nước ngầm, điều tiết chung cả thành phố, thông báo cho người dân chuẩn bị tinh thần và triển khai cấp nước bằng xe téc", ông Hùng nói
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng: Nếu Vinaconex không đủ năng lực, thành phố sẽ tìm nhà đầu tư khác
|
Giải pháp lâu dài mà Phó Chủ tịch báo cáo là trong giai đoạn 2 của dự án, đường ống dẫn nước sẽ được ưu tiên: Thành phố đang huy động vốn từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và xã hội hóa để đầu tư cho đường ống, trước mắt là 10km hay bị vỡ, sau đó là hoàn thành số đường ống còn lại vào đầu năm sau.
Trước đó, sau sự cố diễn ra vào ngày 17/6, đại diện Bộ Xây dựng ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cũng từng cho biết, Vinaconex phải chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng vì sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà.
Đồng thời yêu cầu Tổng công ty Vinaconex phải nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn cấp nước sạch giai đoạn II trong thời gian nhanh nhất có thể để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng và phát triển đô thị.
Tâm An
đất việt
|