Doanh nghiệp thép trở lại?
Nhóm cổ phiếu ngành sản xuất và kinh doanh thép đang phục hồi. Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn không đánh giá cao tiềm năng của nhóm này vì thị trường vẫn chưa thực sự ủng hộ.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 6/2014 đạt 376.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ nhưng giảm gần 10,5% so với tháng 5/2014. Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt xấp xỉ 2,4 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2013.
Nếu tính thêm các sản phẩm khác như thép tấm, tôn mạ, ống thép thì lượng tiêu thụ thép trong nửa đầu năm ước đạt trên 5 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Theo quan sát của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS), chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành thép chỉ tăng 8,8%, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Bức tranh chung cho thấy mảng thép xây dựng cải thiện nhẹ trong khi các mặt hàng như ống thép, tôn mạ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan. Các nhà sản xuất thép xây dựng vẫn duy trì giá bán ổn định, chỉ có các đại lý thực hiện tăng giá bán lẻ do chi phí vận chuyển tăng cao.
Với sự phục hồi về giá, nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng vào sự phục hồi của cổ phiếu nhóm ngành này, đặc biệt là 2 doanh nghiệp đầu ngành đã thể hiện hiệu quả kinh doanh rõ rệt so với các doanh nghiệp khác là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Cụ thể, HPG đã sử dụng công nghệ lò cao giúp tiết kiệm chi phí so với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò điện để sản xuất thép. Trong khi đó, HSG là công ty đi đầu trong việc đầu tư dây chuyền cán nguội, giảm được chi phí nhập khẩu so với các doanh nghiệp nhập khẩu thép cán nguội trực tiếp.
Cũng theo VSA, cung cầu ngành thép vẫn đang mất cân đối và các nhà máy thép trong nước chỉ chạy khoảng 40 - 60% công suất. Tuy nhiên, HPG và HSG cho biết, dây chuyền sản xuất đều chạy gần như tối đa công suất khả dụng.
Về mặt tiêu thụ, trong 5 tháng đầu năm, HPG đã vươn lên dẫn đầu thị phần thép xây dựng với thị phần chiếm 18%, trong khi đó, HSG nổi trội với mảng ống thép và tôn mạ với thị phần lần lượt là 20,1% và 38,1%, vượt khá xa các đối thủ cạnh tranh còn lại.
Dựa trên cơ sở đó, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đặt ra triển vọng lợi nhuận đối với cổ phiếu ngành thép. Thậm chí, trong báo cáo của mình, Rồng Việt đưa ra kỳ vọng đối với HPG là đơn vị này tiếp tục tăng trưởng trong năm 2014 với doanh thu và lợi nhuận ước tính lần lượt đạt 24.850 tỷ đồng (+31% so với cùng kỳ) và 2.514 tỷ đồng (+29% so với cùng kỳ). Trong khi đó, HSG có thể ghi nhận doanh thu khả quan khoảng 14.044 tỷ đồng (+19% so với cùng kỳ) và lợi nhuận đạt 416 tỷ đồng.
Con số là vậy, song đối với một số chuyên gia, những yếu tố kỳ vọng trên chỉ có thể mang tính tương đối vì trên thực tế, năm 2014 tiếp tục là năm mà ngành thép chịu ảnh hưởng lớn từ sự điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Các dự án công từ trung ương đến địa phương đều bị cắt giảm đầu tư hoặc dừng lại. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản kém. Tất cả những điều này khiến đầu ra của ngành thép gặp rất nhiều khó khăn. Về giá, do niềm tin nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục và lo ngại giá tăng (giá đầu vào tăng mạnh, điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước), giá thép vì đó mà biến động nhẹ.
Hơn thế, công cuộc tái cơ cấu kinh tế đang được vận hành, trong đó đầu tư công sẽ tiếp tục được thắt chặt. Mặt bằng lãi suất tuy đã giảm, song vẫn còn cao. Trong khi đó lực cầu vẫn chưa hồi phục, lượng cung vẫn dư thừa nên tình trạng sốt giá sẽ không xảy ra.
Điểm mấu chốt là trên thế giới, những nước có nhu cầu nhập khẩu thép lớn như Mỹ và Tây Âu đang có xu hướng giảm, khiến cho lượng thép của các nước xuất khẩu (Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) dư thừa, giá thép thế giới cũng vì vậy mà khó có khả năng tăng cao.
Nguyên liệu đầu vào cho ngành thép như quặng sắt, than mỡ, than cốc, thép phế, phôi thép... cũng sẽ không biến động mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, những khó khăn của năm 2013 dự kiến vẫn tiếp diễn trong năm nay, do vậy ngành thép năm 2014 được đánh giá với triển vọng không mấy khả quan.
Thế nên, tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn ở hai quý cuối năm và nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận để đẩy nhanh tiêu thụ bằng cách hạ giá bán. Điều này cho thấy doanh nghiệp ngành thép sẽ không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Sự khó khăn này đã thể hiện rõ trên các sàn giao dịch. Tất cả 13 mã ngành thép (BVG, VGS, HLA, NVC, POM, VIS, KKC, SMC, HSG, KMT, HMC, DTL và DNY) vừa qua đều rớt giá thảm hại, cá biệt có mã mất hơn 80%. Trong nhóm này, số lượng mã rớt dưới mệnh giá cũng khá nhiều, tỷ lệ là 10/13.
Hà Linh
doanh nhân sài gòn
|