Thứ Hai, 28/07/2014 11:00

Điểm doanh nghiệp niêm yết “hút chết” nhờ những cái khác

Mùa báo cáo tài chính quý 2/2014 đã đi qua hơn một nửa chặng đường, bức tranh nền kinh tế thực sự đã sáng hơn với những con số lãi ròng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cũng đáng lưu ý về nhóm doanh nghiệp nhận được kết quả khả quan nhờ hoạt động khác chứ không phải hoạt động kinh doanh chính.

* Ngành thép: Đón đầu kết quả kinh doanh quý 2 tích cực?

Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 28/07, toàn thị trường có gần 400 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 2/2014; trong đó chỉ có 12% doanh nghiệp báo lỗ với 3 khoản lỗ lớn nhất trên trăm tỷ thuộc về HLA, PXT, VNE và 88% còn lại báo lãi.

Soi nguồn thu của doanh nghiệp có lãi trên toàn thị trường nhận thấy có 18 trường hợp thoát lỗ ấn tượng nhờ lợi nhuận đem về từ hoạt động khác, những cái tên điển hình có thể kể đến là GTT, TBX, THS, DXV, PTM, HAX….

Những doanh nghiệp thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác
HAX, SD1: Báo cáo tài chính công ty mẹ

Điệp khúc “sống” bởi lợi nhuận khác

Lợi nhuận khác là khoản thu không thuộc hoạt động kinh doanh chính, có thể nói đó là khoản thu khá bất thường và lâu lâu doanh nghiệp mới có cơ may hưởng lợi từ nó. Thế nhưng, đối với Thuận Thảo (HOSE: GTT) đây dường như là khoản thu xuất hiện thường xuyên và còn là “cứu tinh” giúp thoát lỗ trong giai đoạn 2008 đến 2013.

Kết quả kinh doanh từ 2008 – 2013 của Thuận Thảo
Nguồn: VietstockFinance
Đvt: Triệu đồng

Cụ thể, từ năm 2008 đến nay khoản lợi nhuận khác luôn đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận cuối cùng của GTT, thậm chí các năm 2008, 2009, 2011 và 2013 doanh nghiệp thoát lỗ nặng nhờ các khoản lợi nhuận khác khủng được ghi nhận trong năm. Theo thông tin từ thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán, khoản lợi nhuận khác qua các năm xuất phát từ thanh lý tài sản cố định, thanh lý xe và đặc biệt có cả nợ không phải trả…

Trong quý vừa qua GTT kinh doanh dưới giá vốn làm cho lợi nhuận gộp âm 422 triệu đồng. Song cũng nhờ khoản lợi nhuận khác lên đến 15.7 tỷ đồng mà GTT bù đắp được tất cả các chi phí và đem về khoản lãi ròng 1.1 tỷ đồng.

Hay Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) kể từ khi tiến hành thanh lý cây cao su vào một năm trước, doanh nghiệp luôn có khoản lợi nhuận khác mỗi quý khá ổn định khoảng 30 tỷ đồng, chiếm một phần không nhỏ và góp phần cải thiện lãi ròng trong bối cảnh giá cao su ngày càng đi xuống.

Qua quý 2/2014, lần đầu tiên kể từ khi niêm yết HRC bị lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh với 700 triệu đồng. Chính hoạt động khác (chủ yếu là thanh lý cây cao su) đã giúp doanh nghiệp thoát lỗ và đem về lợi nhuận 10.6 tỷ đồng, giảm phân nửa so với cùng kỳ năm 2013. Điều cần lưu ý là khoản lợi nhuận khác cũng đã giảm hơn một nửa so với các quý trước.

Thu ròng khác khủng, lãi tăng gấp chục lần

Ngược với Thuận Thảo, lợi nhuận khác của Ắc quy tia sáng (HNX: TSB) vốn rất èo uột, chỉ khoảng vài chục triệu đồng mỗi quý. Tuy nhiên, quý 2/2014, TSB đột nhiên có khoản lợi nhuận khác khủng lên đến 25.6 tỷ đồng. Con số khủng này mang ý nghĩa rất đặc biệt không chỉ bởi nhờ nó mà lãi ròng trong quý tăng vọt lên 21 tỷ đồng, tăng gấp 55 lần so với cùng kỳ năm trước mà còn lập kỷ lục lãi đậm trong nhiều quý trở lại đây. Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 đến nay, lợi nhuận sau thuế của TSB trong mỗi quý tạo ra chỉ khoảng vài tỷ đồng, thậm chí nhiều quý liên tục lỗ.

Như vậy, với khoản thu bất thường lớn trên, chỉ trong 6 tháng đầu năm TSB đã thực hiện vượt gấp 10 lần kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2014 (2.6 tỷ đồng), song về doanh thu thuần thì mới đi được 44% chặng đường.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, vào cuối tháng 4, TSB đã hoàn tất bán khách sạn Hóa chất Đồ Sơn và đem về khoản thu 28.7 tỷ đồng, sau khi nộp nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước và trừ các chi phí thanh lý tài sản thì thu ròng là 20.1 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc xác suất để TSB lặp lại kỳ tích kết quả kinh doanh đột biến trong quý tiếp theo là rất thấp, chưa tính đến khả năng doanh nghiệp bị hụt một nguồn thu do không còn được khai thác khách sạn Hóa chất Đồ Sơn.

Tương tự, trong quý 2/2014, mặc dù Sông Đà 1 (HNX: SD1) có doanh thu tăng trưởng 26% và đạt 21.4 tỷ đồng nhưng cũng không bù đắp nổi các chi phí và bị lỗ thuần hoạt động kinh doanh gần 4 tỷ đồng. Nhờ có “cứu tinh” lợi nhuận khác lên đến 20.1 tỷ đồng đã giúp cho doanh nghiệp thoát lỗ và đem lại khoản lợi nhuận 16 tỷ đồng, lớn nhất từ năm 2010 đến nay.

Ngoài ra, TBX, PTM, VCM, TC6, HAX cũng nhờ hoạt động khác mà có lợi nhuận trong khi cùng kỳ năm trước báo lỗ.

Kết lại, tuy khoản lợi nhuận khác không đến từ hoạt động kinh doanh chính và mang tính không bền vững nhưng những giá trị mang lại là điều không thể phủ nhận. Trước hết, đây là khoản thu giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp, giúp các con số trong báo cáo trở nên “đẹp” hơn; thứ hai nếu khoản lợi nhuận khác xuất phát từ thanh lý tài sản như HRC và TSB thì sẽ góp phần giải quyết sự bế tắc trong dòng tiền cho doanh nghiệp. Và đối với những doanh nghiệp “sống” nhờ lợi nhuận khác như trên, nhà đầu tư cần cân nhắc nhiều khía cạnh để đưa ra quyết định.

Mỹ Hà

Các tin tức khác

>   Danh tính "đại gia" bán nhà nhưng không làm sổ đỏ (28/07/2014)

>   PJC: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2014 (28/07/2014)

>   SJ1: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2014 (28/07/2014)

>   STP: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2014 (28/07/2014)

>   RDP: Ký hợp đồng với công ty kiểm toán BCTC năm 2014 (28/07/2014)

>   TKU: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2014 (28/07/2014)

>   BTW: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2014 (28/07/2014)

>   QNC: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2014 (28/07/2014)

>   SHN: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2014 (28/07/2014)

>   B82: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2014 (28/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật