Các ngành kinh tế đang vận hành trơn tru hơn
Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn GS.TS Đặng Đình Đào, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) vê tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2014.
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu GDP 6 tháng đầu năm 2014, theo đó GDP tăng 5,18% so với cùng kì năm trước. Ông đánh giá gì về mức tăng trưởng này, thưa ông?
Theo dõi số liệu được Tổng cục Thống kê công bố thì thấy, các lĩnh vực, các ngành nghề đang vận hành trơn tru, thuận lợi hơn trước. Các khu vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tôi thấy đều có mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Chẳng hạn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, cao hơn mức 2,07% của cùng kỳ năm 2013; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, cao hơn mức 5,18% của 6 tháng đầu năm 2013; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, cao hơn mức 5,92% của cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, số liệu về công nghiệp chế biến chế tạo cũng cho thấy kinh tế đang tốt dần lên. Trong mức tăng chung toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm nay, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,8% (quý I tăng 7,4%, quý II tăng 8,3%), cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2013. Đây là những dấu hiệu tích cực, toàn diện về tăng trưởng của nền kinh tế.
Cho nên mức tăng trưởng GDP 5,18% trong 6 tháng đầu năm 2014 là khả dĩ và chấp nhận được. Theo tôi, để GDP thực sự cải thiện mạnh mẽ, ngoài việc tái cơ cấu nền kinh tế, Nhà nước cần phải đẩy mạnh hoạt động logistics, cơ sở hạ tầng để thúc đẩy đầu ra, thúc đẩy tiêu thụ, thúc đẩy các ngành phát triển. Vừa rồi các bộ ngành như Bộ Giao thông vận tải đã có sự khởi động khá tốt về phát triển dịch vụ logsitics. Nếu phát triển tốt dịch vụ logistics, ngành nông nghiệp sẽ không còn cảnh hàng hóa bán ra với giá rẻ mạt, và người nông dân tránh được bất lợi "được mùa mất giá, được giá thì mất mùa".
Theo ông, từ nay đến cuối năm thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng GDP là gì?
Thách thức lớn nhất từ nay đến cuối năm là giải quyết thị trường, đầu ra cho hàng hóa Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng qua, ngoại trừ 2 tháng đầu năm thị trường bán lẻ hàng hóa có sức mua tích cực, các tháng còn lại hàng hóa tiêu thụ ở mức thấp. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước tính đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 1,7% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nên người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. Ngoài ra, tác động của tình hình biển Đông cũng sẽ làm ảnh hưởng tới thị trường XK sang Trung Quốc. Do đó, XNK cũng sẽ bị tác động không nhỏ. Nếu không đạt được mục tiêu XK, tăng trưởng GDP sẽ bị hạn chế. Gần đây, các ngành, các địa phương đã tính đến việc chuyển hưởng thị trường. Nếu thực hiện được điều này, sẽ là rất tốt. Nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam rất cần, trong quan hệ thương mại, cần quán triệt phương châm hai bên đều có lợi. Nếu theo tình hình kinh tế hiện nay, tăng trưởng cuối năm sẽ không phải lo lắng nhiều lắm.
Cùng với tín hiệu tích cực từ tăng trưởng GDP thì lạm phát 6 tháng đầu năm mới tăng 1,38% thấp hơn cùng kỳ 2013 và 2012. Theo ông, đây có phải là tín hiệu đáng mừng?
Việc kiềm chế lạm phát trong 6 tháng đầu năm ở mức thấp đã góp phần ổn định được tình hình vĩ mô, củng cố niềm tin của thị trường, thúc đẩy sản xuất. Đây rõ ràng là yếu tố tích cực. Trong 6 tháng cuối năm giá cả có thể nhích lên do càng về cuối năm nhu cầu tiêu dùng của người dân, DN càng lớn. Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biễn tình hình lạm phát và sức mua trên thị trường trong 6 tháng đầu năm này, có thể thấy lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, đạt mục tiêu đề ra là "kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lí".
Một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế hiện nay là tái cơ cấu. Vậy theo ông, trong 6 tháng đầu năm này, công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đã được thể hiện rõ rệt hay chưa?
Tái cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm đã được Chính phủ chỉ đạo khá quyết liệt, đặc biệt là vấn đề cổ phần hóa DNNN. Chính phủ đã đặt ra giới hạn về thời gian rất rõ ràng để tránh tình trạng trì hoãn hơn nữa công cuộc cổ phần hóa DNNN - một chủ trương rất đúng đắn. Nhưng tôi cảm tưởng có thể một thời gian dài công cuộc tái cơ cấu chưa được đẩy mạnh, nên hiện nay có sự vội vàng. Tái cơ cấu chủ yếu là chuyển DNNN sang cổ phần hóa, nếu khâu này không được giám sát tốt, thì nảy sinh vấn đề đánh giá tài sản giá trị DN có chính xác khách quan không. Một lượng tài sản rất lớn của Nhà nước nằm ở các DNNN, nên cổ phần hóa mà đánh giá DN không cẩn thận, chính xác và khách quan sẽ làm cho định giá không đúng giá trị thực của DN, bởi vì nó bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình, nhất là khối lượng lớn cơ sở vật chất. Tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng hay lĩnh vực đầu tư công cũng đang được thúc đẩy triển khai, song đây là nhiệm vụ không phải ngày một ngày hai có thể hoàn thành, phải kiên trì.
Xin cảm ơn ông!
Lương Bằng (thực hiện)
hải quan
|