Ban hành Nghị định PPP trong quý 3/2014
Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đang dần được hoàn thiện và dự kiến ban hành trong quý 3/2014.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu nói tại buổi Đối thoại cấp cao lần thứ hai về hợp tác công-tư tại Việt Nam được Bộ KHĐT cùng Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tổ chức sáng 16/7 tại Hà Nội.
Tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết các lĩnh vực thực hiện PPP thuộc nhiệm vụ Nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho xã hội. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, Nhà nước cần thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức hợp đồng PPP.
Trong dự thảo lần này có quy định 7 loại hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức PPP gồm: Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT); xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO); xây dựng – chuyển giao (BT); xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO); kinh doanh – quản lý (O&M); xây dựng – chuyển giao – cung cấp dịch vụ (BTL); thiết kế - xây dựng – kinh doanh (DBO).
Ngoài ra, ban soạn thảo cũng đang nghiên cứu đưa những hình thức hợp đồng mới vào nghị định nhằm đa dạng hóa cách thức đầu tư, thực hiện dự án.
Bên lề buổi đối thoại, ông Lê Văn Tăng cho biết, dự thảo nghị định không hạn chế doanh nghiệp nhà nước tham gia các dự án PPP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước chỉ tham gia các dự án PPP trong lĩnh vực kinh doanh chính của mình, không được đầu tư tràn lan.
Ông Tăng cũng cho rằng, sự hỗ trợ đầy đủ của Nhà nước thông qua hỗ trợ vốn (VGF) hay bảo lãnh doanh thu tối thiểu là cần thiết nhưng không áp dụng với tất cả các dự án. Có những dự án không cần hỗ trợ, nhà đầu tư vẫn tham gia bởi rủi ro thấp và lợi nhuận dự kiến được.
Tuy vậy, có những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có thời gian hoàn vốn lên tới 60 năm hay lâu hơn thì tính khả thi và hấp dẫn là không cao. Do đó, dự thảo bỏ mức trần hỗ trợ vốn 30% mà thay bằng một cơ chế linh động, phù hợp với từng dự án cụ thể.
Ông Hiroshi Wanatabe, Tổng giám đốc JBIC, nhà tài trợ nhiều dự án PPP cũng nêu một số vấn đề liên quan đến khả năng vay vốn của doanh nghiệp. Ông mong muốn Nghị định lần này sẽ có những quy định cụ thể hơn về phần hỗ trợ vốn của Nhà nước, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, rủi ro chuyển đổi ngoại tệ và việc áp dụng khung pháp lý phù hợp.
Để thực hiện nhanh chóng và hiệu quả PPP, ông bày tỏ mong muốn việc lựa chọn và đánh giá nhà đầu tư cần được minh bạch và rõ ràng.
Ngoài ra, để tránh tình trạng phải “gõ” nhiều cửa mới thực hiện xong các thủ tục đầu tư cần thiết, Ban Chỉ đạo cần thực hiện như một đầu mối một cửa và điều phối các cơ quan chính phủ có liên quan.
Dự thảo mới được kì vọng sẽ giải quyết được một số vấn đề then chốt trong hợp tác công-tư. Sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PPP tại Việt Nam sẽ tạo môi trường thuận lợi phát triển các dự án PPP đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Công Việt
chính phủ
|