4 rủi ro nhà đầu tư cần lưu ý về thị trường mới nổi
Các thị trường mới nổi đã hồi sinh trở lại trong năm nay nhưng nhà đầu tư cần thận trọng để không phải rơi vào tình trạng tăng trưởng quá nóng dẫn đến sụp đổ trong nửa cuối năm.
Chỉ số MSCI Thị trường mới nổi đã tăng 6% so với thời điểm đầu năm và chạm mức cao nhất trong hơn một năm. Thậm chí thị trường chứng khoán (TTCK) của một số quốc gia còn đạt được đà tăng trưởng mạnh hơn, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia cùng tăng 14% trong khi Ấn Độ nhảy vọt 22%.
Dưới đây là 4 rủi ro lớn mà nhà đầu tư cần phải hết sức chú ý trong quãng thời gian còn lại của năm nay.
1. Fed thắt chặt tiền tệ: Các thị trường mới nổi đã “bị cảm lạnh” vào cuối năm ngoái do lo sợ dòng vốn đầu tư sẽ quay về với các tài sản của Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu hồi dòng tiền rẻ.
Dù vậy, chiến lược chậm mà chắc của Chủ tịch Fed Janet Yellen đã phần nào trấn an tâm lý nhà đầu tư trong năm nay, nhận định của chuyên viên phân tích tiền tệ cấp cao Angus Campbell của FxPro tại London.
Thế nhưng, ông cho biết việc quản lý dòng vốn rút ra là một yếu tố quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn diện tại các thị trường mới nổi”.
Dòng tiền rẻ của ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ lợi suất trái phiếu Chính phủ ở mức thấp trong nhiều năm và khuyến khích nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất từ các kênh rủi ro hơn như cổ phiếu và tài sản của các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, chương trình mua trái phiếu của Fed có thể kết thúc trong các tháng còn lại của năm nay và nhà đầu tư sẽ theo dõi để tìm kiếm manh mối về lịch trình nâng lãi suất của Mỹ. Nhà đầu tư đã bán ra trái phiếu kho bạc và khiến lợi suất tăng cao sau khi bản báo cáo việc làm khả quan của tháng 6 cho thấy nền kinh tế đang tăng tốc sau kết quả ảm đạm trong 3 tháng đầu năm.
2. Rủi ro chính trị: Tại các nền kinh tế đang phát triển lớn như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, đã và sẽ diễn ra một số cuộc bầu cử quan trọng.
Theo đó, cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia vừa diễn ra hôm 09/07. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy ứng cử viên ủng hộ doanh nghiệp – Joko Widodo (còn gọi là Jokowi) – đang đối mặt với một cuộc tranh cử sát nút. Sự thất bại của ông Jokowi thất bại có thể châm ngòi cho làn sóng bán tháo mạnh của nhà đầu tư.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan có thể giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 10/08 tới. Trước đó, sự đối đầu của ông Erdogan với những người biểu tình chống Chính phủ đã khiến các thị trường hoảng sợ. Được biết, ông Erdogan là người nổi tiếng với việc can thiệp vào các quyết định của ngân hàng trung ương nước này.
Cuộc bầu cử Tổng thống của Brazil vào tháng 10 tới cũng đang khiến nhà đầu tư thận trọng. Theo kỳ vọng, bà Dilma Rousseff có thể giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai nhưng các nhà kinh tế cảnh báo số phận của bà sẽ phụ thuộc vào kết quả của đội tuyển Brazil tại World Cup. Nếu Brazil thua thì việc này có thể thổi bùng ngọn lửa giận dữ về chi phí khổng lồ cho giải đấu này.
3. Bất ổn kinh tế: Những khó khăn dai dẳng của nền kinh tế, chẳng hạn như tăng trưởng chậm, lạm phát cao và sự phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể trở thành nỗi ám ảnh đối với một số thị trường mới nổi trong các tháng tới.
Năm ngoái, Morgan Stanley đã sử dụng thuật ngữ “Fragile Five” để chỉ Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi vì những quốc gia này đang đối mặt với nhiều rủi ro tương tự nhau. Kể từ thời điểm đó đến nay, tình hình tại 5 quốc gia này vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Dù vậy, triển vọng kinh tế Ấn Độ đã và đang trên đà cải thiện sau khi Thủ tướng Narendra Modi thắng cử nhờ cam kết cải cách. Hiện nhà đầu tư đang dõi theo động thái của Thủ tướng mới khi ngân sách đầu tiên của ông được công bố vào ngày 10/07.
Bên cạnh đó, một rủi ro nữa mà các thị trường mới nổi đang phải đối mặt là sự phụ thuộc ngày càng cao vào nguồn tín dụng tại các quốc gia như Trung Quốc, Brazil và Thái Lan. Còn nhớ, sự hạ nhiệt của thị trường bất động sản Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu đến các nhà xuất khẩu hàng hóa tại Mỹ Latinh và một số khu vực của châu Phi.
4. Giá dầu leo thang: Dường như nhà đầu tư đã bớt lo lắng về cuộc khủng hoảng kéo dài tại Iraq. Được biết, giá dầu tích tắc trong mạnh trong tháng 6 vừa qua khi phiến quân Hồi giáo cực đoan tiến vào miền Bắc Iraq nhưng sau đó nhiên liệu này đã sụt giảm mạnh trở lại, một phần do thông tin Libya có thể tái xuất khẩu dầu mỏ.
Bất kỳ sự gián đoạn nghiêm trọng nào đến hoạt động xuất khẩu dầu từ Iraq, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng sẽ khiến giá dầu thế giới tăng mạnh và tác động không tốt đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Craig Botham, một chuyên viên kinh tế về thị trường mới nổi tại Schroders cho biết các thị trường mới nổi phụ thuộc nhiều vào hoạt động nhập khẩu dầu, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, sẽ chịu tác động mạnh nhất.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|