Thứ Ba, 17/06/2014 20:50

Thế giới Di động sẽ niêm yết gần 63 triệu cp trên HOSE với giá 85,000 đồng/cp

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) dự kiến niêm yết gần 63 triệu cp trên Sàn giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) với mức giá giao dịch đầu tiên 85,000 đồng/cp.

Vào ngày 16/06/2014, CTCP Đầu tư Thế giới Di động đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu CTCP Đầu tư Thế giới Di động”. Công ty cho biết dự kiến niêm yết gần 63 triệu trên HOSE với mức giá giao dịch đầu tiên 85,000 đồng/cp vào cuối tháng 06/2014.

 

Tại buổi hội thảo, đã có không ít nhà đầu tư vẫn còn nhiều nghi ngại rằng liệu tốc độ tăng trưởng của MWG có chững lại sau khi cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sàn hay không. Ông Nguyễn Đức Tài - Giám đốc điều hành MWG chia sẻ thêm về những cơ hội để công ty tăng trưởng. Thứ nhất, quy mô dân số đông và tích cực chi tiêu với dự phát triển của các dòng sản phẩm mới. Thứ hai là cơ hội mở rộng thị phần vẫn còn rất lớn, sự phát triển tiếp theo nằm ở chuỗi cửa hàng điện máy cho là vẫn còn phân mảnh, cơ hội cho một số ít công ty thống lĩnh thị trường. Nói về thị trường phân phối điện máy, ông Tài nhận định đối thủ lớn nhất hiện tại không chiếm quá 10% thị phần và 90% đang nằm “nát bét” ở các cửa hàng nhỏ lẻ trên khắp mọi nơi.

MWG nắm 25% thị phần điện thoại di động

Ông Nguyễn Đức Tài cho biết quy mô thị trường điện thoại di động tại Việt Nam bao gồm 50% các cửa hàng nhỏ lẻ (gồm 15,000 cửa hàng), trong 50% thị trường các cửa hàng hiện đại còn lại, MWG chiếm 25% thị phần và 25% còn lại thuộc về các chuỗi cửa hàng điện thoại di động khác.

Thị phần điện thoại di động tại Việt Nam

Hiện tại, cửa hàng thế giới di động đã có ở đầy đủ 63 tỉnh thành tại Việt Nam. Số lượng cửa hàng của MWG tính đến cuối năm 2013 đến gần 250 bao gồm cả cửa hàng của thế giới di động và điện máy. MWG dự kiến sẽ nhân đôi số lượng cửa hàng, vượt qua mốc 400 trong năm nay. Đồng thời, số lượng cửa hàng điện máy cũng dự kiến tăng 25-30 cửa hàng, nhằm phủ khắp khu vực miền Nam Việt Nam. Sau khi đạt được mốc này, ban lãnh đạo sẽ đánh giá lại hiệu quả của chuỗi cửa hàng điện máy lúc đó mới quyết định kế hoạch bành trướng ra cả nước – ông Trần Kinh Doanh – Thành viên HĐQT công ty nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, các siêu thi điện máy lớn hiện tại với diện tích từ 3,000-5,000 m2 khá “cồng kềnh” và chỉ loay hoay ở các TP.HCM và Hà Nội, đi ra ngoài sẽ có nhiều trở ngại trong việc mở rộng mô hình này. Trong khi đó, với mô hình diện tích tầm 1,000-1,200 m2 giúp MWG dễ dàng linh hoạt ở các thị trường ngách hơn. Ông Tài nói thêm nếu nhìn sâu hơn MWG không cạnh tranh trực diện với các siêu thị lớn khi chủ yếu doanh nghiệp tập trung vào “chiều sâu” của sản phẩm, thu nhỏ những dòng sản phẩm có nhu cầu thấp, tập trung những dòng sản phẩm có thể tạo ra doanh thu lớn. Ước chừng doanh thu điện máy năm nay sẽ chiếm 15% tổng doanh thu.

“Tà tà” về đích

Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu 13,020 tỷ và lợi nhuận nhuận 435 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 37% và 69% so với năm trước. Khi đề cập đến mục tiêu tăng trưởng “khủng” của MWG trong năm 2014, ông Tài chia sẻ có khá nhiều ngờ vực về việc hoàn thành kế hoạch trong năm nay, thậm chí trong số đó có cả những thành viên hội đồng quản trị.

Tuy nhiên, kết quả quý 1/2014 chứng tỏ MWG đang “tà tà” về đích khi lợi nhuận ròng trong quý 1 đạt 169 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước và tương đương gần 39% kế hoạch năm.

 

Được biết, trong năm 2013, MWG đạt doanh thu thuần gần 9,500 tỷ và lợi nhuận sau thuế 258 tỷ đồng, Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 23,590 đồng. Tổng tài sản đến cuối năm 2013 đạt 2,251 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các mảng bán hàng “online” hay “offline” của MWG đều mạnh trong khi thông thường, những doanh nghiệp phát triển mạnh về “online” thì nguồn thu từ “offline” – bán lẻ trực tiếp lại thấp. Cụ thể, doanh thu mảng “online” năm 2009 của MWG không đáng kể nhưng sau hơn 5 năm, đến năm 2013 doanh thu từ mảng này cũng “khủng” như doanh thu từ “offline” với 450 tỷ đồng. Năm 2014 này, doanh thu “online” sẽ không xa con số 600-700 tỷ đồng.

Ông Trần Kinh Doanh – Thành viên HĐQT cho biết trong giai đoạn này công ty đã thử nghiệm mô hình shop C với quy mô nhỏ hơn nhằm “lấn sân” của 50% thị trường trước đây thuộc về cửa hàng bán lẻ truyền thống. Shop C được kỳ vọng có được doanh thu 500 triệu đồng/tháng, tuy chỉ với lượng nhân viên 5-6 người, MWG vẫn đặt việc cung cấp các dịch vụ tốt nhất đến khách hàng. Hiện tại, MWG đã mở được 2 cửa hàng shop C tại Long An. “Tuy vẫn đang trong giai đoạn tinh chỉnh và thử nghiệm nhưng nếu mô hình này thành công thì trong vòng 2 năm tới, miếng bánh của thị phần có thể cần được vẽ lại” – ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ thêm.

Giới thiệu các thành viên HĐQT của MWG

Ông Nguyễn Đức Tài (Sáng lập / Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc): Trước khi sáng lập MWG, ông Tài là Giám đốc Kế hoạch và Chiến lược cho S-Phone. Ông Tài điều hành hoạt động kinh doanh của MWG.

Ông Trần Lê Quân (Sáng lập / Thành viên HĐQT): Ông Quân từng là Giám đốc điều hành của Anba, công ty cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng toàn cầu của Sony Ericsson.

Ông Trần Kinh Doanh (Thành viên HĐQT): Ông Doanh chịu trách nhiệm lên kế hoạch kinh doanh, tiếp thị và khuyến mãi. Ông có đóng góp lớn trong việc mở rộng hệ thống phân phối của MWG.

Ông Đặng Minh Lượm (Giám đốc Nhân sự / Thành viên HĐQT): Ông từng là Giám đốc Nhân sự của NutiFood.

Ông Điêu Chính Hải Triều (Sáng lập / Giám đốc CNTT và Thành viên HĐQT): Ông có đóng góp trong việc xây dựng hệ thống ERP của MWG, phụ trách phát triển hệ thống quản lý chuỗi cung ứng và hàng tồn kho.

Ông Robert Alan Willett (Thành viên HĐQT): Ông trở thành Thành viên HĐQT của MWG từ tháng 04/2013. Ông là cựu CEO của Best Buy International và là nhân sự cấp cao tại các công ty nước ngoài như Metapack (UK), Lighthaus Logic (Canada) và Sabanci Holding (Turkey).

Ông Chris Freund (Thành viên HĐQT): Đại diện cổ đông lớn là Quỹ đầu tư Mekong. Ông là người sáng lập và là Chủ tịch của Quỹ đầu tư Mekong. Trước đó, ông từng là Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Templeton Asset Management.

Tiến sỹ Thomas Lanyi (Thành viên HĐQT): Đại diện cổ đông lớn là Quỹ CDH và là Giám đốc điều hành của Quỹ này. Trước đó, ông từng là Giám đốc Quỹ đầu tư Mekong và Templeton Asset Management.


Gia Nguyên

CÔNG LÝ

Các tin tức khác

>   SRF: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (17/06/2014)

>   DTN: Ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu đăng ký giao dịch của CTCP Diêm Thống Nhất (17/06/2014)

>   YBC được giao dịch gần 5 triệu cp (16/06/2014)

>   SCI: 30/06 chính thức giao dịch 5 triệu cp với giá tham chiếu 11,500 đồng/cp (13/06/2014)

>   SKG: Niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên (13/06/2014)

>   CLG: Niêm yết và giao dịch cổ phiếu thay đổi niêm yết (13/06/2014)

>   FCN: Quyết định thay đổi niêm yết (13/06/2014)

>   CLG: Niêm yết bổ sung cổ phiếu (12/06/2014)

>   CLG: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (12/06/2014)

>   AVF: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (12/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật