SHS thắng kiện và không phải mua 3.5 triệu cp đợt bảo lãnh phát hành GGG
CTCP Chứng Khoán Sài Gòn-Hà Nội (HOSE: SHS) vừa công bố kết quả bản án phúc thẩm về tranh chấp hợp đồng dịch vụ tư vấn và bảo lãnh phát hành chứng khoán với CTCP Ô tô giải phóng-GMC JSC (GGG). Theo đó, SHS không phải thực hiện việc mua lại 50% cổ phần mà GGG yêu cầu trong bản án sơ thẩm.
Cụ thể, vào ngày 15/06/2010, SHS và GGG đã ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn và bảo lãnh phát hành cổ phiếu. Đến ngày 4/10/2010, SHS và GGG tiếp tục ký Cam kết bảo lãnh phát hành. Theo đó, SHS sẽ tư vấn cho GGG thủ tục phát hành cổ phiếu đồng thời bảo lãnh phát hành bằng cách SHS sẽ mua toàn bộ số cổ phiếu không phân phối hết cho cổ đông hiện hữu của GGG trong đợt phát hành.
Tiếp đó, GGG được UBCKNN cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng vào ngày 29/10/2010 và được gia hạn đến hết 29/02/2011.
Đến ngày 07/03/2011, SHS nhận được công văn của GGG yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, tuy nhiên, đến thời điểm này Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của GGG đã hết hiệu lực. Do vậy, SHS đã không thể thực hiện yêu cầu của GGG.
Ngày 19/06/2012, GGG khởi kiện SHS tại Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm yêu cầu SHS phải mua lại 50% số cổ phần mà GGG không bán hết cho cổ đông hiện hữu là 3.5 triệu cổ phiếu, với giá 12,000 đồng/cp, tương đương 42.86 tỷ đồng. Kết quả xét xử được đưa ra là cả hai bên đều có lỗi, trong đó GGG không chủ động nắm bắt số lượng cổ phiếu không bán hết để báo cho SHS thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn phát hành vẫn còn, nên GGG chịu 70% lỗi, SHS chịu 30% lỗi. Do đó, SHS có nghĩa vụ mua 2.11 triệu cp đấu giá với mức 12,000 đồng/cp, ứng với 25.37 tỷ đồng.
Tuy nhiên cả hai bên đều không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm và tiến hành kháng cáo lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (TAND Hà Nội) xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
Đến ngày 03/06/2014, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND Hà Nội nhận định Hợp đồng và Cam kết bảo lãnh ký giữa SHS và GGG là vô hiệu về mặt chủ thể, trong thời hiệu để khởi kiện thì cả hai bên đều không khởi kiện ra Tòa. Đến thời điểm khi các tuyên bố giao dịch đều đã hết hiệu lực thì các bên cũng không yêu cầu và cũng không còn quyền yêu cầu xử lý hậu quả việc vô hiệu. Do đó, Cam kết đã bị coi là vô hiệu, việc GGG đề nghị Tòa án buộc SHS thực hiện nghĩa vụ mua lại số cổ phần không phân phối hết như trong Hợp đồng là yêu cầu trái pháp luật.
Bên cạnh đó số cổ phiếu GGG phát hành thêm hiện nay không còn được phép giao dịch, như vậy GGG không có cổ phiếu hợp pháp để giao cho SHS, việc buộc SHS phải mua lại số cổ phiếu trên là không đúng quy định pháp luật.
Thông qua các nhận định trên, TAND Hà Nội quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của GGG, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của SHS. Theo đó, bác yêu cầu khởi kiện của GGG trong bản án sơ thẩm và GGG phải nộp án phí đối với yêu cầu không được Tòa chấp nhận.
Như vậy, SHS sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ mua lại 50% số cổ phần mà GGG không bán hết cho cổ đông hiện hữu, tương đương 3.5 triệu cổ phần trị giá 42.86 tỷ đồng.
Thiên Minh
công lý
|