Quyết định “khai tử” 142 lò gạch ở Bình Dương: Chủ trương bất nhất, người dân thua thiệt
Xóa bỏ những lò gạch gây ô nhiễm môi trường là chủ trương đúng. Thế nhưng, thời gian qua, việc chính quyền tỉnh Bình Dương (BD) ra quyết định “khai tử” các lò gạch làm theo công nghệ hoffman, kể từ ngày 30.6, lại gặp sự phản ứng quyết liệt từ phía các chủ lò gạch. Tại sao?
“Tiền - hậu bất nhất”
Hàng chục chủ lò gạch áp dụng công nghệ hoffman đã gửi đơn tới các cơ quan báo chí trong thời gian gần đây, khi thời hạn “khai tử” các lò gạch cận kề, theo quyết định của UBND tỉnh BD. Thật vậy, suốt 10 năm trở lại đây, hàng trăm lò gạch thủ công ở tỉnh BD đã loay hoay tìm một công nghệ tốt nhất để sản xuất gạch.
Trong lúc đang “loay hoay” ấy, công nghệ hoffman đã xuất hiện như cái phao giúp hàng trăm chủ lò gạch có được lối thoát để giữ được nghề. Đó là vào năm 2009, tỉnh BD thí điểm đầu tư lò gạch theo công nghệ hoffman, tại Cty TNHH Việt Linh. Tại cuộc họp ngày 24.9.2010, với sự có mặt các sở, ngành liên quan, ông Trần Văn Rạng – Phó GĐ Sở Công Thương tỉnh BD – đã công nhận: “Nếu chuyển sang lò tuynel thì chi phí đầu tư cao, vì vậy chỉ có lò gạch liên tục kiểu đứng và hoffman là phù hợp với DN nhỏ và vừa ở địa phương…”. Ông Rạng cũng cho biết: “Về môi trường, qua thực tế thì khói thải của hoffman đã giải quyết được”. Ông Rạng cũng thừa nhận tham quan thực tế tại Cty Việt Linh, “thấy mô hình thí điểm là đạt yêu cầu”, “tôi rất ủng hộ lò hoffman”v.v…
Ngày 3.12.2010, Sở Xây dựng có tờ trình 2134/TTr-SXD-KTVL gửi UBND tỉnh, đề nghị “thu hồi chủ trương không cho xây dựng lò hoffman trên địa bàn tỉnh BD…, với lý do mô hình thí điểm theo công nghệ lò hoffman… Do Sở KHCN triển khai đã được đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm và môi trường”. Từ đó, hàng loạt lò gạch thủ công ở tỉnh BD đã đầu tư 8 – 10 tỉ đồng/lò theo công nghệ hoffman.
Tuy nhiên, việc sản xuất gạch theo công nghệ hoffman chưa bao lâu, nhiều DN chưa thu hồi được vốn xây dựng lò, thì ngày 14.2.2012, UBND tỉnh BD ban hành công văn số 328/UBND – KTN, ra “tối hậu thư”… chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công áp dụng công nghệ hoffman trước ngày 30.6.2012. Hàng trăm lò gạch lo lắng bị đóng cửa, mà chưa thu hồi được vốn, do theo công nghệ hoffman.
Trước nguy cơ hàng loạt lò gạch bị thiệt hại, Bộ Xây dựng buộc phải ra công văn số 896/BXD-VLXD ngày 1.6.2012. Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng: Với lò hoffman, “không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu… (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều…) tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể cho phép tồn tại”. Tuy nhiên, ngày 2.7.2012, UBND tỉnh BD vẫn kiên quyết ra thông báo số 169/TB-UBND bắt buộc các lò gạch hoffman ở BD phải xóa sổ hoàn toàn trước ngày 30.6.2014.
Chính vì vậy, những ngày gần đây, khi thời hạn 30.6 cận kề, rất nhiều lò gạch ở BD đã không khỏi hoang mang, lo lắng, khi giờ “khai tử” đã đến. “Có không ít người đầu tư lò gạch (8-10 tỉ đồng/lò), đến nay vẫn chưa thu hồi hết vốn. Trong lúc đó, đầu tư lò tuynel phải từ 20 – 30 tỉ đồng/lò, chi phí quá cao, chúng tôi không đủ sức. Với quyết định “khai tử”, hàng trăm chủ lò gạch bị thiệt hại cả ngàn tỉ đồng; nguy cơ phá sản, hàng ngàn lao động không có việc làm” – bà Bùi Thị Ngọc Anh (chủ lò gạch Trường Trung, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) nói.
Lỗi tại ai?
Ông Bùi Chí Dũng – chủ lò gạch Thạch Anh, xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên – cho biết: “Chính quyền thí điểm công nghệ hoffman ở Cty Việt Linh, rồi cho phép nhân rộng… Tôi vay mượn gần 10 tỉ đồng đầu tư lò hoffman, sản xuất chưa bao lâu, chưa thu hồi vốn, giờ phải phá lò, tiếc đứt ruột. Chính chủ trương “tiền hậu bất nhất” của cơ quan chức năng đã làm khổ chúng tôi”.
Tại buổi họp báo về việc “khai tử” lò gạch hoffman ngày 13.6 vừa qua, ông Trần Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh BD – cho rằng: Tính đến ngày 10.6, tỉnh BD có 107 cơ sở sản xuất gạch hoffman, với 142 lò gạch đang hoạt động. Tổng số lao động tại các cơ sở là 4.623 người. Các cơ sở sản xuất gạch này có nhiều vi phạm như kinh doanh không phép, sai phép; xây dựng không phép; vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường…
Do đó, các cơ sở sản xuất lò gạch hoffman sẽ phải chấm dứt hoạt động sau ngày 30.6. Ông Liêm khẳng định, tỉnh chấp hành nghiêm túc lộ trình của Chính phủ về chuyển đổi gạch đất sét nung sang gạch không nung. Từ năm 2005, BD đã có lộ trình di dời các lò gạch thủ công… Từ 2010, tỉnh không có chủ trương đầu tư xây dựng các lò gạch hoffman trên địa bàn tỉnh. Ông Liêm cho rằng, việc gia hạn ngừng hoạt động cho các lò gạch hoffman kéo dài từ 2010 đến 6.2014, đã tạo điều kiện cho các cơ sở có kế hoạch sử dụng hết nguồn nguyên liệu và thu hồi vốn.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Tài – GĐ Sở Xây dựng tỉnh BD – tiết lộ: Trong số những lò gạch hoffman buộc phải xóa sổ, có không ít lò xây dựng không phép, hoặc giấy phép là xây dựng lò tuynel, nhưng lại xây dựng lò hoffman (vốn rẻ tiền bằng 1/3 giá thành lò tuynel), gây ô nhiễm môi trường; vì vậy, chấm dứt hoạt động là đúng đắn.
Vẫn biết rằng, để bảo vệ môi trường, việc “khai tử” những lò gạch thủ công, lò hoffman… theo chỉ đạo của Chính phủ là đúng. Thế nhưng, vấn đề đáng nói ở đây, chính cách điều hành, ban hành chủ trương trong sự vụ này của chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh BD đến người dân đã cho thấy, có sự “tiền hậu bất nhất”. Chỉ một chủ trương… trật đường, người dân đã thiệt đơn, thiệt kép. Quả thật đau xót!
lao động
|