Quản lý thị trường vàng nữ trang: Cần vẹn đôi đường!
Chia sẻ về các quy định của Thông tư 22 và sự tác động tới thị trường vàng nữ trang, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho rằng sẽ không có ảnh hưởng mạnh đến thị trường ngoại hối lẫn giá vàng.
- Thông tư 22 đang được nhiều người đánh giá sẽ dần nâng chuẩn minh bạch và chất lượng cho người tiêu dùng trên thị trường vàng nữ trang. Ông nghĩ sao về điều này?
Ở nước ngoài, các quốc gia phát triển đều có các quy định nghiêm nhặt chặt chẽ về chất lượng, hàm lượng vàng lẫn công bố thông tin của chất lượng, hàm lượng vàng. Tất nhiên sẽ có cơ quan kiểm định, kiểm tra bất thường. Và cũng có trường hợp người dân nghi ngờ về hàm lượng vàng sai lệch so với chứng nhận, nêu vấn đề với Hội bảo vệ người tiêu dùng và Hội này sẽ làm việc với cơ quan chức năng để kiểm định.
Tại VN cũng có Hội bảo vệ người tiêu dùng, nhưng phải nói là chưa thực sự mạnh, người dân cũng chưa có thói quen thưa kiện để tự bảo vệ mình. Ngay cả trong Thông tư 22 vừa được ban hành, mặc dù được đánh giá cao nhưng cũng đang còn thiếu những quy định chẳng hạn như người dân phát hiện sai lệch thì có thể khiếu kiện tới cơ quan chức năng ban hành Thông tư hay cơ quan công an; còn trong trường hợp các đơn vị kiểm định được Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cấp giấy phép kiểm định nhưng khi ra kết quả người dân hay chính DN kinh doanh vàng không chịu, thì cơ quan nào trong hệ thống luật pháp VN sẽ tiếp nhận xử lí vấn đề này…
- Sự phản ứng của các DN nhỏ và đề xuất lùi thời gian áp dụng Thông tư, theo ông, có thực sự cần được cân nhắc, quan tâm?
Nếu xét về luật chơi trên thị trường, với mục tiêu đưa ra là bảo vệ lợi ích sau cùng của người tiêu dùng, thì bất kì DN nào dù lớn hay nhỏ, một khi đã muốn tham gia thị trường đều phải đáp ứng đầy đủ. Nếu không đáp ứng được thì tất yếu sẽ bị loại.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng đã và đang có một số lượng rất lớn vàng nữ trang không đạt chuẩn như quy định mới vẫn trôi nổi trên thị trường cũng như tồn kho trong DN, đại lí của DN. Nay nếu ngay lập tức bắt các DN phải lựa chọn thực thi chuyển đổi, nếu không bắt phạt nặng thì có thể sẽ có nhiều DN chịu tổn hại.
DN lẫn người dân đều đang lúng túng nên có khả năng sức mua sẽ không tăng vọt lên.
Do đó quan điểm của tôi là nên chăng cơ quan quản lí có thể cân nhắc các phương án: Thứ nhất, lùi thêm thời gian ba tháng để các nhà kinh doanh thích ứng. Phương án này có vẻ khó khả thi vì dù sao Thông tư 22 đã qua thời điểm bắt đầu hiệu lực mấy ngày. Hoặc phương án thứ hai, một cơ quan cấp Bộ có liên quan đến quản lí DN sản xuất, kinh doanh vàng, có thể chỉ định một DN lớn đại diện mua lại vàng kém tiêu chuẩn trên thị trường, nấu lại, bán ra vàng nữ trang cho các DN hoặc bán ra vàng nguyên liệu, tùy tiêu chuẩn chất lượng và tùy thuộc nhu cầu. Tương tự như SJC được nhận dập vàng miếng lại cho các DN khác. Song cũng phải nói là trong tình hình thực tế NHNN đang có nhiều gánh nặng như hiện nay, công việc này không nên giao cho NHNN “quản”.
-Việc siết chặt chất lượng vàng có làm thay đổi các kịch bản trên thị trường ngoại hối và thậm chí cả giá vàng vật chất (vàng miếng), thưa ông?
Tôi cho là không. Nguyên do vì lúc này đang là giai đoạn giao thời giữa cách thức sản xuất, công bố, ghi nhãn… vàng theo cách cũ và quy định mới. DN lẫn người dân đều đang lúng túng nên có khả năng sức mua sẽ không tăng vọt lên. Nhưng dù vậy vẫn có khả năng người dân sẽ lập tức quan tâm đến vàng nữ trang được công bố đạt chuẩn và bán ra vàng nữ trang trước đây chưa đạt chuẩn mà trước đây đã mua. Nếu như vậy sẽ có chiều hướng vàng nữ trang đạt chuẩn công bố sẽ bị đẩy giá lên và ở chiều ngược lại vàng nữ trang không đạt chuẩn sẽ rớt giá thấp. Nếu việc đẩy giá và sức mua đạt đến một mức độ nào đó, tất yếu sẽ tác động đến ngoại hối và tỷ giá VND/USD. Vì lẽ đó, phương án nào có lợi cho cả DN và cả lợi ích dài hạn cho thị trường, người dân khi thực hiện Thông tư, đều cần tính toán vẹn đôi đường.
- Xin cảm ơn ông!
Mỹ Lê thực hiện
Diễn đàn doanh nghiệp
|