Ngân hàng trung ương châu Âu cắt giảm 3 lãi suất chủ chốt
Kết thúc cuộc họp chính sách tháng tại Frankfurt (Đức), ngày 5/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ra quyết định cắt giảm hàng loạt loại lãi suất chủ chốt nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Quang cảnh bên ngoài trụ sở của ECB tại thành phố Frankfurt am Main, miền trung Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Trong một thông báo, ECB cho biết đã cắt giảm ba loại lãi suất chủ chốt, vốn đã ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, lãi suất cơ bản được cắt giảm từ 0,25% xuống 0,15%, mức thấp kỷ lục mới. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm cũng giảm từ 0,75% xuống còn 0,4%.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi Eurozone ra đời, tỷ lệ lãi suất huy động đối với tiền gửi của các ngân hàng tại ECB từ 0% giảm xuống mức -0,1%. Theo quyết định này, kể từ nay các ngân hàng sẽ phải chịu một khoản phí khi gửi tiền tại ECB.
Các quyết định này phù hợp với đa số dự đoán của các chuyên gia kinh tế và chính Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng đã để ngỏ khả năng ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất hoặc đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế khác trong tháng Sáu để đối phó với tình trạng giảm phát hiện nay. Lãi suất huy động âm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng cho vay lượng tiền dư thừa, qua đó khuyến khích cho vay kinh doanh và tiêu dùng.
Quyết định trên được đưa ra hai ngày sau khi số liệu lạm phát mới của Eurozone được công bố, theo đó, tỷ lệ lạm phát năm đã giảm còn 0,5% trong tháng Năm so với mức 0,4% của tháng trước đó. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong vòng bốn năm qua và thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ECB là "thấp hơn nhưng gần 2%." Chủ tịch Draghi cho biết ECB dự báo tỷ lệ lạm phát năm nay của Eurozone sẽ là 0,7% và có thể tăng lên mức 1,2% vào năm sau.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% được duy trì từ tháng 3/2009, đồng thời không bơm thêm tiền cho chương trình mua lại trái phiếu nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE), hiện lên tới 375 tỷ bảng (khoảng 630 tỷ USD).Quyết định của Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) thuộc BoE không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế bất chấp những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Anh đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.
Hồi tháng trước, BoE đã khẳng định rằng ngân hàng này không vội vàng nâng lãi suất cơ bản mặc dù Thống đốc BoE Mark Carney thừa nhận nền kinh tế Anh đang tiến gần tới điểm cần phải tăng lãi suất.
Ông David Kern, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Liên đoàn các Phòng Thương mại Anh (BCC), cho rằng quyết định giữ nguyên lãi suất và chương trình nới lỏng định lượng là hoàn toàn đúng đắn.
Theo ông, tỷ lệ lạm phát hiện dưới mục tiêu 2% do vậy MPC có thể chờ đợi thêm trước khi thắt chặt chính sách. Hơn nữa, đồng bảng Anh tăng giá trong năm qua khiến cho hàng xuất khẩu của nước này trở nên đắt đỏ hơn cũng là một lý do quan trọng để BoE không vội vàng tăng lãi suất cơ bản.
Nhiều nhà đầu tư nhận định BoE sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào đầu năm tới. Mặc dù nền kinh tế Anh đang tăng trưởng mạnh nhưng MPC cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác trên thị trường lao động, điều này có nghĩa là nền kinh tế vẫn còn khả năng tăng trưởng mạnh hơn trước khi tỷ lệ lạm phát tăng cao trở lại.
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế dự báo BoE sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất cơ bản sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ hồi mùa Hè năm 2011.
Theo số liệu công bố gần đây, nền kinh tế Đảo quốc Sương mù tăng trưởng 0,8% trong quý 1/2014. Kết quả này giúp Anh trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện vẫn còn thấp hơn so với thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008.
Các cuộc khảo sát mới nhất cũng cho thấy nền kinh tế Anh đang tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,8% - mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây./.
vietnam+
|