Liệu trái bóng tròn có giúp cho kinh tế Brazil “ghi bàn”?
Vào thời điểm chỉ còn ít ngày nữa là trái bóng tròn của Vòng Chung kết giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2014 diễn ra tại Brazil chính thức lăn, Brazil vẫn rất kỳ vọng sự kiện thể thao được quan tâm bậc nhất hành tinh này sẽ giúp đưa nền kinh tế nước nhà tăng trưởng mạnh trở lại.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cho rằng không nên trông chờ quá nhiều, bởi dẫu rằng nó sẽ giúp mang lại danh tiếng và cơ hội về du lịch, kinh doanh và đầu tư, nhưng World Cup trước mắt có thể sẽ chỉ mang lại cú hích tăng trưởng nhẹ cho nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này.
Tăng trưởng chậm lại trước thềm World Cup
Số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Brazil tăng trưởng khá ì ạch trước khi World Cup khai mạc vào ngày 12/6 và cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 10 tới.
Brazil vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong ba tháng cuối năm nay, đồng thời cho biết nền kinh tế này chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý đầu năm 2014.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff - người đang tràn đầy hy vọng sẽ tái đắc kỳ nhiệm kỳ tiếp theo - tin tưởng rằng sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, lạm phát cao và đầu tư kinh doanh ở mức thấp chính là trở ngại không nhỏ.
Trong ba tháng đầu năm nay, đầu tư kinh doanh đã giảm 2,1%, mức giảm mạnh nhất trong hai năm vừa qua. Chuyên gia Bruno Rovai thuộc Barclays tâm sự rằng ông không thấy bất kỳ thông tin tích cực nào trong các số liệu vừa công bố.
Nền kinh tế đứng trong tốp mười thế giới này vẫn đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao dai dẳng trên 6%, vượt xa mục tiêu của Ngân hàng trung ương nước này.
Mới đây, Ngân hàng trung ương nước này đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 11% để đối phó với tình trạng giá cả leo thang. Lạm phát cao đã buộc ngân hàng này phải tăng lãi suất nhiều lần trong thời gian qua.
Hồi tháng Ba vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm đối với nước này đi một bậc. Năm 2013, thị trường chứng khoán Brazil đã giảm trên 7%, giảm mạnh hơn bất kỳ thị trường chứng khoán mới nổi nào.
Thời điểm FIFA trao quyền đăng cai World Cup 2014 cho Brazil hồi năm 2007, nền kinh tế này tăng trưởng ở mức 6,1%. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác xưa khi kinh tế Brazil đang trên bờ vực suy thoái.
Các chuyên gia cảnh báo rằng sự kiện 32 ngày này chưa chắc đã hiện thực hóa được niềm hy vọng về lợi nhuận, không những thế còn có thể gây tắc nghẽn giao thông và việc người lao động nghỉ làm để hòa cùng không khí World Cup có thể gây tổn thất cho các doanh nghiệp.
Tăng trưởng kinh tế có “lăn” theo trái bóng
Bộ Du lịch Brazil ước tính sự kiện thể thao này sẽ thu hút 3,7 triệu du khách trong và ngoài nước. Trong số này, ước khoảng 1,9 triệu du khách sẽ thực sự tham dự các trận đấu tại sân vận động và các địa điểm xem trận đấu ngoài trời qua màn hình lớn do FIFA tổ chức gọi là FIFA Fan Fests. Khoảng 1,8 triệu du khách dự kiến sẽ tới đây để hưởng thụ không khí cũng như các hoạt động chào mừng trong thời diễn ra World Cup.
Ước tính trung bình mỗi du khách nước ngoài sẽ xem bốn trận đấu trong khuôn khổ giải đấu năm nay và chi tiêu trung bình 2.488 USD trong thời gian ở Brazil. Dựa trên mức tính toán này, kinh tế Brazil sẽ thu về xấp xỉ 3,03 tỷ USD.
Bộ trưởng Du lịch Brazil, Vinicius Lages, lưu ý con số trên dĩ nhiên chưa tính tới các giao dịch tài chính gián tiếp mà các du khách nước ngoài thực hiện. Nói cách khác, tổng thu tài chính của ngành du lịch có thể cao hơn thế, nếu tính gộp những tác động đa chiều của các nhân tố trên đối với nền kinh tế.
Brazil ước chi khoảng 11,5 tỷ USD cho việc xây dựng các sân vận động, phương tiện vận tải và sân bay mới. Để giải thích cho các khoản chi vung tay này, các chính trị gia cam kết sự kiện này sẽ mang lại các lợi ích lớn về kinh tế cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều người dân Brazil hoài nghi về triển vọng này. Kết quả là hàng nghìn người tuần hành biểu tình trên đường phố.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service cho rằng người dân Brazil có lý khi đưa ra những nghi ngờ này, bởi các khoản chi cho cơ sở hạ tầng vẫn nhỏ nếu so với quy mô kinh tế 2.000 tỷ USD của nước này cũng như những lợi ích mà các doanh nghiệp có thể chạm tới. Số tiền đầu tư trên 11 tỷ USD nói trên tương đương 0,7% đầu tư dự trù của nước này trong giai đoạn 2010-2014. Những tác động của những dự án này có thể dần cảm nhận được.
Không ít nhà kinh tế cho rằng việc chức sự kiện thể thao lớn này sẽ mang lại động lực tăng trưởng nhỏ cho kinh tế Brazil, cũng như chưa đủ để kéo nền kinh tế từng là ngôi sao sáng trong số các nền kinh tế mới nổi này khỏi tình trạng ì ạch hiện nay.
Theo cuộc thăm dò của các nhà kinh tế do Reuters vừa tiến hành, giải bóng đá kéo dài một tháng này sẽ chỉ “cộng thêm” 0,2 điểm % vào tăng trưởng kinh tế của Brazil. Giới phân tích cho rằng chừng đó chưa đủ để đưa nền kinh tế này thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng yếu suốt bốn năm qua.
Khảo sát của Ngân hàng trung ương Brazil dự báo GDP của nước này sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, tức là còn cách rất xa mức tăng trưởng 7,5% của năm 2010, thời điểm vòng World Cup trước diễn ra tại Nam Phi.
Brazil cũng là nước chủ nhà Thế vận hội 2016 (Olympic Games 2016) ở Rio de Janeiro, nhưng công tác chuẩn bị vẫn chậm so với tiến độ. Các vòng chung kết bóng đá trước tại Nam Phi, Đức hay Thế vận hội London 2012 đều là những bằng chứng sống cho thấy các lợi ích về kinh tế khi đăng cai tổ chức các sự kiện này đều được trông chờ quá mức và Brazil lần này cũng không là ngoại lệ.
Cuộc khảo sát tương tự của Reuters cho hay World Cup chỉ mang lại thêm khoảng 0,3 điểm % cho tăng trưởng kinh tế của Nam Phi hồi năm 2010.
Hiện tại, thậm chí đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế này ít nhiều đã bị tác động bất lợi. Chẳng hạn, thống kê cho thấy tại nhiều thành phố nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ giải năm nay, kể cả thủ đô tài chính của Brazil là Sao Paulo, các khách sạn vẫn còn rất nhiều phòng trống.
Đối với các hãng hàng không, nhu cầu bay trong tháng Sáu và tháng Bảy không những không tăng mà còn giảm, do nhiều doanh nhân và những người đi công cán đều thay đổi lịch làm việc nhằm tránh giai đoạn cao điểm.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ lo ngại các hoạt động nghỉ lễ tại một số thành phố tổ chức giải đấu năm nay có thể đóng cửa hàng để xem World Cup, khiến cho doanh số bán lẻ có thể giảm.
Có giúp giải bài toán việc làm?
Một câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu World Cup 2014 cũng như Olympic Games 2016 có thể làm được gì để giúp Brazil giải quyết tình trạng thất nghiệp ở Brazil. Trong số 34 triệu thanh niên độ tuổi 15-24 ở Brazil, hiện có trên 35,2% không có việc làm cũng như không được học tập.
Chính phủ Brazil đặt niềm tin lớn rằng các sự kiện thể thao lớn sẽ cải thiện thị trường lao động của nước này, với các cơ hội việc làm sẽ đến từ lĩnh vực xây dựng, công nghệ thông tin, du lịch, bán lẻ, dịch vụ, may mặc, gỗ và nội thất cũng như kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.Đây là cơ hội “vàng,” song thách thức thực sự là biến những cơ hội này thành việc làm trong dài hạn.
Đa số thanh niên nước này tham gia thị trường lao động với việc làm không ổn định. Một khi bắt đầu làm việc, họ thường bỏ học và điều này lại khiến cho những thanh niên này khó lòng tìm kiếm được công việc tốt hơn trong tương lai. Đây là sự khởi đầu cho chu kỳ bất ổn theo chân họ trong suốt giai đoạn trưởng thành. Chìa khóa để phá vỡ chu kỳ này là đảm bảo thanh niên được hưởng sự giáo dục đầy đủ cũng như đào tạo hướng nghiệp thích hợp.
Brazil có lẽ không nên quá kỳ vọng rằng World Cup sẽ là yếu tố làm thay đổi “đấu trường” kinh tế. Giấc mơ hàng chục năm đưa World Cup về với Nam Mỹ sắp thành hiện thực, nhưng những lời hứa có cánh của chính phủ trước người dân rằng sự kiện thể thao kéo dài một tháng này là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho nền kinh tế thiếu sức sống của Brazil có lẽ sẽ chỉ là lời hứa quá lạc quan.
Một số nhà kinh tế cho rằng World Cup 2014 sẽ chưa mang lại ngay cú hích cho nền kinh tế, nhưng hy vọng sự kiện đó sẽ mang lại những lợi ích trong dài hạn.
Vietnam+
|