Kịch bản sữa cho Vinacafé
Có lẽ 43 năm hoạt động độc lập của Vinacafé Biên Hòa (VCF) không nổi sóng bằng 3 năm về với Masan (MSN).
Sau thương vụ thâu tóm vào cuối năm 2010, Vinacafé đánh dấu mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay với sự xuất hiện mới hoặc trở lại của nhiều dòng sản phẩm, đặc biệt là thương hiệu cà phê Wake Up trong năm 2012. Năm 2013, Vinacafé chính thức đưa dây chuyền sản xuất cà phê tại nhà máy Long Thành vào hoạt động, đồng thời tung ra cà phê uống liền Phinn. Tháng 6 vừa qua, theo thông tin từ Nghị quyết Đại hội Cổ đông phát đi trên các kênh truyền thông, Vinacafé Biên Hòa đã hé lộ một chiến lược mang nhiều ảnh hưởng từ Masan: lấn sân ngành sữa.
Quyết định thử sức ở ngành hàng mới này có lẽ đến từ tình hình kinh doanh ở thị trường chính cà phê hòa tan ngày càng khó khăn. Đã từ lâu, Vinacafé Biên Hòa, Nestlé và Trung Nguyên được xem là 3 đối thủ truyền kỳ với những cuộc chiến ngầm trên tất cả các mặt trận; từ những dòng sản phẩm khá tương đồng đến các mẫu quảng cáo đầy thách thức. Chiếc bánh thị phần được tranh giành khốc liệt đến từng miếng nhỏ mà ngay cả người khổng lồ Vinamilk sau 2 lần quyết tâm cũng phải rút lui thương hiệu Café Moment và Vinamilk Café. Thương trường là chiến trường và cuộc chiến nào cũng có tổn thất, nhất là khi thị trường cà phê Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt với cuộc đổ bộ của nhiều doanh nghiệp ngoại như Starbucks (Mỹ), Gloria Jean’s Coffee (Úc), Coffee Bean & Tea (Mỹ), Illy (Ý), Dunkin’ Donuts (Mỹ). Mới nhất là sự gia nhập cuộc chơi của Dao Coffee đến từ Lào ở phân khúc khá tương đồng với Vinacafé Biên Hoà, Nestle và Trung Nguyên. Phải chăng đây là lý do mà Vinacafé nhòm ngó sang những ngành hàng mới nhằm phân tán rủi ro. Nhưng tại sao lại là ngành sữa?
Tổng kết năm 2013, tiêu thụ thực phẩm và đồ uống của Việt Nam đạt 42,8 tỉ USD và tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR là 11% trong giai đoạn từ 2010-2013. Trong đó, ngành sữa có mức tăng trưởng năm 2013 so với năm 2012 cao nhất, đạt 16,5%. Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank, ngành sữa vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng cao. Năm 2013, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam ước đạt 15 lít/năm so với 34 lít/năm ở Thái Lan và 112 lít/năm ở Anh. Còn báo cáo của Cục Chăn nuôi Việt Nam cho thấy đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa sẽ đạt 28 lít/năm, gần gấp đôi hiện tại. Chỉ với một phép tính đơn giản cho 90 triệu dân Việt Nam cũng có thể thấy thị trường sữa đầy tiềm năng và sẵn sàng chào đón những tân binh. Bài toán về thị phần đã có lời giải, vậy Vinacafé Biên Hòa sẽ bắt đầu từ đâu để chuẩn bị cho cuộc chiến?
Có thể khẳng định chắc chắn rằng Vinacafé Biên Hòa sẽ không thâm nhập mảng sữa bột công thức. Mặc dù mảng này có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành sữa, nhưng lại là một miếng bánh khó xơi, đòi hỏi cao về đầu tư và thương hiệu mạnh. Ngay cả Vinamilk còn phải e dè với dưới 20% thị phần thì Vinacafé Biên Hòa sẽ phải chọn một hướng đi khác an toàn hơn. Sữa uống và các loại sữa chua sẽ là sự lựa chọn của Vinacafé Biên Hòa, cạnh tranh trực tiếp với các công ty sữa nội như Vinamilk, Dutch Lady, TH Milk và mới nhất là sự kết hợp của hai công ty lớn Nutifood-Hoàng Anh Gia Lai.
Hai viễn cảnh được vẽ ra cho Vinacafé Biên Hòa khi lấn sân ngành sữa. Một là, Vinacafé Biên Hòa sẽ tự gầy dựng cơ đồ từ việc nuôi bò và xây dựng nhà máy. Hai là, đi theo cách truyền thống của Masan: mua lại một công ty sữa khác để làm bàn đạp vào ngành sữa.
Viễn cảnh về đàn bò tung tăng gặm cỏ trong trang trại riêng có vẻ xa vời với Vinacafé Biên Hòa. Chuyện kinh doanh bò sữa không hề đơn giản. Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên của Vinamilk cũng đã từng nhận định rằng nuôi bò sữa là một lĩnh vực đầy rủi ro, đòi hỏi vốn lớn mà thời gian thu hồi lại lâu. Đến thời điểm hiện tại, số lượng bò sữa của Vinamilk cũng chỉ hơn 10.000 con, TH True Milk với hơn 45.000 con và Hoàng Anh Gia Lai dự kiến nuôi đàn bò sữa 120.000 con. Hiện thực trước mắt cũng cho thấy nhiều thách thức đối với công cuộc chăn nuôi bò sữa. Vinamilk với các nông trại nuôi bò khá rải rác, TH True Milk thì đang gặp nhiều vấn đề liên quan đến tương tác với cộng đồng trong việc nuôi bò sữa, dự án của HAGL vẫn chỉ mới được kí kết. Bên cạnh điều kiện về quỹ đất lớn phù hợp thì thời tiết và công nghệ cũng là những yếu tố mang tính chất quyết định trong việc nuôi bò sữa. Chưa thể khẳng định về tính khả thi, nhưng trước mắt, Vinacafé Biên Hòa cần một quá trình lâu dài để chuẩn bị nếu muốn xâm nhập vào ngành này. Nhưng thị trường thì không thể đợi mà vẫn luôn chuyển động và những tân binh tiềm năng khác lớn hơn vẫn đang chờ thời để nhảy vào xâu xé miếng bánh ngon này.
Dựa vào chiến lược M&A rất thành công của Masan thì viễn cảnh mua lại một công ty sữa khác sẽ có xác suất cao hơn. Tuy nhiên, với truyền thống chỉ mua lại những công ty đầu ngành như Proconco, Suối Vĩnh Hảo hay chính Vinacafé Biên Hòa, thì công ty sữa nào là trong tầm ngắm của Masan? Chắc chắn không phải là một trong tứ trụ kể trên (Vinamilk, Dutch Lady, TH Milk và Nutifood). Các công ty sữa khác với quy mô nhỏ như Hanoimilk, Mộc Châu Milk, Ba Vì Milk hoặc Long Thành Milk chăng? Hoặc M&A một loạt các công ty sữa nhỏ cùng lúc là trường hợp cũng có thể xảy ra nhằm đối trọng với nhóm tứ trụ về quy mô.
Dù với viễn cảnh nào thì đường đến với sữa của Vinacafé Biên Hòa hãy còn nhiều gian truân. Tuy nhiên, động thái lấy ý kiến cổ đông về bổ sung ngành nghề sản xuất và kinh doanh sữa của Vinacafé đã sớm đánh tiếng về bước phát triển đột phá trong tương lai. Với sự đỡ đầu của Masan, những bước đi của Vinacafé Biên Hòa sẽ càng trở nên khó đoán. Động thái tiếp theo của Vinacafé Biên Hòa sẽ là mấu chốt để bức tranh toàn cảnh rõ ràng hơn.
Thanh Hà
nhịp cầu đầu tư
|