Thứ Tư, 04/06/2014 14:42

Khi cơ quan quản lý hiểu sai nghị định

Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM "đánh đồng” thủ tục cấp lại với thủ tục cấp mới giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là đã hiểu sai Nghị định 102 của Chính phủ, theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM.

Thông báo số 6107 ngày 16-5-2014 của Sở Lao động thương binh và xã hội gởi đến các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài thông điệp: “…Đối với những Giấy phép lao động đã được cấp theo quy định tại Nghị định 34 (2008) và Nghị định 46 (2011) mà hết thời hạn thì phải thực hiện cấp mới theo quy định tại Mục 3, Nghị định 102 (2013) của Chính phủ”.

Theo Mục 3, Nghị định 102 thì người nước ngoài đang làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp tại TPHCM, khi giấy phép lao động hết hạn, phải cung cấp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho cơ quan quản lý (sở) giấy chứng nhận trình độ - kinh nghiệm, lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe… thì mới được tiếp tục làm việc tại Việt Nam.

Cụ thể, như về lý lịch tư pháp, thì phải có xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam (Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia xác nhận trong trường hợp người nước ngoài đang và đã cư trú tại Việt Nam) và pháp luật nước ngoài (do cơ quan có trách nhiệm của nước ngoài xác nhận khoảng thời gian người nước ngoài cư trú ở nước ngoài) có giá trị trong thời hạn sáu tháng, tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Thực tế, quy định như thế, theo một cán bộ của Đại học RMIT Việt Nam - nơi đang có hơn 300 lao động nước ngoài làm việc - là vô lý. “Yêu cầu nộp lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam một thời gian có vẻ hợp lý, nhưng thực ra, nếu họ vi phạm pháp luật và bị kết án thì kết quả này đã chuyển cho cơ quan quản lý đối tượng là Sở Lao động Thương binh và Xã hội rồi”, vị này nói.

Và rõ ràng, trong Nghị định 102 cũng hoàn toàn không xác định thời gian người nước ngoài ở Việt Nam bao lâu thì mới được cơ quan chức năng của Việt Nam xác định lý lịch tư pháp. Cho nên, trong buổi đối thoại giữa Sở Lao động Thương binh và Xã hội với cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề này mới đây, đại diện sở cho biết “vấn đề này sở đang xin ý kiến của bộ”.

Đó là chưa nói đến những bất cập trong quy định phải nộp cả lý lịch tư pháp của nước ngoài. Theo vị đại diện RMIT, lao động nước ngoài đã không cư trú tại nước của họ kể từ khi sang Việt Nam làm việc (có trường hợp hơn 5 năm) nên một số nước không đồng ý cấp lý lịch tư pháp; nhiều nước yêu cầu công dân của họ phải quay về nước để nộp hồ sơ… Đó là chưa kể thời gian chờ cấp lý lịch tư pháp ở một số nước rất lâu, ví dụ như hiện nay, đối với Canada, việc xin cấp lý lịch tư pháp phải mất gần 6 tháng mới có kết quả.

Nhưng, đối với những người nước ngoài đã từng được cấp Giấy phép lao động tại Việt Nam, nghĩa là lý lịch tư pháp ở nước ngoài của họ “sạch sẽ” và họ đã nộp cho cơ quan chức năng Việt Nam rồi. Bây giờ yêu cầu họ cung cấp nữa thì có quá vô nghĩa chăng?

Thực ra, thông báo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài áp dụng Mục 3, Nghị định 102 cho trường hợp giấy phép lao động hết hạn là không đúng với tinh thần và nội dung của Nghị định 102. Vì Mục 3 Nghị định 102 quy định về “Cấp giấy phép lao động” trong khi, đối với những lao động đã từng có Giấy phép lao động tại Việt Nam thì phải áp dụng Mục 4 của Nghị định 102 mới quy định về “Cấp lại giấy phép lao động”.

Theo Mục 4, điều 13 quy định về các trường hợp cấp lại giấy phép lao độngnhư sau: (i) Giấy phép lao động bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động như họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số hộ chiếu; địa điểm làm việc; (ii) Giấy phép lao động hết hạn.

Và, để được cấp lại giấy phép lao động thì hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động đơn giản hơn cấp mới nhiều. Đối với trường hợp cấp lại giấy phép lao động trong trường hợp giấy phép bị mất, hỏng hay thay đổi nội dung thì cần phải có bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật và giấy phép lao động đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.

Đối với trường hợp cấp lại giấy phép lao động hết hạn thì phải có giấy phép lao động đã được cấp (trừ trường hợp bị mất) còn thời hạn ít nhất 5 ngày, nhưng không quá 15 ngày, trước ngày giấy phép lao động đã được cấp hết hạn; giấy chứng nhận sức khỏe; văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài và một trong các giấy tờ sau: văn bản của phía nước ngoài cử người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

Theo một lãnh đạo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thì tới đây bộ sẽ có hướng dẫn Nghị định 102 rõ ràng theo hướng thủ tục cấp lại giấy phép lao động đơn giản hơn thủ tục cấp mới rất nhiều.

Quang Chung

tbktsg online

Các tin tức khác

>   Mặt trăng đã có mạng Wi-Fi (04/06/2014)

>   "Tranh chấp Biển Đông có nguy cơ thành khủng hoảng toàn cầu" (04/06/2014)

>   Nhiều nước lên tiếng chỉ trích Trung Quốc tại Hội nghị bàn tròn (04/06/2014)

>   Sau 981, sắp đến giàn khoan 982 (04/06/2014)

>   “Trảm” nhà thầu sai phạm (04/06/2014)

>   "Giáo sư Mỹ" và âm mưu lừa đảo nghìn tỷ không thành (04/06/2014)

>   Trung Quốc tiếp tục dịch chuyển giàn khoan (04/06/2014)

>   Chi đến 10 triệu đồng mua 1 tin chống tham nhũng (04/06/2014)

>   Thay Tổng giám đốc đường sắt vì để công việc trì trệ (03/06/2014)

>   Lộ bằng chứng chủ tịch Platini nhận hối lộ từ Qatar (03/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật