Thứ Bảy, 28/06/2014 10:28

Kết nối doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư, thương mại

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Thương mại – Dịch vụ - Du lịch Việt Nam – Myanmar 2014 (từ 26 đến 29-6) tại Myanmar, ITPC đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Myanmar.

DN Việt Nam và Myanmar gặp gỡ trao đổi thông tin (Ảnh: ITPC cung cấp)

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, Myanmar là một trong những thị trường trọng điểm trong công tác xúc tiến thương mại và đầu tư của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam - Myanmar là sự kiện được tổ chức hằng năm để giới thiệu với người tiêu dùng và các doanh nghiệp Myanmar những hình ảnh mới nhất về hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Sau nhiều năm phục vụ người tiêu dùng Myanmar, hàng Việt Nam đã được nhìn nhận là những sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Myanmar. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng mong muốn các doanh nghiệp Myanmar sẽ ưu tiên hợp tác đầu tư kinh doanh nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội thảo tích cực trao đổi thông tin, tìm hiểu kết nối với đối tác nhằm nắm bắt đúng nhu cầu của đối tác và có những kế hoạch đầu tư, kinh doanh, dịch vụ du lịch thích hợp, góp phần vào sự phát triển tốt đẹp chung cho mối quan hệ hữu nghị toàn diện của Việt Nam và Myanmar.

Để chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư vào thị trường Myanmar đạt hiệu quả cao, ITPC đã thực hiện một cuộc khảo sát ghi nhận hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC cho biết, trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Myanmar, bên cạnh sự thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Doanh nghiệp Việt Nam muốn hình thành hệ thống phân phối sản phẩm, tạo mạng lưới bán lẻ hoặc cung ứng vào các công ty sản xuất thì khó tìm được đối tác Myanmar trực tiếp làm nhà phân phối, mà hiện đang hầu như phải thông qua các công ty thương mại.

Nhiều doanh nghiệp tại Myanmar kinh doanh chưa theo thông lệ quốc tế trong phương thức giao hàng, điều kiện thanh toán, chưa phổ biến hình thức giao dịch qua email, fax hay điện thoại gây hạn chế trong việc trao đổi, thương thảo. Thủ tục hải quan chưa thông thoáng, hàng nhập khẩu vào Myanmar chịu nhiều quy định phức tạp, như hàng hóa phải để ngoài bãi khoảng hai tuần thay vì đưa về kho để làm thủ tục. Một số mặt hàng được chuyển từ Việt Nam sang tham dự hội chợ, giá tính thuế bị áp cao hơn giá doanh nghiệp kê khai. Chi phí thuê đất, thuê mặt bằng khá cao (gấp 3 lần so với giá thuê trung bình tại TP.Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, chi phí vé máy bay kể cả quốc tế và quốc nội của Myanmar, cũng như chi phí khách sạn khá cao khiến ngành du lịch chưa thật sự tạo được sức hút, mặc dù các công ty du lịch Việt Nam rất mong muốn hợp tác phát triển du lịch hai chiều với Myanmar. Thời hạn lưu trú (visa) được Myanmar cấp phép cho nhân công nước ngoài không nhiều (chỉ khoảng 70 ngày), gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, thi công các công trình đòi hỏi công nhân có tay nghề kỹ thuật cao từ Việt Nam sang, có thời gian thi công dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm.

ITPC đã gửi đến chính quyền Yangon và các bộ, ngành những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Về chính sách, thủ tục pháp lý, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ Myanmar nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu như giấy phép nhập khẩu, giấy phép chuyên ngành, thời gian làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu … Đồng thời, xem xét lại chính sách cấp visa đối với nhân sự nước ngoài sang làm việc tại Myanmar; chính sách thuế với các giải pháp giảm giá thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn tại Myanmar.

Riêng các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý lớn của Việt Nam mong muốn tìm hiểu các quy định liên quan đến thủ tục và thuế suất để được phép nhập khẩu mặt hàng trang sức vàng bạn vào Myanmar, thủ tục và thuế suất xuất khẩu đá rời của Myanmar, muốn mua đá rời thì giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp Myanmar hay thông qua các đợt đấu giá.

Về thông tin, doanh nghiệp mong được thường xuyên cập nhật những thông tin mới về chính sách, thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, thuế, đất đai, vận chuyển, thanh toán, nhân lực; thông tin về nhu cầu thị trường, các lĩnh vực, các dự án mời gọi đầu tư. Doanh nghiệp Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Myanmar giới thiệu những địa chỉ, đường dây nóng có thể hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn; giới thiệu các kênh truyền thông và khung giờ quảng cáo hiệu quả với mức giá ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng...

Để phát triển du lịch, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ Myanmar có chính sách thu hút các hãng hàng không, trong đó có hàng không Myanmar và Việt Nam, nhằm tăng đầu tư, khai thác các tuyến bay giữa Việt Nam và Myanmar; xem xét điều chỉnh giá dịch vụ, đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài xây dựng thêm nhà hàng, khách sạn…

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ Myanmar tạo điều kiện cho các ngân hàng Việt Nam thành lập chi nhánh tại Myanmar giúp việc thanh toán trong giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp hai nước được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi.

Lê Thu

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Cửa khẩu Lao Bảo-Danhsavanh: Xuất nhập cảnh "một cửa, một lần dừng" (26/06/2014)

>   AFD tài trợ trên 2 triệu USD tăng cường xây dựng nông thôn (25/06/2014)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đầu tư sang Lào (18/06/2014)

>   Rolls-Royce mở đại lý đầu tiên ở thị trường Campuchia (16/06/2014)

>   Lào khánh thành Trung tâm kiểm soát không lưu ở sân bay Wattay (13/06/2014)

>   Myanmar tăng vốn Nhật, dừng dự án Trung Quốc? (12/06/2014)

>   Thêm một công trình mới mang dấu ấn của Việt kiều tại Lào (06/06/2014)

>   Nhập khẩu gỗ từ Campuchia tăng 15 lần (31/05/2014)

>   Việt Nam và Lào tăng cường thúc đẩy hợp tác đầu tư (26/05/2014)

>   Tòa án xét xử Khmer Đỏ tạm thời có tiền trả lương nhân viên bản địa (21/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật