Hàng loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bất động sản.
Theo cơ quan này, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, hoạt động của thị trường bất động sản thời gian qua đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định.
Đáng chú ý, từ năm 2010 đến nay, thị trường rơi vào tình trạng trầm lắng, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn không bán được dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án, có doanh nghiệp phá sản. Người mua nhà cũng gặp khó khăn do chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng hạn, tại nhiều dự án đã xảy ra tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư dự án, nhiều vụ lừa đảo gây thiệt hại lớn cho người mua.
Giá cả hàng hóa bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn; cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê.
Cùng với đó, việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân còn hạn chế, vì vậy quỹ nhà ở xã hội có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị.
Tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng còn diễn ra phổ biến, hàng tồn kho nhiều gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã triển khai xây dựng đề án phát triển thị trường bất động sản, trong đó đưa ra các giải pháp quản lý, phát triển cụ thể nhằm tái cơ cấu lại thị trường, hướng thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn.
Cụ thể, Bộ kiến nghị cần tập trung vào việc tiếp tục rà soát những quy định còn chồng chéo, những quy định không còn phù hợp với thực tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó là hoàn thiện cơ chế chuyển nhượng từng phần và toàn bộ dự án bất động sản theo hướng tạo điều kiện để các chủ đầu tư dễ dàng chuyển nhượng toàn bộ hoặc từng phần dự án để các dự án phát triển bất động sản được triển khai đúng tiến độ và kế hoạch. Xây dựng cơ chế bảo đảm quyền lợi của người mua bất động sản hình thành trong tương lai....
Các ngành chức năng cần tổ chức rà soát các dự án kinh doanh bất động sản đang triển khai, các dự án đã giao nhưng chậm triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển từng loại bất động sản của từng địa phương trong phạm vi cả nước...
Đối với các giải pháp về tài chính, cần sớm bổ sung hành lang pháp lý và tổ chức triển khai việc hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác bất động sản (REIT), quỹ tiết kiệm nhà ở... Nghiên cứu bổ sung cơ chế cho phép đưa bất động sản đáp ứng danh mục quỹ đầu tư bất động sản để hình thành quỹ đầu tư bất động sản.
Nghiên cứu xây dựng thị trường thế chấp thứ cấp (tái thế chấp) bất động sản, có sự hỗ trợ và kiểm soát của Nhà nước để tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng. Thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở làm công cụ để Chính phủ điều tiết và thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính nhà ở tại Việt Nam.
Nhà nước cũng cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, quy định về lệ phí trước bạ liên quan tới bất động sản theo hướng chỉ quy định một phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản bằng giá chuyển nhượng bất động sản nhân với thuế suất; nghiên cứu giảm mức lệ phí trước bạ để khuyến khích các giao dịch chính thức, hạn chế thấp nhất các giao dịch “ngầm” trên thị trường. ..
Nhà nước cũng cần có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cao cấp như khách sạn hạng cao cấp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, căn hộ cao cấp và hạ tầng các khu công nghiệp cần vốn đầu tư lớn cũng như các khu đô thị lớn mang tính đặc thù. Hạn chế giao các dự án nhỏ lẻ mà khả năng đầu tư trong nước có thể thực hiện. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cam kết đưa vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và tiến độ thực hiện dự án;
Đặc biệt, Bộ đề nghị Chính phủ có cơ chế kiểm soát tỷ lệ đầu tư vào bất động sản của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, đầu tư nội bộ của các ngân hàng vào bất động sản.
Cùng với đề án phát triển thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão lũ cho các hộ nghèo tại khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung, trong đó ngân sách Trung ương và địa phương cần chi khoảng 621 tỷ đồng, vốn huy động từ cộng đồng khoảng 800 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 86 nghìn hộ dân thông qua hình thức vay ưu đãi và hỗ trợ trực tiếp tối đa 16 triệu đồng/hộ.
Từ Nguyên
vneconomy
|