Góc nghị trường: “Hỏi thẳng đáp nghiêng nghiêng”
Không có cao trào, chẳng nhiều kịch tính, có lẽ điều đáng kể nhất ở phiên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất trước Quốc hội chiều 10/6 là sự thẳng thắn ở cách đặt vấn đề của một số vị đại biểu.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết cụ thể về các khoản nợ của Vinashin, Vinalines mà Chính phủ cho vay hoặc bảo lãnh vay đã và đang đáo hạn phải trả.
|
Xuất hiện ở vị trí thứ hai trong danh sách bấm nút, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói ngay rằng bà đã nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội phản ánh của cử tri về thực trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi, về những dấu hiệu lợi ích nhóm trong quản lý thị trường, điều hành giá kinh doanh xăng dầu.
Và, bà cũng đã kiên nhẫn nhiều lần đòi nợ lời hứa sớm sửa đổi Nghị định 84 được đưa ra từ 2011 nhưng cho đến nay vẫn không có kết quả.
Rồi không chỉ hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công Thương trong việc không thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội và trước cử tri cả nước, mà đại biểu Nga còn “xin trân trọng gửi đến Thủ tướng Chính phủ câu hỏi này”.
Khi đó, Thủ tướng ngồi ở hàng ghế đầu trong hội trường, cùng Tổng bí thư và Chủ tịch nước.
Liền sau đó, đại biểu Lê Thị Công đặt câu hỏi, nợ công có thực sự an toàn không khi đã có chuyện vay để trả nợ.
Tiếp theo, đại biểu Huỳnh Nghĩa hỏi các khoản nợ của Vinashin, Vinalines mà Chính phủ cho vay hoặc bảo lãnh vay đã và đang đáo hạn phải trả. Chính phủ có trả nợ thay không hoặc bảo lãnh vay đáo hạn hay không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Dũng vắn tắt là việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi của công ty mẹ của tập đoàn Vinashin và 8 công ty con giữ lại.
Số liệu nợ cũng đã được rà soát đối chiếu kỹ lưỡng và kết quả xử lý là giảm tới 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin.
“Về cụ thể, nếu đại biểu cần chúng tôi sẽ có trao đổi chi tiết với đại biểu”, ông Dũng dừng lời.
Không dùng từ “né”, song một số vị đại biểu nhận xét, Bộ trưởng rất “thuộc bài”, dù mới “trả bài” lần đầu tiên.
Với chất vấn của đại biểu Công, Bộ trưởng nói thời điểm cuối năm 2013 tỷ lệ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách nếu tổng số thì nó vượt ngưỡng 25%. Nhưng phân tích sâu thì trong này có khoảng trên 10% là số chúng ta vay đảo nợ, cho nên tính đúng mà vay đảo nợ thì không làm phát sinh thêm nghĩa vụ nợ.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại ý của đại biểu, rằng vay để trả nợ đến hạn thì tác động đến nợ công thế nào?
Đảo nợ tức là không phát sinh nghĩa vụ nợ mới, nhìn chung không ảnh hưởng đến nợ công. Khẳng định lại như vậy song Bộ trưởng Dũng nói thêm: “Vấn đề ở đây làm sao chúng ta phải huy động được vốn trong thời gian tới có thời hạn huy động dài hơn thời hạn hiện nay”.
Theo dõi phiên chất vấn qua truyền hình trực tiếp, một vị chuyên gia tài chính bình luận, “đại biểu hỏi thẳng song Bộ trưởng lại đáp nghiêng nghiêng”. Câu trả đảo nợ tức là không phát sinh nghĩa vụ nợ mới, nếu "xoay" tiếp thì Bộ trưởng có thể sẽ lúng túng, vị này nói.
Có thể là không phát sinh nghĩa vụ nợ mới, nhưng khi đảo nợ rồi thì ảnh hưởng thế nào đến việc tiếp tục vay, đó chính là tác động cần đánh giá, một vị đại biểu nhận xét.
Với câu hỏi của đại biểu Nga, phần trả lời, Bộ trưởng Dũng nhận xét: “Nghị định 84 vừa qua trong điều hành cơ bản có thể nói đáp ứng được yêu cầu”.
Ông cũng có thêm một phát hiện là “đến bây giờ nhân dân cả nước, các cơ quan đơn vị cũng đã quen với giá xăng dầu thường xuyên lên xuống”. Đâu đó có một số tiếng cười ngay trong hội trường.
Cũng may, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn khi được mời “chia lửa”. Ông nói, “chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm ban hành Nghị định 84”.
Và ông thêm một lần hứa sau khi Thủ tướng xem xét tờ trình gần đây nhất của các bộ, ngành mà Bộ Công Thương làm đầu mối sẽ cố gắng để trong thời gian sớm nhất có thể ban hành nghị định thay thế Nghị định 84.
Hy vọng, đây là lời hứa sau cùng của các bộ trưởng, liên quan đến nghị định mà đại biểu Nga đã “đòi” ròng rã suốt ba năm qua.
Nguyên Thảo
vneconomy
|