ĐHĐCĐ JVC: Quyết tâm đẩy “cục máu đông” hàng tồn kho hơn 570 tỷ đồng
ĐHĐCĐ thường niên 2014 của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) đã thông qua việc giải quyết hàng tồn kho từ năm trước và dự kiến lợi nhuận sau thuế cao gấp 3 lần với 135 tỷ đồng.
Tại đại hội thường niên 2014 tổ chức ngày 23/06/2014 của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật, đứng trước khá nhiều những thắc mắc, lo âu của cổ đông về tình hình kinh doanh trong năm 2013 cũng như định hướng phát triển trong những năm tới, ban lãnh đạo công ty đã giải trình khá chi tiết về quản lý bộ máy, xây dựng chính sách… và điển hình là việc thay đổi niên độ kế toán kể từ năm 2015.
ĐHĐCĐ thường niên 2014 của JVC tổ chức ngày 23/06/2014
|
Hàng tồn kho: “Cục máu đông” từ quý 3 năm ngoái
Tại đại hội lần này, những câu hỏi về nguyên nhân cũng như phương hướng để xử lý lượng hàng tồn kho lên đến 450 tỷ đồng cuối năm 2013 (đến cuối quý 1/2014 là hơn 570 tỷ đồng) nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía cổ đông. Ông Hướng giải thích do trong những năm trước, với những gói thầu lớn (40-50 tỷ đồng) JVC thường tiến hành nhập hàng trước sau đó mới đấu thầu, với mong muốn ký hợp đồng xong doanh nghiệp có thể lắp đặt máy và thu tiền ngay trong tháng đó. Hiển nhiên nếu làm như vậy về mặt sổ sách sẽ rất “đẹp”, nhưng nếu tính kỹ, doanh nghiệp phải chịu một mức rủi ro rất cao khi thị trường có những diễn biến phức tạp. Điển hình như cuối năm 2013, do chính phủ cắt giảm mạnh chi tiêu khiến hàng tồn kho của JVC “đội” lên hơn 200 tỷ đồng dự kiến bán cho các dự án trong quý 3 và quý 4. Thậm chí, một bệnh viện lớn đã cắt hẳn hợp đồng đã ký với JVC cũng vì chính sách trên. Ban lãnh đạo cho biết sẽ lấy đó làm kinh nghiệm xương máu để có chính sách quản trị rủi ro tốt hơn cho những năm sau.
Ông Hướng cho biết thêm một số dự án hoãn từ quý 3 năm ngoái đã được khởi động lại, bàn giao xong, trong khi đó từ đầu năm đến nay một số dự án đã trúng thầu hoặc đang làm thủ tục tham dự thầu nhằm đẩy nhanh tốc độ hàng lưu kho.
Kế hoạch lãi sau thuế 2014 cao gấp 3 lần năm trước
Trình bày trước cổ đông, ông Hướng cũng cho hay doanh thu của JVC 6 tháng đầu năm được dự đoán trên 300 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng. Cùng với việc kỳ vọng mô hình xử lý nước thải trong năm đầu tư thứ 3 sẽ triển khai đến 12 tỉnh thành cũng góp phần mang lại gần 25 tỷ đồng vào lợi nhuận chung của doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, JVC đang tồn đọng khoảng gần 80 hợp đồng với các bệnh viện đa khoa tỉnh trên toàn quốc, trong đó gần 12 hợp đồng là bệnh viện trung ương.
Ông Hướng cho biết thêm để đầu tư cho một bệnh viện tầm cỡ lớn, điển hình hợp đồng tổng thể cho Bệnh viện Bạch Mai bao gồm cụm điều trị ung thư, cụm chẩn đoán hình ảnh thì chi phí đầu tư lên đến 140 tỷ đồng. Chính vì vậy, JVC chỉ chọn ra một số bệnh viện mang lại tính khả thi cao nhất nên có thể từ chối một số dự án hoặc sẽ kết hợp với một số đơn vị khác bán máy cho khách hàng do hiện tại JVC chưa đủ nguồn lực để đầu tư.
Khi được cổ đông hỏi về định hướng phát triển chuỗi trung tâm xét nghiệm trong thời gian tới, ông Hướng xin phép cổ đông vì đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến định hướng kinh doanh của JVC và hứa sẽ trả lời vào cuối năm.
Đề cập đến việc phát triển 130 xe khám bệnh lưu động trong năm nay, ông Hướng kỳ vọng mảng kinh doanh này sẽ đóng góp gần 200 tỷ doanh thu, tương đương 18-20% doanh thu của cả năm. Nguồn tài trợ chính để phát triển chủ yếu từ lợi nhuận năm 2013. Ban lãnh đạo JVC cho biết thời gian chế tạo xe mất khoảng 3-4 tháng, hoàn toàn do đội ngũ kỹ sư của doanh nghiệp chế tạo, cùng với nhu cầu tại các khu công nghiệp hiện tại mới 5%, khả năng thu hồi vốn nhanh thì đây sẽ là mảng kinh doanh nhiều triển vọng cho JVC trong thời gian tới.
Theo đó, JVC đặt kế hoạch doanh thu năm 2014 đạt 700 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến cao gấp 3 lần và đạt 135 tỷ đồng.
Trong năm 2013, JVC đạt doanh thu thuần 594 tỷ và lợi nhuận sau thuế 41.7 tỷ đồng, giảm lần lượt 22% và 75% so với năm 2012. Công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc doanh thu của JVC sụt giảm mạnh là do các hợp đồng cung cấp thiết bị cho các đơn vị hành chính đều bị trì hoãn dẫn tới việc ghi nhận doanh thu không kịp triển khai.
Cũng trong năm 2013, JVC đã phát hành 9,917,600 cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tổng khối lượng vốn huy động được 148,76 tỷ đồng. Công ty đã tiến hành đầu tư thiết bị chẩn đoán và điều trị ung thư đặt tại Bệnh viên Việt Đức và Bệnh viện K.
Đổi niên độ kế toán từ năm 2015
Tại đại hội lần này, HĐQT của JVC đã trình cổ đông thông qua đề xuất thay đổi niên độ kế toán. Theo đó, niên độ tài chính năm 2014 sẽ bắt đầu từ ngày 01/01/2014 và kết thúc vào ngày 31/03/2015. Và từ năm 2015 trở đi, niên độ tài chính thống nhất sẽ bắt đầu tư ngày 01/04 kết thúc ngày 31/03 năm kế tiếp.
Ông Lê Văn Hướng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc JVC cho biết nguyên nhân xuất phát từ chính sách thanh toán, cuối năm mới giải ngân của đa phần các bệnh viện, trung tâm y tế trong nước. Theo như những năm trước, các cơ sở bệnh viện này sẽ bắt đầu xin cấp vốn vào quý 1; trong quý 2 và quý 3 sẽ lên hồ sơ, chuẩn bị đấu thầu và nếu JVC đấu thầu thành công sẽ bắt đầu tiến hành bàn giao cùng với việc ghi nhận doanh thu vào quý 4. Điều đó phần nào giải thích doanh thu của JVC chủ yếu đều ghi nhận trong 3 tháng cuối năm. Trường hợp trong năm 2013, JVC đã phải chịu áp lực rất lớn để chạy kịp doanh thu trong tháng 12 – ông Hướng chia sẻ thêm.
Bà Hồ Bích Ngọc – Kế toán trưởng JVC cho biết do được UBCK, CTCK và đơn vị kiểm toán tư vấn nên năm tài chính đầu tiên của JVC sẽ gộp cả quý đầu 1/2014. Tuy nhiên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm nay đặt ra trên cơ sở 12 tháng, bắt đầu từ 1/4/2014 đến 30/3/2015.
Gia Nguyên
CÔNG LÝ
|