Thứ Năm, 12/06/2014 15:39

Dấu hiệu bất thường của một nền kinh tế

Trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ra một quyết định hơi lạ: giảm lãi suất tiền gửi tại ECB từ 0% xuống -0,1%, bên cạnh việc cắt giảm một số lãi suất khác. Hãng tin BBC nhận định cái không bình thường của chính sách này phản ánh tình hình không bình thường của kinh tế châu Âu.

Về mặt kỹ thuật, đây chỉ là tiến trình hạ lãi suất để kích thích kinh tế thường thấy, trong bối cảnh châu Âu đối mặt với nguy cơ giảm phát và tăng trưởng chậm. Điểm “nóng, sốt” ở chỗ đây là một mức lãi suất âm. Nhiều tờ báo nhận định đây là ngân hàng trung ương đầu tiên trong số những ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới áp dụng lãi suất âm.

Tuy động thái này đã được một số tờ báo và chuyên gia kinh tế dự báo trước khi diễn ra, đây vẫn là một chính sách “táo bạo” và “không bình thường”, từ mà Howard Archer, kinh tế gia của IHS Global Insight, một công ty chuyên cung cấp và phân tích thông tin, sử dụng. Hãng tin BBC nhận định cái không bình thường của chính sách này phản ánh tình hình không bình thường của kinh tế châu Âu.

Vậy kinh tế châu Âu ra sao mà người ta phải dùng những chính sách không bình thường như vậy?

Thật ra, nó không lạ lắm với những người theo dõi tình hình kinh tế của Việt Nam, đó là lạm phát thấp hơn dự kiến, tăng trưởng chậm và ngân hàng siết chặt cho vay. Chi tiêu tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu đều tăng chậm hơn cùng kỳ năm ngoái. Và kết quả là nhiều mặt hàng giảm giá, lạm phát quá thấp so với mục tiêu chính sách 2%.

Nỗi lo giảm phát khiến nhiều người kinh doanh bất an. Tờ New York Times dẫn một tình huống của một bà chủ tiệm kinh doanh dịch vụ làm đẹp cho giới trung lưu Hy Lạp như sau: trước đây bà thường tính 30 euro cho dịch vụ cắt tóc, bây giờ đối thủ cạnh tranh của bà liên tục hạ giá, xuống 20 euro, rồi dưới 7 euro. Với việc thu nhập của khách hàng kém đi, họ sẽ tìm kiếm những tiệm có mức giá rẻ hơn. Và kết quả là bà chủ tiệm này phải sa thải hầu hết nhân viên vì doanh thu sụt giảm mạnh và nợ nần tăng.

Ví dụ này cho thấy một nghịch lý: trong khi đúng ra giá cả giảm thì người tiêu dùng phải vui mừng, trong một môi trường kinh doanh như vậy, hóa ra chả ai có lợi cả. Vì những người kinh doanh nhỏ không thể cắt giảm giá dịch vụ, hàng hóa mà không tiết kiệm chi phí, thu hẹp hoạt động và sa thải nhân viên. Càng nhiều người mất việc thì kinh tế càng tệ. Trước tình hình đó, hạ lãi suất để kích thích kinh tế là điều tất yếu ECB phải làm.

Vấn đề của châu Âu tựu trung lại vẫn là tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao và tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nó là kết quả của việc năng lực cạnh tranh của nhiều nước châu Âu suy yếu quá nhiều, trong khi họ vẫn sử dụng đồng tiền chung nên chẳng có cách nào mà phá giá đồng tiền nước mình để cải thiện năng lực cạnh tranh cả.

Bên cạnh việc thực thi lãi suất âm, trong gói chính sách lần này của ECB còn có việc tung ra gói cho vay lãi suất thấp, cố định trong dài hạn, quy mô khoảng 400 tỉ euro, và nhiều biện pháp bơm tiền ra nền kinh tế, cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng. Đối với giới tài chính, quy mô của những biện pháp này có phần ngoài dự đoán, và đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, những người hoài nghi, trong đó có người viết, thắc mắc là liệu làm như vậy có giúp ích được gì cho tình trạng hiện nay của châu Âu? Ép ngân hàng hưởng lãi suất âm cho việc gửi tiền ở ECB, và hỗ trợ thanh khoản, cấp vốn rẻ đâu có đồng nghĩa là họ sẽ tăng cho vay? Nhiều báo cáo về kinh tế châu Âu lặp đi lặp lại hai vấn đề: nhu cầu tín dụng thấp và khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nền kinh tế ngoại biên châu Âu là có vấn đề. Những biện pháp ECB vừa làm chẳng có vẻ gì sẽ cải thiện tình hình này.

Một ngân hàng có vấn đề ở những nước Ý, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha liệu sẽ có thể cho vay đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều rủi ro hay họ sẽ lấy tiền đi mua trái phiếu chính phủ hay làm gì đó an toàn mà sinh lợi kha khá, sau khi những biện pháp của ECB giúp họ cải thiện thanh khoản và có thêm vốn rẻ?

Còn việc áp dụng lãi suất tiền gửi âm cho các khoản tiền gửi ở ECB nhiều khả năng sẽ chẳng thể tác động gì ở các ngân hàng có vấn đề như thế cả. Đơn giản là vì quy mô tiền gửi của ngân hàng thương mại ở ECB là không lớn, mặt khác, chủ yếu là đến từ những ngân hàng vững mạnh hơn.

Một vài quan điểm hoài nghi cho rằng, những biện pháp hiện nay của ECB có thể giải quyết hai trong ba vấn đề của thị trường vay mượn ở khu vực này, đó là thanh khoản và vốn của các ngân hàng. Nhưng nó không giải quyết vấn đề thứ ba: nỗi sợ rủi ro.

Vấn đề của châu Âu tựu trung lại vẫn là tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao và tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nó là kết quả của việc năng lực cạnh tranh của nhiều nước châu Âu suy yếu quá nhiều, trong khi họ vẫn sử dụng đồng tiền chung nên chẳng có cách nào mà phá giá đồng tiền nước mình để cải thiện năng lực cạnh tranh cả.

Một số nước đã chọn cách phá giá nội bộ, giảm lương nhân công, thực hiện một số biện pháp thắt lưng buộc bụng để kéo chi phí nhân công xuống nhằm cải thiện sức cạnh tranh. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu của giới kinh tế lẫn thực tiễn chỉ ra giải pháp này không hiệu quả, mà hai nguyên nhân quan trọng là thị trường việc làm ở một số nước khiến cho việc ép tiền lương xuống không đủ mạnh, và thứ hai là ép tiền lương xuống như vậy thì đương nhiên nhu cầu tiêu dùng cũng giảm. Kinh tế yếu hơn, dân nghèo hơn, chi phí nhân công có vẻ giảm nhưng không đủ để tạo ra tăng trưởng vì nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng giảm!

Hy vọng le lói cho châu Âu là nằm ở chỗ những biện pháp này tự nó sẽ làm giảm giá đồng euro so với những đồng tiền khác. Biết đâu như vậy sẽ cải thiện sức cạnh tranh thêm một bậc nữa. Và biết đâu khi nhà băng có thêm tiền trong một thời gian dài hơn, họ sẽ hành động khác.

Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol, Anh)

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nhiều nước châu Âu muốn tính mại dâm, ma túy vào GDP (12/06/2014)

>   Giới chức Mỹ hối thúc tăng đầu tư tạo đà tăng trưởng kinh tế (12/06/2014)

>   Anh sẽ khắt khe hơn châu Âu trong việc xử tội thao túng tỷ giá và lãi suất (12/06/2014)

>   Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng mạnh trong tháng Năm (12/06/2014)

>   World Bank hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2014 (11/06/2014)

>   Ấn Độ ráo riết thu hồi dòng tiền chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp (11/06/2014)

>   Dầu trượt khỏi đỉnh 3 tháng trước số liệu nguồn cung (11/06/2014)

>   OECD cảnh báo các nền kinh tế mới nổi mất đà tăng trưởng (11/06/2014)

>   Vàng vượt 1,260 USD/oz, palladi cao nhất 3 năm (11/06/2014)

>   Chứng khoán leo thang, tài sản tư nhân toàn cầu tăng vượt 150 ngàn tỷ USD (10/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật