Thứ Năm, 12/06/2014 15:45

“Cuộc chơi” tỷ giá và sự chủ động của nhà điều hành

Liên tiếp trong ba tuần gần đây, tỷ giá trong hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng cao, thậm chí có lúc “kịch trần”. Vậy đã đến lúc để điều chỉnh tỷ giá? Thế chủ động hoàn toàn nằm trong tay nhà điều hành.

Tăng do đâu?

Tỷ giá bắt đầu xu hướng tăng khá vững chắc kể từ ngày 14-5 cho đến nay với mức độ tăng được tích lũy dần qua từng phiên. Biên độ tăng trung bình khoảng 15 đồng/đô la Mỹ mỗi phiên, trong đó có những phiên tăng đột biến với biên độ lớn nhất khoảng 50 đồng/đô la. Tổng kết lại có hai nguyên nhân chính khiến tỷ giá “tạo sóng” trong suốt hơn ba tuần qua.

Thứ nhất, căng thẳng chính trị tại biển Đông khiến tâm lý bất ổn gia tăng. Các ngân hàng co về trạng thái phòng thủ thanh khoản trong khi người dân có xu hướng tìm đến các kênh trú ẩn an toàn như vàng và ngoại tệ. Sự chuyển hướng của “dòng tiền thông minh” trong thực tế có thể không quá lớn, bằng chứng là tiền gửi huy động tiết kiệm tính đến cuối tháng 5 vẫn tăng 4,2% so với cuối năm 2013 (cao hơn 1% so với mức tăng trưởng 3,09% vào thời điểm cuối tháng 4) nhưng sự khuếch tán của yếu tố tâm lý cùng sự bất cân xứng trong việc tiếp cận thông tin đã tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ tạo sóng trên thị trường ngoại hối.

Thứ hai, kỳ vọng giảm giá tiền đồng trong toàn xã hội hiện đang ở mức khá lớn. Kể từ lần giảm giá tiền đồng gần nhất (tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% ngày 27-6-2013) cho đến nay, đã gần tròn một năm tỷ giá hầu như đứng yên.

Thêm vào đó, trong thông điệp đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cũng đề cập đến khả năng tiếp tục giảm giá tiền đồng trong năm 2014 nhưng sẽ không quá 2%. Đã nửa năm trôi qua vẫn chưa có động thái điều chỉnh nào từ phía NHNN. Điều này càng làm tăng kỳ vọng của thị trường vào khả năng sẽ giảm giá tiền đồng vào thời điểm tương đương với lần điều chỉnh gần nhất (cũng trong tháng 6).

“Nước lên thì thuyền lên”, với thanh khoản tiền đồng ở mức dồi dào, không loại trừ khả năng các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đang lợi dụng tâm lý đầu cơ và kỳ vọng phá giá tiền đồng để tranh thủ tạo sóng. Cho dù biên lợi nhuận là rất nhỏ (chưa đến 1%) nhưng khối lượng giao dịch lớn chỉ trong thời gian ngắn cũng có thể giúp các ngân hàng thu được phần nào lợi nhuận nhằm “gỡ gạc” cho sự đìu hiu của mảng tín dụng.

Khi nào sẽ điều chỉnh tỷ giá?

Vì không có sức ép nào từ bên ngoài nên việc điều chỉnh tỷ giá (nếu có) sẽ chủ yếu đến từ mong muốn chủ quan của nhà điều hành. Hai năm gần đây, trong thông điệp đầu năm, NHNN đều đưa ra biên độ dao động tối đa cho tỷ giá là 2%. Điều này thể hiện định hướng sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá của NHNN nhưng mức độ giảm giá sẽ diễn ra từ từ theo kiểu “trườn bò”, tránh gây sốc cho thị trường.

Hiện các yếu tố khách quan chưa buộc nhà điều hành phải điều chỉnh tỷ giá ngay. Cung cầu ngoại tệ trong năm tháng đầu năm đang nghiêng hẳn về phía cung với xuất siêu đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ trong khi các nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam mặc dù không thật sự nổi trội so với mọi năm nhưng vẫn duy trì ở mức khá.

Về FDI, vốn đăng ký tuy có sụt giảm mạnh (giảm 34%) nhưng chủ yếu do cùng kỳ năm 2013 có hai dự án quy mô vốn lớn đột biến được cấp phép là Samsung Thái Nguyên (2 tỉ đô la) và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn Thanh Hóa (2,8 tỉ đô la). Tuy vậy, vốn giải ngân FDI vẫn tăng nhẹ 0,4%.

Một vài lo ngại liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời bỏ Việt Nam sau các vụ bạo động tại Bình Dương và Vũng Áng đã nhanh chóng được dập tắt bằng các động thái trấn an kịp thời và cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị thiệt hại của Chính phủ.

Hoạt động cấp vốn ODA từ Nhật Bản vẫn đang được duy trì, ngoại trừ phần viện trợ cho dự án có dính líu đến vụ tiêu cực của ngành đường sắt nhận tiền hối lộ từ nhà thầu JTC.

Về vốn FII, khối ngoại vẫn đang đổ tiền mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thể hiện qua lượng tiền mua ròng trên sàn HSX đạt mức 4.500 tỉ đồng (hơn 200 triệu đô la Mỹ) trong năm tháng đầu năm. Ngoài lượng cung từ các tổ chức, một lượng lớn ngoại tệ đã được người dân bán lại cho các ngân hàng để chuyển đổi sang tiền đồng nhằm hưởng lãi suất cao hơn.

Nói tóm lại, cung ngoại tệ đang vượt trội so với cầu. Chẳng thế mà trong suốt quí 1-2014, NHNN đã mua được khoảng 7,7 tỉ đô la Mỹ, giúp nâng dự trữ ngoại hối lên con số 35 tỉ đô la.

Vì không có sức ép nào từ bên ngoài nên việc điều chỉnh tỷ giá (nếu có) sẽ chủ yếu đến từ mong muốn chủ quan của nhà điều hành. Hai năm gần đây, trong thông điệp đầu năm, NHNN đều đưa ra biên độ dao động tối đa cho tỷ giá là 2%. Điều này thể hiện định hướng sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá của NHNN nhưng mức độ giảm giá sẽ diễn ra từ từ theo kiểu “trườn bò”, tránh gây sốc cho thị trường.

Theo nhiều nghiên cứu, tiền đồng hiện được định giá quá cao so với đô la Mỹ do trong các năm qua biên độ điều chỉnh tỷ giá không tương xứng với chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ. Tiền đồng được định giá cao không những làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu mà còn tạo điều kiện để hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam.

Vấn đề này càng trở nên nóng hơn sau sự kiện biển Đông đòi hỏi Việt Nam phải dần giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị từ Trung Quốc. Muốn làm được điều này, Việt Nam cần phải tìm các nguồn nhập khẩu mới, đồng thời tăng sức cạnh tranh của chính các doanh nghiệp Việt Nam trên sân nhà. Tỷ giá là một phần quan trọng của bài toán tổng thể đó.

Tuy nhiên, việc đưa tiền đồng về đúng giá trị thực của nó là một lộ trình dài. Trên lộ trình đó, NHNN đang đi từng bước nhỏ hết sức thận trọng, nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô.

Trong bối cảnh đó, theo người viết, việc giảm giá tiền đồng sẽ diễn ra khi thị trường vàng trở về trạng thái hoàn toàn bình ổn sau các đợt tăng nóng gần đây, lãi suất liên ngân hàng cũng không còn biến động mạnh và/hoặc sau khi mặt bằng lãi suất được định hướng giảm tiếp thêm 0,5-1%.

Một điểm nhấn không thể không nhắc tới của việc điều hành tỷ giá ba năm trở lại đây là niềm tin vào chính sách đã được cải thiện rất nhiều. Khi người dân có niềm tin vào chính sách thì phí tổn điều hành sẽ được giảm bớt đáng kể trong khi hiệu quả vẫn được như mong muốn.

Linh Trang

tbktsg

Các tin tức khác

>   Để lâu nợ xấu hóa bùn được chăng? (12/06/2014)

>   TP.HCM: Tín dụng 5 tháng tăng 1,27% (12/06/2014)

>   Một số ngân hàng đặt quy định riêng cho vay gói 30.000 tỉ đồng (12/06/2014)

>   Không giảm trần lãi suất huy động (11/06/2014)

>   "Việt Nam đã tiến xa trong việc cải thiện về minh bạch tài khóa" (11/06/2014)

>   TP. Hồ Chí Minh: Cho vay dài hạn đang tăng (11/06/2014)

>   SHB: Ngân hàng duy nhất nhận 2 giải thưởng của GBFR (11/06/2014)

>   Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách (11/06/2014)

>   Khi người vay tiền bị... “săn lùng” (11/06/2014)

>   Ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất huy động (10/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật