Công ty chứng khoán trong cuộc đua tranh thị phần môi giới!
Ưu đãi và miễn giảm lãi suất ký quỹ, nâng cao chất lượng tư vấn, đầu tư cho đội ngũ phân tích là những mảng được các công ty chứng khoán chú trọng phát triển, được xem là yếu tố quyết định tính cạnh tranh trong cuộc chiến gia tăng thị phần môi giới.
Thị trường Chứng khoán Việt Nam đã có hơn 13 năm hoạt động, từ buổi ban đầu người người chơi chứng, nhà nhà chơi chứng với khoản lợi nhuận khủng, rồi đến khoảng thời gian đánh thế nào cũng lỗ... Trải qua những thăng trầm, thị trường càng trưởng thành, nhà đầu tư càng trở nên chuyên nghiệp thì thị hiếu, nhu cầu cũng sẽ trở nên khó chiều hơn.
Do đó, để tồn tại và phát triển trong vòng xoáy khắc nghiệt này, đặc biệt là thời điểm tái cấu trúc ngành chứng khoán đang diễn ra mạnh mẽ, mỗi công ty chứng khoán hướng đến những chiến lược riêng và phù hợp với lợi thế riêng của từng đơn vị để bắt kịp xu thế, đáp ứng đúng nhu cầu và “hút” nhà đầu tư.
Ưu đãi và miễn giảm lãi suất ký quỹ, nâng cao chất lượng tư vấn, đầu tư cho đội ngũ phân tích là những mảng được các công ty chứng khoán chú trọng phát triển, được xem là yếu tố quyết định tính cạnh tranh trong cuộc chiến gia tăng thị phần môi giới.
Khi cuộc đua tranh thị phần môi giới càng trở nên khốc liệt, mỗi công ty chứng khoán cần tìm ra hướng đi riêng để giành phần thắng
|
Tại CTCK Vndirect (VND), công ty đưa ra những ưu đãi về ký quỹ như cung cấp tỷ lệ 40% trên tổng giá trị tài khoản đồng thời miễn lãi cho nhà đầu tư trong vòng 4 ngày, tức là nhà đầu tư có thể mua chứng khoán về bán thậm chí giữ 1 ngày vẫn không chịu lãi. “Sản phẩm này sẽ phục vụ phân khúc khách hàng nhạy bén, cảm quan thị trường tốt và chuyên nghiệp” – Ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Kinh doanh VND cho biết.
Phí môi giới tại đây cũng được chia ra hai loại, dành cho nhà đầu tư cần tư vấn và nhà đầu tư không cần tư vấn. Với nhà đầu tư không cần tư vấn VND áp mức phí giao dịch 0.15%, còn với nhà đầu tư muốn được tư vấn thì mức phí là 0.25%. Theo ông Điệp, công ty luôn chú trọng nâng cao tri thức môi giới. Khi thị trường càng chuyên nghiệp, sự cần thiết được tư vấn càng tăng lên cho nên mỗi người môi giới cần có kiến thức nhất định để tư vấn cho nhà đầu tư. Định kỳ, VND luôn có đánh giá NAV của các tài khoản mà người môi giới chăm sóc so với mức biến động thị trường.
CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) chọn tính an toàn và ổn định cho tài khoản nhà đầu tư làm tiêu chí chính cho mình. Từ năm 2008, MBKE đã có bộ phận quản trị rủi ro để hỗ trợ, cảnh báo đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ danh mục có mức rủi ro cao.
Ông Hoàng Công Nguyên Vũ - Giám đốc Khối Nghiệp vụ chia sẻ, MBKE chỉ cung cấp những sản phẩm theo quy định của cơ quan quản lý, không cung cấp các sản phẩm ngoài luồng, sản phẩm MBKE tập trung vào tiện dụng, đa dạng và an toàn.
Cũng theo nguyên tắc này, MBKE là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tách bạch tài khoản của nhà đầu tư với công ty. Ông Kim Thiên Quang - Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân cho biết, điều này đảm bảo MBKE không dùng nguồn tiền của nhà đầu tư. Ngay cả những sản phẩm mà công ty cung cấp như margin cũng không sử dụng nguồn tiền của nhà đầu tư.
Tương lai, MBKE tập trung vào sản phẩm của phòng phân tích, chất lượng các báo cáo phân tích mà không chú trọng đến sản phẩm tài chính (đòn bẩy, phí giao dịch…). Lý giải cho điều này, ông Quang cho rằng trải qua nhiều biến động của thị trường, nhà đầu tư dần không quan tâm nhiều đến các sản phẩm tài chính, phí hay thông tin mà chú trọng nhiều đến phân tích. Cái nhà đầu tư quan tâm cuối cùng là lợi nhuận và họ sẽ cần đến những tư vấn, định hướng của bộ phận phân tích để có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Do vậy, ông Quang cho biết một trong những hướng tập trung của MBKE là đào tạo cho nhân viên môi giới trở nên chuyên nghiệp hơn.
MBKE cũng hướng đến công nghệ để đem lại cho nhà đầu tư tiện lợi trong giao dịch, có thể thực hiện tất cả các bước từ lúc mở tài khoản đến lúc đóng tài khoản mà không cần phải đến công ty chứng khoán.
Cùng quan điểm, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh - Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC) chia sẻ, tôn chỉ từ lúc bắt đầu hoạt động cho đến cả sau này, Bản Việt luôn đặt trọng tâm là phát triển về con người. Bà Quỳnh cho biết, thêm việc cung cấp thông tin chính là điểm mạnh của Bản Việt. Bởi nếu sử dụng vốn vay để tăng đòn bẩy thì đơn vị này còn hạn chế về vốn. Xét về thâm niên hoạt động trên thị trường, Bản Việt cũng khá yếu thế.
Ngoài bộ phận môi giới được chú trọng đào tạo, bộ phận phân tích của Bản Việt cũng được đầu tư kỹ và báo cáo ra đều đặn trong năm. Theo bà Quỳnh, mạng lưới liên hệ của Bản Việt với các doanh nghiệp rộng nên thông tin khá nhanh.
Nói về sản phẩm dịch vụ cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, bà Quỳnh cho biết, mức phí giao dịch dao động từ 0.15-0.25%; tỷ lệ margin từ 0.3-0.5, tổng danh mục cho vay trên 200 mã và phục vụ cho các đối tượng nhà đầu tư với mức phí cho vay 0.041%/ngày.
Như vậy, để cạnh tranh được trong môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn với những khách hàng càng lúc càng khó chiều, mỗi công ty chứng khoán bên cạnh việc phát huy thế mạnh hiện có thì cũng rất chú trọng đến bộ phận môi giới. Chú trọng ở đây không phải về lượng mà về chất, mỗi chuyên viên môi giới cần được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về thị trường để có thể đưa ra các nhận định định hướng cho nhà đầu tư. Một chuyên viên môi giới tại CTCK FPT (FPTS) chia sẻ với chúng tôi rằng việc nhà đầu tư mở tài khoản chỉ là bước đầu tiên, tư vấn mới khiến khách hàng giao dịch và ở lại lâu. Anh cho biết thêm, hiện nay FPTS thường xuyên tổ chức nội bộ các khóa học về phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, định giá… cũng như cho đội ngũ môi giới đi học các lớp phân tích kỹ thuật tại trung tâm đào tạo.
Trong Top 10 thị phần môi giới trên HOSE quý 1/2014 vừa qua, ngoài trừ hai “ông lớn” trong ngành chứng khoán, những đơn vị còn lại theo nhau khá sát khi mức độ chênh lệch tỷ lệ phần trăm thu hẹp đáng kể so với cuối năm 2013. Điều này cũng đòi hỏi công ty chứng khoán phải nỗ lực làm mới mình mạnh mới có thể tạo được sự bứt phá.
Mỹ Hà
công lý
|