Chất lượng vàng vẫn bị thả nổi
Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất lượng vàng, trang sức có hiệu lực cả tuần nay, nhưng hầu hết cơ sở kinh doanh vàng vẫn kinh doanh theo “lối cũ”, chất lượng vàng vẫn bị thả nổi.
Chấp hành kiểu đối phó
Khảo sát các tiệm vàng nữ trang trên phố Hà Trung, Hàng Bạc, Hàng Bông (Hà Nội), dễ dàng nhận thấy việc ghi nhãn thông tin về hàm lượng, trọng lượng, xuất xứ... các sản phẩm nữ trang được thực hiện sơ sài, lộn xộn. Một số tiệm vàng có khắc trực tiếp mã ký hiệu, hàm lượng trên sản phẩm, song không có giấy đính kèm sản phẩm, trọng lượng thì có tiệm ghi vào biên lai mua vàng, có tiệm không có cả biên lai. Nhân viên bán hàng tại Tiệm vàng Quốc Trinh trên phố Hà Trung cho biết, sau ngày 1/6, cửa hàng chỉ niêm yết thêm giá nhiều loại vàng trên bảng, như trước đây chỉ niêm yết giá vàng 24K, 18K thì nay có thêm giá vàng 16K, 14K, 10K...
Một cảnh sát kinh tế phụ trách lĩnh vực vàng nữ trang cho hay, công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện Thông tư 22 không dễ, bởi không phải địa phương nào cũng có đầy đủ máy móc, thiết bị lẫn nhân lực, trong khi cả nước có tới hơn 10.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang, chưa kể các tiệm nhỏ. Nếu không quyết liệt trong công tác thanh, kiểm tra, Thông tư 22 rất khó đi vào cuộc sống. |
Tuy nhiên, điều dễ nhận ra là số lượng mặt hàng vàng nữ trang bày bán sau ngày 1/6 tại nhiều tiệm vàng bỗng ít hơn những ngày trước đó mà theo một nhân viên bán vàng trên phố Hàng Bạc tiết lộ, là “cho đỡ phiền hà nếu có đoàn kiểm tra”, còn khi khách cần thêm mẫu sản phẩm thì nhân viên sẽ lấy thêm trong hộp kín đưa cho khách.
Tại những tiệm vàng xa trung tâm hoặc nằm trong ngõ phố nhỏ, việc kinh doanh vàng nữ trang càng lộn xộn, vẫn chủ yếu theo kiểu mua bán trao tay, không biên lai, giấy tờ. Khảo sát gần chục cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Cung, chỉ thấy có 3 cửa hàng có bảng niêm yết giá vàng. Trong vai người mua hàng tại tiệm vàng 227 Trần Cung, chúng tôi được chủ tiệm “tư vấn”: “Chị cứ yên tâm, vàng của tiệm có khắc hàm lượng trên sản phẩm, có cân trọng lượng hẳn hoi, khi nào bán chị lại mang đến đây, tôi nhìn là biết ngay hàng của mình, cần gì biên lai mua hàng”.
Tại cửa tiệm vàng 223 Trần Cung, khi chúng tôi hỏi về Thông tư 22, chủ tiệm nhún vai cho rằng, đó là quy định cho doanh nghiệp lớn, chứ “tiệm nhỏ như chúng tôi thì người ta kiểm tra làm gì(?!)”.
Hậu kiểm chưa quyết liệt
Trước thực trạng vẫn còn doanh nghiệp vàng thờ ơ, phàn nàn về quy định mới, ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) khẳng định, Thông tư 22 không “bắt” doanh nghiệp nấu lại vàng nữ trang hay mua thêm máy đo hàm lượng vàng, quả và cân... đắt tiền, mà chỉ cần doanh nghiệp xác định đúng hàm lượng, trọng lượng và bán theo đúng giá của hàm lượng, trọng lượng đó. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp từ trước đến nay vẫn thực hiện đúng quy định về hàm lượng, trọng lượng, ghi nhãn hàng hóa... thì không phải điều chỉnh. Như ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cho biết, doanh nghiệp gần như không phải điều chỉnh gì khi áp dụng Thông tư 22. Tương tự, ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín – Minh Châu cũng khẳng định, Bảo Tín - Minh Châu đã đáp ứng đủ các điều kiện của Thông tư 22 về kinh doanh vàng nữ trang.
Theo ông Vinh, hiện nay, các Trung tâm 1, 2, 3 của Tổng cục TCĐLCL đều có thiết bị đáp ứng việc thử không phá hủy mẫu và thử phá hủy mẫu theo quy định của Thông tư 22. Ngoài ra, các đơn vị nào đáp ứng đủ năng lực, trình độ, hệ thống quản lý, thiết bị, con người... theo quy định của Thông tư 22 đều có thể đăng ký để được xem xét, chỉ định làm đơn vị thực hiện thử nghiệm.
Đến nay, cũng đã có 83 doanh nghiệp vàng được cấp phép sử dụng thiết bị xác định tuổi vàng bằng kỹ thuật huỳnh quang tia X. “Nhiệm vụ thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng nữ trang được giao cho Chi cục TCĐLCL các địa phương và bước đầu, một số địa phương đã triển khai kiểm tra thực tế, đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp”, ông Vinh cho biết.
Quỳnh Anh
Giao thông vận tải
|