5 lý do làm nên kỷ lục liên hoàn của chứng khoán Mỹ
Thị trường chứng khoán Mỹ có vẻ nhàm chán và gần như sụp đổ hồi đầu năm thì bất chợt tỏa sáng trở lại với các chỉ số chính như Dow Jones và S&P 500 liên tục xác lập các mức cao kỷ lục mới qua từng phiên.
* Sóng M&A đẩy Dow Jones và S&P 500 lên kỷ lục mới
Cả hai chỉ số trên đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai và hiện Dow Jones đã có 9 phiên xác lập kỷ lục trong năm nay. Đáng chú ý, con số này đối với S&P 500 đã là 19 phiên.
“Tâm lý thị trường đang dần cải thiện sau một mùa đông khắc nghiệt,” dẫn lời bà Kate Warne, chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones. Bà nói thêm: “Các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp đều tốt và các công ty đã công bố lợi nhuận khả quan hơn kỳ vọng trong quý 1/2014. Các nhà đầu tư có phần tự tin nhưng không hồ hởi một cách vô lý. Và dòng tiền mặt không còn ở bên ngoài thị trường, các nhà đầu tư đang đổ thêm tiền vào cổ phiếu và trái phiếu”.
Dưới đây là 5 lý do vì sao chứng khoán Mỹ lấy lại được sự khởi sắc.
1. Đà bán tháo các cổ phiếu xu hướng (momentum stocks) không lan sang các blue chip
Chắc chắn rằng những cổ phiếu từng đạt được đà tăng trưởng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học và Internet đều đã trải qua thị trường con gấu của chính mình. Thế nhưng, đà sụt giảm này chưa bao giờ thật sự lan sang nhóm cổ phiếu blue chip trên thị trường chứng khoán.
Tóm lại, tiền không hoàn toàn rút khỏi thị trường chứng khoán. Đơn giản tiền đã dịch chuyển khỏi một số nhóm ngành đã trở nên quá đắt đỏ của thị trường sau khi ghi nhận những mức tăng khủng và chạy vào những nơi được xem là có giá trị hợp lý. Có thời điểm, Nasdaq Composite, chỉ số có nhiều cổ phiếu xì hơi sau khi đạt được đà tăng khủng, đã giảm hơn 8% so với mức đỉnh của năm 2014 nhưng chỉ số này đã lấy lại được hầu hết những mất mát đó và hiện chỉ còn thấp hơn 1% so với mức đỉnh. Trong khi đó, S&P 500 chỉ chứng kiến một đợt điều chỉnh khoảng 4% so mức cao kỷ lục nhưng đã xác lập kỷ lục thứ 19 cho năm 2014, sau khi ghi nhận 45 phiên xác lập kỷ lục trong năm 2013.
2. Kinh tế Mỹ đã ấm lên đúng như kỳ vọng
Kinh tế Mỹ đã khá im ắng trong mùa đông vừa rồi do tuyết rơi nhiều và chính những con đường đầy băng tuyết đã tác động xấu đến hoạt động thương mại. Thế nhưng các dữ liệu kinh tế, từ các đơn hàng nhà máy và doanh số xe cho đến việc làm và doanh số nhà ở, đã trở nên mạnh mẽ hơn khi thời tiết ấm áp trở lại. Số liệu về đà tăng trưởng việc làm tháng 5 tốt hơn kỳ vọng được công bố hôm thứ 6 đã khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ đang phục hồi sau một mùa đông ảm đạm. Theo đó, đã có thêm 217,000 việc được tạo ra đúng như mong đợi trong tháng 5 tại nền kinh tế này. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 6.3% và cũng khả quan hơn dự báo. Theo quan điểm của các nhà kinh tế tại Barclays, dữ liệu tích cực này được thể hiện qua dự báo tăng trưởng GDP khả quan hơn trong quý 2, với mức ước tính gần 3%, trái với đà suy giảm 1% trong quý 1 năm nay.
3. Các thống đốc ngân hàng trung ương thế giới đã thực hiện vai trò của mình
Mối lo sợ về việc các ngân hàng trung ương lớn có thể rút lại các gói kích thích, bất chấp kinh tế thế giới vẫn yếu, đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng trong đầu năm nay. Thế nhưng bà Janet Yellen, người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khẳng định với Phố Wall rằng bà không có kế hoạch nâng lãi suất một cách đột ngột trong ngắn hạn từ các mức thấp kỷ lục như hiện nay. Và trong tuần rồi, trong một nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện vai trò của mình. ECB đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời thông báo những bước đi mới để thúc đẩy cho vay ngân hàng và ám chỉ rằng ngân hàng này có thể áp dụng chương trình mua trái phiếu kiểu Mỹ nếu cần thiết.
Bà Warne nói rằng: “Nếu kinh tế châu Âu khởi sắc, đó sẽ là một sự lạc quan cho kinh tế Mỹ và các nước khác trên thế giới”.
4. Khủng hoảng Ukraina không vượt tầm kiểm soát
Các lời bàn tán về Chiến tranh lạnh phiên bản 2.0 đã lắng dịu. Khủng hoảng Ukraina/Nga cũng đã dịu lại theo sau các cuộc bầu cử ở Ukraina và một phương pháp tiếp cận ít mang tính đối đầu hơn của Nga.
5. Những cảnh báo về xu hướng giảm đã không thành hiện thực
Những dự đoán về sự sụp đổ như năm 1987 hay đà lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán đã không thành hiện thực. Thật vậy, trong tuần vừa qua, ông David Tepper, Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Appaloosa Management, đã bớt lo lắng về thị trường chứng khoán. Tháng trước, ông đã lên tiếng cảnh báo rằng thị trường chứng khoán đã trở nên nguy hiểm và ông đang cảm thấy lo lắng. Lo sợ của ông Tepper vào thời điểm đó là sự thiếu cấp bách của ECB trước đà tăng trưởng kinh tế yếu kém của Eurozone, khủng hoảng Ukraina, những quan ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ và những lo lắng về Trung Quốc. Thế nhưng trong tuần qua ông nhận định trên CNBC rằng, nỗi lo sợ của ông về thị trường đã lắng dịu.
Những người hoài nghi về thị trường, dĩ nhiên tranh luận rằng, sự hài lòng trên Phố Wall đang tăng trở lại và đây là một điều rất đáng lo ngại. Chẳng hạn như Citigroup cho rằng chỉ số tâm lý của ngân hàng này đã tiến xa hơn vào giai đoạn “phấn khích”, điều đó cho thấy các nhà đầu tư đang trở nên quá tự tin. Và trong một tín hiệu xấu khác, Ned Davis Research cho rằng việc bán hợp pháp trong nội bộ do các nhà điều hành doanh nghiệp thực hiện đang trong xu hướng tăng, dấu hiệu cho thấy những nhà điều hành này nghĩ rằng cổ phiếu của họ rất có giá trị.
Thế nhưng, ít nhất thì tại thời điểm này, sự thiếu sợ hãi của các nhà đầu tư đang giúp thị trường đạt được những mức tăng lớn hơn.
Tuy vậy, bà Warne cũng khuyên các nhà đầu tư hãy chuẩn bị cho đợt điều chỉnh tiếp theo của thị trường. Bà nói: “Chúng tôi không muốn mọi người ngạc nhiên nếu xảy ra một đợt điều chỉnh”.
Đỗ Thảo (Theo CNBC)
Công Lý
|