Phúc thẩm:
Y án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc
Trực tiếp – 15g40, HĐXX tuyên án. Không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên án sơ thẩm đối với Dũng, Phúc, Triều, Sơn, Khang và Dương. Chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt, giảm bồi thường cho các bị cáo Đức, Triện, Lừng.
* Dương Chí Dũng: "Oan mà chết thì không chịu được"
* Vẫn đề nghị y án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc
* Xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm: Luật sư cho rằng tài liệu mới xuất hiện không hợp lệ
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra, ý kiến của KSV, trình bày của bị cáo, luật sư..., HĐXX xét thấy:
Về tội danh, đối với tội cố ý làm trái. Vinalines là DN 100% vốn Nhà nước. Ngày 9-2 và 12-5-2006, Dương Chí Dũng ký văn bản 115 và 495 đề nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung nhà máy sửa chữa đóng tàu phía Nam vào quy hoạch và báo cáo Thủ tướng. Sau khi có đề nghị, VPCP có văn bản 4805 thông báo ý kiến Thủ tướng đồng ý cho phép xem xét để bổ sung và trình Thủ tướng phê duyệt. Mặc dù dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch nhưng Dương Chí Dũng vẫn quyết định thành lập Ban quản lý dự án. Các bị can khác được giao là thành viên.
Ngày 15-6-2007, Mai Văn Phúc ký tờ trình 751 đề nghị HĐQT Vinalines quyết định chủ trương phê duyệt đầu tư dự án và sau đó Dương Chí Dũng đã ký đồng ý. Việc này không phù hợp quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm trực tiếp và xuyên suốt thuộc về Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.
Tại cơ quan điều tra, tại phiên toà, các bị cáo đã thừa nhận những hành vi này. Việc các luật sư viện dẫn các văn bản để bào chữa cho bị cáo là không phù hợp. HĐXX viện dẫn các quy định của Luật Hàng hải (Điều 11) để xác định ụ nổi là tàu biển. Danh mục tiêu chuẩn VN thì quy phạm ụ nổi thuộc hệ thống quy phạm tàu biển. Trong các tài liệu hợp đồng mua bán cũng xác định ụ nổi là tàu biển. Bản thân các bị cáo là hải quan cũng xác định điều này và thừa nhận việc cho nhập khẩu ụ nổi là vi phạm pháp luật.
Từ các căn cứ này cho thấy việc mua bán ụ nổi 83M phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Khi thực hiện dự án mua ụ nổi, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định về đấu thầu, thuộc trách nhiệm Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn như cấp sơ thẩm đã nêu là chính xác.
Việc quyết định mua ụ nổi quá tuổi của các bị cáo là trái quy định của Chính phủ. Theo quy định ụ nổi không được quá 15 tuổi từ khi sản xuất và trường hợp đặc biệt phải được Bộ trưởng GTVT quyết định nhưng không quá thêm 5 năm.
HĐXX nhận định cấp sơ thẩm căn cứ kết luận giám định quy kết các bị cáo có hành vi cố ý làm trái khi giao dịch 900.000 USD và 8,1 triệu USD thanh toán tiền mua ụ nổi là có căn cứ và chính xác.
Đối với các bị cáo thuộc nhóm hải quan, HĐXX nhận định đã cố ý làm trái, tạo điều kiện cho các bị cáo tại Vinalines gây thiệt hại cho Nhà nước.
Từ đó, HĐXX thấy các lí do kêu oan hoặc nhận tội thiếu trách nhiệm, không nhận tội cố ý làm trái là không có cơ sở để chấp nhận.
Về thiệt hại, cấp sơ thẩm đã xác định 366 tỉ đồng. Tuy nhiên, HĐXX xem xét thấy phương án thanh lý ụ nổi 83M để thu hồi vốn bằng phương pháp bán sắt vụn sẽ thu được 45 tỉ đồng. Do đó, giá trị của ụ ngày 19-5-2012 là 45 tỉ đồng nên tổng giá trị thiệt hại của Vinalines được xác định giảm 8 tỉ đồng. Do đó việc xác định thiệt hại là chính xác.
Hành vi tham ô tài sản: các bị cáo Dũng, Phúc không thừa nhận như lời khai của Trần Hải Sơn. Tuy nhiên trước khi đưa ra xét xử, Dương Chí Dũng đã có đơn xin nhận tội. Tại phiên phúc thẩm lại kêu oan và cùng Mai văn Phúc khẳng định không biết khoản 1,666 triệu USD. Lời khai của hai bị cáo tại cơ quan điều tra xác định chỉ Dũng hoặc Phúc có quyền về khoản lại quả. Sơn khai việc lại quả phải có thoả thuận ngầm giữa ông Goh với Dũng và Phúc vì chỉ hai bị cáo này có quyền quyết định mua, bản thân Sơn không thể quyết định được.
HĐXX cũng viện dẫn nhiều lời khai cho thấy Dương Chí Dũng có quan hệ từ trước với ông Goh. Đồng thời, tại lời khai Dũng cũng khẳng định những nội dung như lời khai của Trần Hải Sơn. Theo đó, chỉ Dũng và Phúc mới có quyền quyết định mua hay không mua ụ nổi 83M.
Bị cáo Trần Hải Sơn cũng đã khai nhận việc ông Goh nói việc đã có thoả thuận ngầm, Sơn đã đến gặp Dũng và Dũng chỉ đạo chia 10 tỉ cho Dũng, 10 tỉ cho Phúc, còn lại cho Sơn. Sau đó, Sơn gặp Phúc và thông báo như vậy, Phúc cũng đồng ý. Kết quả tương trợ tư pháp cũng cho thấy có việc mua bán giữa Nakhodka với AP và Vinalines phải có sự chỉ đạo từ Vinalines.
Trên cơ sở điều tra xác minh tại Singapore, Nga, cấp sơ thẩm xác định có thoả thuận, thống nhất giữa các bị cáo và công ty AP, thoả thuận ăn chia là có căn cứ. Cấp sơ thẩm quy kết là phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Dũng, Phúc.
Các tài liệu thu được có cơ sở khẳng định khoản 1,666 triệu USD mà ông Goh chuyển vào tài khoản của công ty Phú Hà là tiền của Vinaline. Các bị cáo bị cấp sơ thẩm truy tố về tội tham ô tài sản là chính xác, không oan.
Tuy nhiên quá trình điều tra không làm rõ hành vi của Trần Thị Hải Hà là có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội.
Đối với việc Dũng khai Sơn chỉ đưa valy rượu là không có căn cứ. Kết quả xác minh bà Đào không làm thủ tục hải quan hộ Dũng. Sơn cũng không khai nhận đưa rượu nên việc khai chỉ nhận chiếc valy rượu là không đúng.
Đối với Mai văn Phúc, Sơn khẳng định 2 lần đưa tại làng quốc tế Thăng Long là 7,5 tỉ đồng. Lần thứ 3 tại Hải phòng 2,5 tỉ đồng. Hai lần đầu Sơn đều nhờ em gái chuẩn bị tiền, rút tại ngân hàng MSB bằng CMND và mang tiền đến Làng Quốc tế Thăng Long. Lần thứ ba Phúc hẹn Sơn mang tiền đến quê tại An Hồng, An Dương, Hải Phòng. Khi chuẩn bị tiền xong, Sơn đến và đưa cho Phúc túi tiền và nói “em gửi 2,5 tỉ đồng tiền ụ nổi”...
Kết quả xác minh các nội dung đều phù hợp giữa lời khai của bị cáo Sơn. Việc các luật sư trình bày không chứng minh được giao dịch của Sơn là không chấp nhận vì đại diện ngân hàng MSB xác định chưa truy xuất được chứ không phải có giao dịch. Tài liệu ngân hàng đã cung cấp Sơn có 5 lần giao dịch tại ngân hàng là phù hợp với thực tế.
Do đó, việc các bị cáo cố ý làm trái để có 1,666 triệu USD và chia chác như trên theo tuyên án của toà sơ thẩm là có căn cứ.
Tính đến ngày khởi tố vụ án (12-5-2012), hành vi thiệt hại do các bị cáo gây ra gần 359 tỉ đồng. Thiệt hại do các bị cáo gây ra không chỉ dừng lại ở con số trên mà còn có thể lên đến hơn 500 tỉ đồng, có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, môi trường nơi ụ neo đậu.
HĐXX thấy trong vụ án này các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng là hoàn toàn chính xác.
Minh Quang
tuổi trẻ
|